Hàn Hoài Nguyên
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Thu phân, số giờ của ngày và đêm lại bằng nhau trong một năm, nhưng cái lạnh đầu mùa của Tiết Thu ở miền Nam California như nhắc nhớ chúng tôi thiên nhiên đã bắt chuyển mình để chào đón cuộc hội ngộ xa gần may mắn và hiếm có của chúng tôi.
Chúng tôi là ai? Chỉ biết là chúng tôi không còn trẻ nữa sau hơn 52 năm gặp lại nơi xứ người. Có vài người đang trên đà nhưng cũng có người đã có vài năm thâm niên trong ngưỡng cửa Thất thập. Ngậm ngùi hay vui? Cả hai lẫn lộn, nhưng hôm nay tôi đoán là nhiều con tim đã vui trở lại.
Có lẽ phần nhiều quý vị đang đọc chuyện phím này còn nhớ bài toán đố từng một thời làm khổ đau nhiều người, trong đó có tôi, thời thi vào đệ Thất những năm cuối thập niên 1960. Bài toán hôm nay: Chúng tôi 10 người, vừa cồ vừa mái, vừa là những đồng môn, vừa có thêm dâu và rể. Đố quý vị có bao nhiêu người là đồng môn, bao nhiêu người là dâu, là rể. Không dễ trả lời. cứ thử đoán rồi xin mời xem hình đọc tiếp để tìm câu trả lời. Cười.
Người đến từ phương xa ngàn dậm
Có hai người đều là lớp 9A, được chiếu cố như hoa lạ giữa rừng Thu. Người bạn đường xa nhất Huy Viên, kế đến Thu Hương và rể là anh Nam, Có lẽ vài ngày nay những ứng dụng trên những chiếc smart phone như được chúng tôi khai thác tối đa để theo từng bước đi của mỗi gia đình. Điện thoại reo không nghỉ. Nào là đi tới đâu? Máy bay cất cánh hay hạ cánh chưa? Có mệt không? Chừng nào đến? Vui nhỉ, người hỏi tuy đã biết câu trả lời nhưng mọi người vẫn tiếp tục quan tâm hỏi. Hỏi một câu chưa đầy 10 giây, nhưng câu trả lời được hê hả đi lạc vấn đế có đôi khi kéo dài 15 hay 20 phút. Dzui thật.
Huy Viên, sau hơn 10 tiếng hạ cánh đến phi trường Los Angeles, không biết có ngủ trọn giấc không, nhưng bị bắt cóc tại quận Cam sáng hôm sau tại nhà người bà con. Qua giọng nói, tôi đoán là còn đang nữa tỉnh nữa mê vì trái múi giờ và đã trải qua nhiều giờ ê mông trên máy bay hay trằn trọc không tài nào ngủ được. Không biết là anh chàng còn đang ngỡ ngàng như sống giữa mộng và thực. Tôi cũng hiểu phần nào. Điều kiện thì có nhưng thủ tục di trú và du lịch vào Mỹ là rào cản không phải chỉ riêng cho Huy Viên mà còn cho nhiều người khác.
Riêng vợ chồng anh Nam và Thu Hương, tuy đã an cư lạc nghiệp gần chúng tôi hơn, ở Tempe, Arizona, chỉ khoảng 6 giờ xe để đến Nam California, nhưng sau khi nghỉ hưu anh chị cũng tất bật đi đó đây ‘thanh tra’ đất nước Huê Kỳ và các nơi trên thế giới. Mới thấy cái hiếm muộn của thời gian và khoảng cách không gian là một thử thách lớn cho lần gặp mặt này của chúng tôi ở Bắc Mỹ, nếu không có sự cố gắng hy sinh thu xếp thời gian của mọi người. Ý nghĩa lắm.
Phần còn lại, là những cư dân đã mọc rễ ở các thành phố quanh miền Nam California. Phần nhiều chúng tôi bước vào cái tuổi mà thị giác thiếu thiện chí hợp tác với não bộ, lại thêm nước Mỹ đất rộng, nên khoảng cách không gian lại là những thử thách lớn cho mọi cuộc đi lại để gặp gỡ. Không dễ dàng.
Những con tiến Nâu lạ đầu tiên ở Tuy Hòa hơn 54 năm trước
Quay ngược thời gian một chút, tháng 8 năm 1970, thị xã Tuy Hòa, bắt đầu một hiện tượng lạ. Mỗi sáng thường ngày trong tuần, từ nhiều góc đường, những cô cậu trong đồng phục áo trắng len lõi đến các trường trung học chung quanh thị xã. Không nhiều lắm cũng bắt đầu lấp ló đâu đó vài cô cậu có đồng phục áo nâu: bọn con trai, áo nâu quần khaki xanh, còn bọn con gái, áo dài hay áo bà ba nâu và quần đen.
Nhưng khác với các học sinh khác phần nhiều đi bộ đến trường, họ như con kíến nâu, với nhiều phương tiện khác nhau như xe đạp, xe lambretta, xe gắn máy lớn nhỏ, tiến về vùng ngoại ô, băng ngang qua sân bay dã chiến, tiến về cây số Ba, gần ngọn núi Chóp Chài. Họ là những con kiến Nâu khá kiên nhẫn dù nắng hay mưa. Nhưng có điều lạ là thỉnh thoảng có ngày bên cạnh những tập vở, những cây cuốc cũng là hành trang của họ. Ngộ nhỉ. Nhưng từ đâu mà có?
Tháng 6, năm 1970, nhiều học sinh lớp 7 từ các trường, trải qua kỳ thi tuyển sinh. Chúng tôi, gần 100 đứa, may mắn lọt vào mắt xanh của cô Hiệu trưởng Hà thị Bích Liên, theo học khóa 1 chương trình Nông Lâm Súc (NLS) , đệ Nhất cấp, hai năm bao gồm lớp 8 và 9, lần đầu tiên tại Phú Yên. So với quãng đời mà chúng tôi đã trải qua, 2 năm học chung không nhiều lắm nhưng đầy ắp mồ hôi mặn ngọt và kỷ niệm với các Thầy Cô dạy chuyên môn đến từ các trường sư phạm NLS có cơ sở quy mô lớn hơn ở miền Nam.
Đồng phục áo trắng của các trường Phổ thông thì dễ, nhưng cái màu Nâu không đồng bộ của chúng tôi càng gây thêm sự chú ý, tò mò và trêu chọc của đám học sinh phổ thông: màu lạc thì giống lá chuối khô, màu đậm thì giống áo Cà Sa của các sư sãi.
So với học sinh trường Phổ Thông, chúng tôi được gọi là học viên trong chương trình kỷ thuật NLS. Ngoài các môn học trong chương trình phổ thông, chúng tôi còn phải học các môn kỷ thuật cơ bản hướng nghiệp sau này cho các ngành Nông ngư nghiệp, Lâm nghiệp, Mục súc Thú y, và Nông cơ.
À thì ra chúng tôi là những nông gia tương lai. Chúng tôi là những mầm non và ước mơ của chương trình Tái thiết thời Hậu chiến. Nếu không có biến cố 1975, có lẽ chúng tôi là những chuyên viên kỷ thuật tích cực đóng góp một phần vào sự phát triển nông nghiệp hưng thịnh của miền Nam trù phú. Nhiều năm về sau và mãi đến tận ngày nay, nhiều người dân địa phương tại Phú Yên, biết rất ít về sự hiện hữu của chúng tôi. Buồn nhỉ.
Khoá 1 của chúng tôi chỉ vọn vẹn có 2 lớp, bắt đầu từ 8A, 8B. Năm sau thành 9A, 9B. Chương trình học 2 năm nhưng phải đổi cơ sở 3 lần, từ ngày đầu nhập học đến khi tốt nghiệp ra trường, vì những điều kiện mất an ninh thời đó. Có lẽ nhờ thay đổi cơ sở trường học vài lần nên chúng tôi có thêm kỷ niệm để cùng nhắc nhớ. Nhưng thương mến nhất là những Thầy Cô đến từ miền Nam, sau bao năm cũng vẫn tiếp tục liên lạc kết nối với đám học trò cũng đã từng kham khổ chia sẽ kiến thức cho các đàn em trong những ngày mưa nắng, trên những liếp rau, hay trong những lớp học tạm bợ thiếu điều kiện giữa mùa nắng nóng. Chúng tôi hãnh diện sống còn và nhớ lại những ngày tháng cuối trong những gian lớp học tạm bợ mái bằng tôn trên Bệnh viện Dã Chiến Đỗ Vinh giữa đồi cát những ngày nắng nóng, trên đường Nguyễn Huệ đi về hướng đến biển.
Những hoàn cảnh chia tan
Tháng 6, 1972, sau khi hoàn tất chương trình lớp 9, cấp 1 NLS, chúng tôi đã phải chia xa Thầy Cô và các đồng môn. Các học viên đủ điểm sẽ được nhận thẳng vào chương trình đệ Nhị Cấp Nông Lâm Súc, để chọn học chuyên ngành từ lớp 10 đến 12. Phần nhiều chuyển đến các trường ở miền Nam, như NLS Ninh Thuận, Long An, Bình Dương, Bảo Lộc hay Cần Thơ. Một số ít tiếp tục học ở NLS Huế. Phần còn lại, nếu không muốn hay vì lý do gia đình, không thể tiếp tục chương trình NLS, được ưu tiên nhận vào học lớp 10 ở các trường Phổ thông Công lập vì chúng tôi là đàn con cưng đã được tuyển lựa của Nha Học vụ Nông Lâm Súc.
Sau biến cố 1975, chương trình NLS bị khai tử trên mọi miền đấ̀t nước. Tên trường xưa chỉ còn là dấu vết, là hoài niệm, không chỉ riêng NLS-PY mà còn tất cả các trường NLS toàn quốc. Và những năm sau, nhiều thay đổi khác đã khiến mọi người trôi dạt muôn hướng. Người trong nước, lác đác gặp nhau ban đầu may mắn vì còn cùng ở địa phương. Người tha hương, vì cơm áo gạo tiền, cũng bị quỹ đạo của cuộc sống mới cuốn hút để bơi chải nên cũng lạnh nhạt theo thời gian. Bẵng đi một thời gian khá dài, nhờ những thay đổi của xã hội, của những tiến bộ khoa học và kỷ thuật nên đã cho chúng tôi những phương tiện để liên kết lại nhau qua nhiều hình thức dễ dàng hơn, để chắp vá lại những mất mát thời tóc xanh. Áo Nâu NLS là một thế giới khá nhỏ nhưng không ít thân tình. Không chí riêng NLS-PY mà đại gia đình áo Nâu NLS toàn quốc như một ngọt đuốc tưởng chừng đã tắt từ lâu, dần dần nhen nhúm sáng tỏ lại. Vui thay.
Vài năm gần đây, qua những lần họp mặt trực tuyến, được các đồng môn bên nhà chia sẽ thông tin, được biết đồng môn của chúng tôi, kẻ trước người sau, có người vội vã, cũng có những ra đi trong lặng lẽ. Sống và chết là lẽ thường. Cứ một hai năm lại có tin không vui. Những đồng môn còn lại may mắn hơn, hôm nay còn được ngồi lại với nhau, kháo cho nhau những phá phách, ma lanh và lém lĩnh ngây ngô của thời học trò. Bây giờ, ai cũng biết, thời gian không còn nhiều, may mắn lắm, được nhắc nhớ, viết và đọc lại những gói ghém kỷ niệm xưa.
Cuộc hội ngộ bỏ túi
Bài thơ lục bát Bích Câu Kỳ Ngộ, dài thòng tôi còn nhớ vài chục câu nhờ vào vần điệu, nhưng tên của gần 100 đồng môn khó mà quên được không phải vì vần điệu. Tôi nhớ đến tên nhiều người vì vóc dáng của vài tên nổi tiếng là dân quậy phá Thầy Cô và làng xóm, ¼ là dân mọt sách, ¼ những người có những cái tên được bạn học gắn liền với gốc gác gia đình, kích thước, cá tính và dáng mạo, còn tôi may mắn thuộc vào nhóm còn lại chẳng ai để ý tới. Thời tóc xanh, tôi thấy mình ngu ngơ, hiền khô như khúc củi, lủi thủi đi học và về nhà không dấu vết. Không có nhiều bè bạn. Nhưng không sao, một ngày áo Nău vẫn là áo Nâu. Biết mình áo Nâu là đủ.
Đếm trên đầu ngón tay, vài năm gần đây, chúng tôi từng nhóm nhỏ lớn gặp nhau riêng rẻ hay lai rai bên này hay bên kia bờ đại dương. Nhưng có được cơ hội hội ngộ với những đồng môn phương xa như ngày hôm nay, không dễ, còn khó hơn là chọn ngày rước dâu
Sau vài tin nhắn và vài cuộc điện thoại, chúng tôi lên chương trình hội ngộ bỏ túi, gọn và nhanh như mì ăn liền. Không bài bản, không chương trình cứng ngắc, không hứa hẹn, không hội trường đình đám lung tung. Chúng tôi đều là những diễn viên chính. Lúc đầu lên danh sách, được 11 mống, luôn dâu và rể. Có người năng nổ xông xáo từ ngày đầu nhưng long thể bất an nên đành tiếc nuối xin kiếu lúc cuối. Tiếc thật ngoài ý muốn,
Chương trình cưỡi ngựa xem hoa
Chúng tôi lên chương trình tự biên tự diễn, tuồng Cỡi Ngựa Xem Hoa, ấn bản Nam California. với phương tiên đi lại phần ai nấy lo. Điểm tập trung là một nơi nào đó ở giữa hai vùng quận Cam và Los Angeles. Chiếc xe van 15 ghế là phương tiện cho hai ngày, không phải chỉ đủ chổ cho chúng tôi thoải mái thưởng ngoạn, nhưng là một không gian đủ rộng để bắt kịp những chắp vá vụn vặt của nhiều kỷ niệm tích tụ hơn bao nhiêu năm.. Xe đổ đầy xăng, nhưng chân tình của chúng tôi còn hơn bình đầy xăng không đốt hết được. Xe trên đường tất bật nhộn nhịp và ồn ào cỡ nào, cũng không lấn át nhiệt tình của chúng tôi. Mọi người ai cũng tranh nhau tiếp sức để nhắc lại đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Ngạc nhiên nhất cho chúng tôi là những chuyện thầm kín chưa bao giờ biết. Riêng tôi, qua những mẫu chuyện chen lẫn những trận cười, tên và vóc dáng của những đồng môn, cùa Thầy Cô, dần dần ẩn hiện như đang xem một cuộn film trắng đen từ xa xưa được lôi ra chiếu lại với nhiều chắp vá đứt đoạn.
Tuy là cư dân sống trong vùng, chúng tôi chưa có đủ tự tin cho những dự tính trong việc đi lại. Đúng vậy miền Nam California, đường đi không xa nhưng những giờ cao điểm là những đau đầu báo trước định kỳ. Trên không nhìn xuống, những xa lộ chằng chịt như là những bãi đậu xe khổng lồ. Lâu lắm tôi mới lại có dịp đi ngang qua vùng mà cá nhân tôi đã từng có nhiều ngày tháng khổ sở thời cơm áo gạo tiền. Chương trình vạch ra thì nhiều nhưng hạn chế của giao thông và thời tiết đã làm hụt hẫng nhiều mong muốn và dự tính. Chúng tôi cùng nhau an ủi, có bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Đó là cái giá phải trả khi sống ở thành phố lớn.
Không nhiều lắm, trong hai ngày, chúng tôi có dịp giới thiệu với quý bạn phương xa vài địa điểm tham quan có ý nghĩa du lịch, văn hóa và lịch sử quanh vùng.
Ngày thứ Nhất, 18 tháng 9:
Đài thiên văn Griffith gần Hollywood, trên đồi cao, nơi đây có thể nhìn thấy hết trung tâm Thương Mại Los Angeles và hàng chữ HOLLYWOOD cao sừng sững.
2024/09/18 Đài thiên văn Griffith Observatory, trên đồi Griffith Park gần khu vực Hollywood.
Trên đồi cao có thể nhìn thấy quang cảnh trung tâm Thương Mại Los Angeles và hàng chữ HOLLYWOOD cao hơn 13m.
2024/09/18 Viện Bảo tàng Mỹ thuật Getty, vùng Westwood, thành phố Los Angeles
Cảnh bên dướì là trường Đại học UCLA và trung tâm tài chánh Beverly Hills, Westwood. Nơi có khá nhiều tư dinh và biệt thự của tài tử và những tên tuổi trong giới điện ảnh.
2024/09/19 Đền thờ Ấn Độ, BAPS Shri Swaminarayan Mandir, tại thành phố Chino Hills, California
Thời gian qua nhanh thật, dường như chỉ đủ cho chúng tôi cơ hội có vài tấm ảnh an ủi ghi lại những giây phút hội ngộ ngắn ngủi bên những quang cảnh lạ mắt và hữu tình.
Chia tay trong Trăng Thu rằm tháng Tám
Ngày thứ Hai của cuộc hội ngộ, sau cơm tối, chúng tôi cùng nhau tụ tập trong căn phòng ấm áp và sân sau của H.Đ Nhơn để đón trăng Thu. H.Đ. Nhơn, người bạn đồng môn rất đặc biệt, tuy chỉ gắn liền với NLS-Phú Yên ngắn ngủi 2 tháng, nhưng thân quen với mọi người vì thị xã Tuy Hòa nhỏ lắm. Biết một người thì gần như biết cả đám.
Đêm đến thật nhanh, trong bùi ngùi, vài đồng môn cảm động chia sẽ những tâm tình, như gói ghém trọn những mong muốn và cảm xúc của riêng mình và chung cho những áo Nâu NLS-Phú Yên.
Trăng rằm lên càng cao về khuya, như nhắc nhở giây phút chia tay cận kề. Chúng tôi chia tay ra về trong bùi ngùi. Phải mất hơn 50 năm mới có cuộc hội ngộ này cho những áo Nâu xa gần. Hình như hai ngày qua chỉ đủ hâm nóng cho những mong ước tầm thường nhất của chúng tôi: có thêm một chút tư liệu riêng để ôn lại và đi hết phần đời còn lại của mỗi đồng hương, riêng mỗi đồng môn áo Nâu.
Đáp số bài toán đố, Chúng tôi gồm có
6 học viên (2 nữ và 4 nam) NLS Phú Yên - Khoá 1
- 9A: H. Thu Hương, N. Huy Viên, Đ.Nguyên Chất,
- 9B: P. Hồng An, H. Hoài Nguyên, và H.Đắc Nhơn (giã từ NLS-PY sau 2 tháng)
2 dâu: Mỹ và Cúc, phu nhân của Nhơn và Nguyên
2 rể: A. Thống, A. Nam, phu quân của Hồng An và Thu Hương.
Không kém quan trong, anh Trịnh Đình Nam, một người rể không chỉ riêng NLS-PY K1, nhưng cũng là rể của NLS-Cần Thơ. Tuy chưa một lần khoác áo Nâu, nhưng thơ và nhạc chất chứa nhiều cảm xúc về thân tình NLS, như Áo Nâu Ngày Đó, Về Đâu Áo Nâu Ơi. Mới thấy sức mạnh và nét đậm đà của thân tình màu áo Nâu.
Quán café Một Mình, Nam California, Tạp ghi Một sáng đầu Thu 2024