GÓC KHUẤT - THÂN PHẬN CỦA MỘT NGƯỜI BẠN. -Phan Văn Huề


GÓC KHUẤT – THÂN PHẬN CỦA MỘT NGƯỜI BẠN

     Sau khi thầy Lê Công Thường qua đời. Gia đình thầy đã trao lại cho tôi một lá thư của anh Lê Kim Mới ( tức là Lê Kim Thành Tâm), gửi cho thầy, cách đây 40 năm.

     Xem xong lá thư, trong tôi bất chợt dâng trào một cảm xúc thương nhớ, muốn bày tỏ nỗi niềm về cuộc đời không may mắn của anh. Vì anh là một người bạn tri kỷ và cũng là người bạn đồng nghiệp làm nghề dạy học với tôi, công tác dưới mái trường Trung học Nông Lâm Súc Huế.

   Quê quán của anh gốc Huế, nhưng anh vốn sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Lạt. Sau này, do vì điều kiện lập nghiệp, cộng thêm hoàn cảnh trắc ẩn, anh cùng với mẹ trở về Huế sinh hoạt, chung sống họ hàng bên ngoại, ở phường Kim Long, thành phố Huế.

   Anh là cựu học sinh Huế, vào trường từ niên khóa 1966 – 1969. Ra trường, anh tốt nghiệp sư phạm Nông Lâm Súc khóa 4, ban Thủy Lâm và được bổ nhiệm về dạy tại trường TH NLS Huế.

   Cùng một thời với chúng tôi, có thầy Đặng Thanh, Ngô Thuận, Trần Cương, Phan Chương…



     Tôi với anh có một khoảng thời gian gắn bó, chúng tôi chung sống, ở cùng phòng F5, cư xá giáo chức, trong khuôn viên nhà trường.

     Ngoài giờ dạy, anh có điểm đặc biệt là rất "ghiền” cà phê, thuốc lá, thích chơi bi-a (bi da) với các bạn đồng nghiệp. Tính tình vui vẻ, cởi mở, dễ hòa đồng, sống luôn có ý thức trách nhiệm.

    Ở quê nhà, anh còn tham gia đoàn thể, sinh hoạt gia đình phật tử, với vai trò huynh trưởng.

    Thỉnh thoảng tôi lên nhà vườn Kim Long thăm mẹ anh, chỉ thấy hai mẹ con sống côi cút với bà ngoại (cảnh mẹ góa con côi).

    Mãi sau này, tôi mới biết: Anh có cha đi tập kết ra Bắc và đã hy sinh vì sự nghiệp CM.

    Sau tháng 4/75, anh và những người bạn còn được lưu dụng giảng dạy. Còn tôi rời khỏi trường, cho đến năm 1977, tôi được biết tin: Anh là một trong những người thầy cho thôi việc sớm nhất với nhiều lý do,…Có lẽ, tư tưởng của anh vào thời điểm đó chưa thích ứng để hòa nhập với nền giáo dục mới,…Trong bức thư, anh viết: " Em vẫn mong có ngày tái hiện , để đối chất và nhìn thấy mọi sự thật. Để lương tri con người không còn buồn tủi, hằn vết thương đau”.

   Sau khi thôi việc, tư tưởng không ổn định dẫn đến thần kinh căng thẳng, trầm cảm, anh bị điên loạn.  Có lúc gia đình phải khóa chân anh vào dây xích để giữ anh lại…nhưng anh chỉ phát bệnh trong thời gian ngắn. Anh đã bình tâm trở lại, gia đình đành phải đưa anh lên Đà Lạt để an dưỡng. Sức khỏe dần dần bình phục. Trong thư, anh viết: " Cuộc sống ở đây, em đã đi vào nề nếp có nhiều hứng thú và ý nghiệp đi lên. Về tinh thần thì với khí lạnh mát với sương khói chiều hôm cũng như phảng phất mùi hương núi rừng phong lan. Quả thật là nơi lý tưởng để dưỡng sức, ẩn thân và tạo dựng sự nghiệp”.

    Trong thời gian dưỡng bệnh ở Đà Lạt, anh luôn ao ước được trở về Huế thăm lại bạn bè, học trò mà anh đã gắn bó tình cảm sâu đậm ở nơi này. Trong bức thư, anh còn viết: " Rất mong thư anh và tất cả người thân ở Huế để cảm nhận rằng tuy xa Huế. Nhưng tận lòng và nước mắt mình vẫn hiện hữu và hiện hữu mãi với miền Trung, miền Thùy Dương sông Hương, núi Ngự, miền mà đã một thời vang vọng với cố đô lăng tẫm, cung điện Chúa Nguyễn, miền có hồi chuông cảnh tỉnh Linh Mụ, có nguồn đạo hạnh Từ Đàm, Diệu Đế,…và..có..phảng phất linh hồn người…”

    Rồi anh trở lại Huế, sống những năm tháng cùng mẹ và bà ngoại để xây dựng cuộc đời mới. Anh dự định lập gia đình…Nhưng không ngờ vào một buổi sáng định mệnh. Anh đốn cây trong vườn nhà, thì tai nạn xảy ra, dẫn đến cái chết tức tưởi, thương tâm "sinh nghề tử nghiệp”. Anh ra đi mãi mãi vào mùa hạ năm 1979.

    Ngày đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng, cạnh bia mộ ba anh ở nghĩa trang quê nội. Chỉ có một số ít bạn bè và học trò tiễn đưa. Tôi ngậm ngùi cho số phận một con người, thấm thía với lời bài hát văng vẳng bên tai: ” Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa”

   Thời gian thắm thoát thoi đưa, mấy chục năm sau, từ Sài Gòn trở lại cố đô Huế, tôi được biết gia đình đã cải táng mộ phần của anh lên Đà Lạt. Mãi đến năm 2016, tôi cùng người bạn đến viếng mộ anh. Bao nhiêu năm biền biệt, bặt vô âm tín, giờ đây, tôi mới được thắp cho anh một nén nhang. Tôi thật sự bồi hồi xúc động và xin tạ lỗi với hương hồn anh…!



   Tôi viết lên đây cuộc đời đắng cay của anh, nỗi lòng thân phận của một con người với nhiều ước vọng..” Được gặp lại và đối chất với những người thời ấy ( trong đó có một số ít học sinh) đã làm anh tủi thân, buồn bã, hằn vết thương đau trong một thời gian dài.” .Nhưng ước vọng đó không thành, bởi vì cuộc đời của anh quá ngắn ngủi!

   Kỷ niệm 60 năm, ngày thành lập trường sắp tới đây(09-06-2019) , cũng là ngày anh từ giả cõi đời vừa tròn 40 năm.

   Tôi tin rằng: Ở nơi xa xăm nào đó…Anh đã và đang mĩm cười,…hòa chung niềm vui cùng chúng tôi trong ngày Hội Lớn thắm đậm tình đồng môn trong đại gia đình Nông Lâm Súc Huế.

   Bài hát " Hát cho người nằm xuống” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đi cùng theo năm tháng, xót thương cho một kiếp người không may mắn, bạc phận,…

"Anh nằm xuống, sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này, đã bay cao trong vòm trời đầy. Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai, không có ai, từng ngày, không có ai, đời đời. Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới, trong nghĩa trang, cùng có loài chim thôi…..”

                 Người bạn luôn tưởng nhớ về anh!

                 Viết xong cuối tháng 10/2018

                               PHAN VĂN HUỀ