Con
trai tôi mặc dù lớn lên tại Nhật, nhưng tôi xưa nay vẫn không thực sự
hiểu vì sao nhà trường và gia đình ở Nhật lại có mối quan hệ qua lại mật
thiết như vậy. Họ đều coi việc giáo dưỡng hàng ngày cũng quan trọng
như thành tích học tập.
Mãi
cho tới một ngày tôi tham dự buổi họp phụ huynh của con trai tại trường
trung học, được nghe thầy hiệu trưởng 80 tuổi kể về câu chuyện thuở ấu
thơ của một doanh nhân nổi tiếng, tôi mới giật mình hiểu ra.
Con trai khóc đòi mua bánh thịt nướng
Câu
chuyện thầy hiệu trưởng kể ngày hôm đó xảy ra vào sau Chiến tranh Thế
giới lần thứ hai. Nhẹ nhàng, giản dị nhưng sâu sắc, câu chuyện ấy đã
giúp chúng tôi thấu hiểu cách giáo dục con cái của gia đình truyền thống
tại Nhật Bản như thế nào.
Thầy
hiệu trưởng già kể chuyện với chúng tôi bằng giọng nói khàn khàn và đôi
khi phải ngừng lại vì những cơn ho nhẹ. Ông nói, kinh tế của Nhật sau
Chiến tranh thế giới vô cùng khó khăn, phần lớn các gia đình rơi vào
cảnh nghèo túng, bởi vậy mong muốn lớn nhất của mọi người là được no
bụng. Trong những ngày ấy, thịt là món vô cùng xa xỉ và chỉ có trên bàn
ăn duy nhất vào dịp năm mới.
Câu
chuyện của thầy hiệu trưởng diễn ra trong bối cảnh lịch sử ấy. Nó kể về
thời thơ ấu của Kadokura Kiyojiro, chủ tịch một công ty tư vấn, một
doanh nghiệp nổi tiếng của Nhật Bản mà người Nhật ai ai cũng biết.
Tuy nhiên, nhân vật chính
trong câu chuyện không phải Kadokura Kiyojiro, mà là mẹ của ông, người
phụ nữ hiền từ, dịu dàng, nhẫn nại nhưng vô cùng lý trí, kiên cường. Bà
không chỉ sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm mà còn
âm thầm hy sinh, không oán không hận đã khiến tất cả những người có mặt
tại buổi lễ hôm ấy cảm động sâu sắc.
Mọi
người dành cho bà sự ngưỡng mộ, cảm phục vì tất cả những gì bà đã làm
và bởi bà chính là hiện thân cho những vẻ đẹp truyền thống cao quý, tốt
đẹp đang dần bị mai một trong xã hội hiện đại.
Câu
chuyện diễn ra vào một ngày trong kỳ nghỉ hè năm lớp 4, người mẹ dẫn
Kadokura Kiyojiro lên phố mua đồ. Kadokura Kiyojiro ngoan ngoãn đi sau
mẹ, đôi khi những món đồ chơi, những bộ quần áo đẹp lôi cuốn tâm trí
cậu, nhưng cậu bé ngay lập tức nhớ ra hoàn cảnh gia đình mình đang rất
khó khăn. Đúng lúc ra về, cậu bé nghe thấy những âm thanh "xèo… xèo” phát ra từ cửa hàng bán bánh thịt nướng, và mùi thơm phức, béo ngậy hấp dẫn cậu bé.
Vào
mỗi giờ ra chơi, bạn bè trong lớp cậu bé thường nói chuyện với nhau về
những món ngon trong gia đình và không ai không kể đến món bánh thịt
nướng. Mỗi lần như thế, Kadokura Kiyojiro đều cảm thấy vô cùng tủi thân
và xấu hổ, vì cậu là người duy nhất chưa biết tới hình dáng chiếc bánh
thịt nướng như thế nào. Ngày nào cũng vậy, ba bữa cơm trong nhà đều chỉ
có dưa muối và gạo mạch, và chiếc bánh thịt xa xỉ luôn chỉ tồn tại trong
tưởng tượng và sự khao khát của Kadokura
Kiyojiro mà thôi.
Nghĩ
lại những điều ấy, Kadokura Kiyojiro bất chợt hét lớn lên giữa phố và
nhất quyết đòi được ăn bánh thịt một lần. Cậu bé nắm chặt tay mẹ, năn nỉ
đòi mua. Lúc đó, mẹ cậu nhìn cậu bằng ánh mắt dịu dàng và nhẹ nhàng
giải thích: "Nhà mình không có điều kiện. Nếu mua về, cha sẽ rất tức giận và trách mắng mẹ con mình”.
Nhưng Kadokura Kiyojiro bồng bột không chịu dừng lại và nói với mẹ bằng giọng oán trách: "Các bạn trong lớp đều được ăn, chỉ có mình con là chưa bao giờ được biết đến mùi vị của bánh thịt. Mẹ mua cho con ăn đi,
chỉ một lần thôi cũng được”.
Bánh
thịt là loại bánh rán làm từ thịt bò và khoai tây. Ngày nay, đây là
loại bánh rất bình dân, phổ biến ở Nhật, ai cũng có thể mua được một
cách vô cùng dễ dàng. Nhưng sau chiến tranh, được ăn bánh nhân thịt là
một điều hết sức xa xỉ ở Nhật. Do đó, những gia đình bình thường không
thể gồng gánh được, nên tuyệt đối không thể vô duyên vô cớ mà mua về nhà
ăn.
Kadokura
Kiyojiro bình thường là cậu bé vô cùng ngoan ngoãn và biết vâng lời
nhưng hôm đó bỗng dưng bất chấp tất cả mọi quy tắc, sẵn sàng giữa đường
phố la khóc năn nỉ khiến mẹ cậu phải hạ quyết tâm làm một việc khó
khăn. Mẹ nói với Kadokura Kiyojiro ngắn gọn và dứt khoát: "Con thực sự rất muốn ăn mà. Được rồi!”, và bà không do dự rảo bước tới cửa hàng mua sáu chiếc bánh thịt.
Cha nổi trận lôi đình trách mắng, mẹ âm thầm chịu đựng tất cả
Quả
nhiên khi cha Kadokura Kiyojiro vừa về tới nhà, phát hiện thấy trên bàn
ăn ngoài cơm rau muối hàng ngày còn có thêm một đĩa bánh thịt, ông lập
tức nổi trận lôi đình với mẹ cậu: "Sao bà có thể tiêu xài tùy tiện
như thế này, không màng gì tới hậu quả thế….”
Kadokura
Kiyojiro lúc đó mới hiểu ra sự nghiêm trọng của việc này. Cậu bé thấp
thỏm lo lắng, sợ mẹ nói ra sự thực thì tất cả sự tức giận và nóng nảy
kia sẽ trút cả lên cậu. Kadokura Kiyojiro ngồi nép vào một góc nhà,
ánh mắt không rời khỏi hình bóng của mẹ. Cậu nhìn những nét mặt và biểu
cảm trên gương mặt mẹ để đoán xem sự việc gì sẽ có thể xảy ra với mình.
Nhưng
mọi chuyện diễn ra hoàn toàn khác xa so với những gì cậu suy tính. Mẹ
không nói một lời nào, không tỏ ra uất ức hay giận dữ mà chỉ âm thầm
chịu đựng tất cả. Bà điềm tĩnh ngồi đó, im lặng cúi đầu và lắng nghe
những câu trách móc và sự phẫn nộ của cha.
Có
lẽ khi đưa ra quyết định mua bánh thịt, bà đã lường trước hậu quả sẽ
như thế nào. Bà cũng cho đây hoàn toàn là quyết định của bà, chưa bàn
bạc với chồng mà đã tự ý quyết định, bà xứng đáng phải chịu sự trách
mắng
như vậy.
Bà
dũng cảm chịu trách nhiệm về việc mình đã làm, không oán không hận,
đồng thời trong hoàn cảnh chịu tủi nhục, đắng cay ấy, bà vẫn tôn trọng
địa vị và sự tôn nghiêm của người chủ gia đình là chồng mình.
Tình thương dành cho con và
sự nhẫn chịu của người phụ nữ đã cho bà sức mạnh và sự kiên định để điềm
tĩnh đối diện với bất cứ điều gì. Bà, một người phụ nữ truyền thống,
coi trọng lễ nghi và đạo đức, vì các con mà
sẵn sàng gánh chịu tất cả, hy sinh tất cả.
7 người nhưng chỉ có 6 chiếc bánh thịt
Câu
chuyện khiến mọi người ai nấy đều xúc động và vô cùng khâm phục sự nhẫn
nhịn của người mẹ. Cuộc sống hối hả khiến họ đôi khi đánh mất bản tính
thuần khiết của mình, không thể nhẫn chịu, không thể bao dung, thậm
chí không thể kiềm chế bản thân mình khi đối mặt với những chỉ trích vô
cùng nhỏ nhặt.
Tuy nhiên, phần kết của câu chuyện mới thực sự để lại trong lòng người những suy tư không thể nào quên.
Hóa
ra cha của những đứa bé khi đang tức giận trách mắng mẹ thì đột nhiên
phát hiện trên đĩa chỉ có 6 cái bánh. Trong nhà có 5 đứa con, nên tổng
cộng là 7 người, điều này có nghĩa là mẹ đã không mua bánh cho mình,
chỉ có phần của cha và các con. Tiếng trách mắng của cha đột nhiên
nghẹn lại, ông lặng lẽ chia chiếc bánh của mình thành 2 nửa, gắp một nửa
chiếc bánh vào trong bát của vợ, sau đó lặng lẽ đưa nửa chiếc bánh còn
lại lên miệng mình.
Món bánh thịt nướng tại Nhật Bản:
Cha
đã đồng ý ăn và không còn tức giận nữa. Theo phép tắc trong gia đình,
chỉ khi cha ăn, mọi người mới được phép động đũa. Nhìn cha đưa chiếc
bánh thịt lên miệng mà không nói thêm lời nào, mọi người đều hiểu ra,
như vậy là mọi chuyện đã được thông qua, mọi người đã có thể ăn bánh.
Năm anh chị em cắn từng miếng
từng miếng bánh thịt, mong ước bấy lâu nay của chúng cuối cùng đã được
thỏa mãn. Đó là bữa tối vui vẻ và ngon lành nhất từ trước tới giờ.
Sau bữa ăn, ánh mắt mẹ và cậu bé đã gặp nhau, khuôn mặt mẹ rạng rỡ và sáng ngời vẻ hạnh phúc, mẹ vừa cười vừa nói: "Tốt quá rồi. Bánh ngon lắm phải không con”?
Bà cũng không một chút trách
móc, không một lời giáo huấn, nhưng suốt đời Kadokura Kiyojiro cũng
không thể quên được cách giáo dục không lời này của mẹ.
Kadokura
Kiyojiro từ đó đã ghi sâu trong lòng bài học về tình yêu vô tư và sự hy
sinh lớn lao, không oán không giận của mẹ dành cho cậu. Sự âm thầm chịu
đựng, dũng khí và tâm thái của mẹ khi gánh vác trách nhiệm cho
những việc mình làm đã in sâu trong trái tim Kadokura Kiyojiro.
Mẹ
dành cho Kadokura Kiyojiro sự quan tâm và yêu thương chan chứa, mẹ hiểu
nỗi lòng và ước mong của cậu khi khao khát một chiếc bánh thịt. Nhưng
đó không phải là sự nuông chiều của mẹ khi quyết định mua bánh để cậu
ngừng khóc, mẹ đã nhẹ nhàng giúp Kadokura Kiyojiro nhận ra những điều
quan trọng trong cách sống, cách ứng xử của một con người và mẹ lặng lẽ
lấy mình làm gương.
Kadokura
Kiyojiro đã hiểu rằng làm người không được phép tùy tiện, không được
bất chấp hậu quả; một khi đã quyết định thì phải dũng cảm gánh vác trách
nhiệm, không được trốn tránh, cũng không được kiếm cớ thoái thác,
quy kết nguyên nhân và lỗi lầm cho người khác.
Vẻ mặt cương nghị và thái độ dám làm dám chịu, không một lời thanh minh, không một chút hối hận của mẹ khiến Kadokura Kiyojiro cả đời không sao quên được. Điều này
đã tạo nên thành công trong cuộc đời sau này của cậu.
Cách
dạy bảo nhân từ của mẹ đã giúp Kadokura Kiyojiro nhận ra thế nào là
tình yêu vô tư, sự hy sinh thầm lặng cũng như tấm lòng bao dung, suy
nghĩ cho người khác, tinh thần sẵn sàng gánh vác trách nhiệm và không
bao
giờ oán trách người khác dù bản thân ở trong tình cảnh nào.
Nghe
xong câu chuyện này, tôi mới hiểu, hóa ra những lời dạy bảo tốt đẹp và
lấy mình làm gương của cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày lại là nhân tố
quan trọng quyết định sự thành công trong cuộc đời của con cái.
Thầy
hiệu trưởng nói rằng giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường giống như
hai chiếc bánh của một cỗ xe, chỉ cần một bên bị chệch cũng sẽ gây ra
mất cân bằng cho chiếc xe, từ đó sẽ xuất hiện vấn đề. Con đường xe
chạy cũng như chặng đường mà con người bước đi.
Sự
trưởng thành của con cái cần có sự giáo dục toàn diện của gia đình và
nhà trường. Chỉ có như vậy thì cỗ xe cuộc đời này mới có thể chạy một
cách bình ổn, an toàn trên con đường xã hội tương lai, nếu không có thể
sẽ xảy ra sự cố hoặc nghiêm trọng thì xe sẽ bị lật giữa đường.
Cuối
cùng thì tôi cũng đã hiểu vì sao Nhật Bản lại coi trọng giáo dục trong
cuộc sống và làm người như vậy. Tôi hiểu rằng giáo dục làm người chính
là cốt lõi để làm nên một xã hội văn minh, một xã hội phát triển bền
vững.