Tết Nguyên Đán Ở Mỹ Lợ i- Trần Thuận -

Tết Nguyên Đán Ở Mỹ Lợi

Trần Thuận



https://sites.google.com/site/langmyloiquetoi/_/rsrc/1467888118572/san-giao-dich/biet-thu/tetnguyendhanomyloi/Tet%201.jpg

Trong tháng giáp Tết, dân làng chuẩn bị vật liệu và dựng ở khoảng trống đầu chợ nhiều chòi cao vây vòng quanh. Rồi trong hai ngày cuối năm, gia đình có nuôi heo chuẩn bị mổ thịt, đem ra chòi bày bán. Phiên chợ này đông vui náo nhiệt, vì ai ai cũng đợi đến thời gian ấy mới mua thịt về làm bánh tết, làm cỗ cúng, không sớm quá mà cũng chẳng muộn quá. Sinh hoạt này đã tạo ra một tâm thế đón Tết trong làng.

Mặt khác, chợ Mỹ Lợi được lập vào giữa thế kỉ XVIII nhanh chóng trở thành một trung tâm buôn bán quan trọng, sầm uất suốt dải duyên hải bên bờ phá Cầu Hai. Do đó, cư dân các làng lân cận như An Bằng, Lương Viện, Diêm Trường, Phụng Chánh, Nghi Giang, Mỹ Á…cũng cùng đến đây sắm sửa thịt heo "ăn Tết”. Trai gái già trẻ vừa đi vừa kháo chuyện, cười nói đùa bỡn khắp các nẻo đường, hồn nhiên chất phác, vui đáo để. Người ta cứ gọi đơn giản là "chợ thịt heo”. Có một tập tục mang đậm nét ứng xử văn minh, ngày nay càng phù hợp với yêu cầu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là vào ngày 30 tết (cuối năm) nhà nào cũng gánh cát trắng, chuẩn bị sẵn sàng ở sân nhà và đường đi thuộc địa phận từng gia đình, vào lúc chập choạng tối hầu như đã vắng bóng người qua lại thì nhà nhà rải cát mới trên sân, trước ngõ ngoài đường để sáng mồng một (đầu năm) ai ai cũng được hưởng khung cảnh một làng quê sáng sủa, hình thành tâm thế mới đầu xuân.

Qua mồng một Tết, thịt hết, chợ cũng đông chỗ khác, các chòi trở thành nơi chơi bài thẻ, dùng các quân của bộ "bài tới” cổ truyền của xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, gọi lá "đánh bài chòi”. Những người tham gia ngồi trên chòi cao, được ban tổ chức phục vụ nước trầu...11 chòi, mỗi chòi là một cửa, ở giữa là chòi trung ương. Đối diện là bàn quan (một chiếc lều rộng) của ban tổ chức. Bộ bài tới có 30 cặp, thường ta loại bỏ 2 cặp còn 28 cặp, chia làm hai. Hai mươi tám quân bài dán vào hai mươi tám thẻ tre, làm hai bộ như vậy đủ năm mươi sáu quân song màu sắc khác nhau để dễ chia đôi lúc bắt đầu chơi. Mỗi chòi được phát năm quân bài bất kì, bên xanh bên đỏ, riêng chòi trung ương nhận hai màu. Thừa một quân hội chủ cắm ngược vào ống tre làm "bài nọc” để "đi chợ”. Bắt đầu cuộc chơi, anh hiệu nhận bài nọc ở hội chủ rồi xướng bằng câu hò dí dỏm như " đánh đố” sau ba tiếng mõ tre: "Hai bên lẵng lặng mà nghe con bài đi chợ”. Chẳng hạn, anh hò:

Đi đâu mang sách đi hoài

Cử nhân không đỗ, tú tài cũng không

Mang sách đi học mà không đỗ đạt gì, thì phải hiểu đó là quân bài "nhất trò”.

Hoặc anh hò:

Một hai bạn nói rằng không

Dấu chân ai đứng bờ sông hai người

Hai người cùng đứng thì in lại dấu bốn bàn chân, rõ ràng phải là quân bài "tứ cẳng” rồi !

Chòi nào trúng quân bài đó thì đánh ba tiếng mõ, anh hiệu đến giao quân bài trúng và người chơi phát tiếp quân bài khác, lại hò, lại phát bài…Chòi nào có đủ ba quân bài ở hủ trước, đánh một hồi mõ rồi hô lớn: "Tới rồi…”. Anh hiệu mang một lá cờ đến cắm vào chòi kèm tiền thưởng đặt trên chiếc khay…Hết một hội là mười ván; người nào có một cờ là hòa; không có cờ là thua; có từ hai cờ trở lên được thưởng theo hiệu số (n cờ - 1); ai đến liên tục 3 lần được thưởng.

https://sites.google.com/site/langmyloiquetoi/_/rsrc/1467888117696/san-giao-dich/biet-thu/tetnguyendhanomyloi/Tr%C3%B2%20ch%C6%A1i%20b%C3%A0i%20ch%C3%B2i%20trong%20d%E1%BB%8Bp%20t%E1%BA%BFt.jpg?height=300&width=400

 

Trong lúc chơi có điểm trống cơm, lúc tới có hồi trống giục rất vui nhộn. Thật là một sinh hoạt đặc trưng ngày Tết ở nông thôn xứ Huế…Ngày nay trò chơi này dần vắng bóng ở nhiều nơi, nhưng Mỹ Lợi vẫn được tổ chức vào ba ngày mồng 1, mồng 2 và mồng 3 tại trung tâm vui xuân gần trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Vinh Mỹ.

Như đã đề cặp trên, trong ba ngày Tết (mồng 1, 2 và 3 tháng Giêng âm lịch) dân làng không họp chợ ở vị trí thường xuyên mà dời đi nơi khác, trên  một gò cát cao rộng, về phía đông cách chợ Mỹ Lợi ngày nay khoảng 200 mét, gọi là chợ Đồn hay chợ Cồn. Các cụ bảo vì trong ba ngày Tết, "người cõi âm” về nơi cũ họp chợ, đêm đêm nghe tiếng nói cười mặc cả lao xao, nên "người cõi dương” phải tạm lánh nhường cho họ (?). Lại có cụ nói rằng phải gọi là chợ Đồn, vì xưa ông tướng nhà Tây Sơn là Trần Văn Nghĩa đóng đồn ở đấy, mỗi lần tết về, tổ chức cho dân chúng đến xung quanh họp chợ để lính tráng cùng vui cho đỡ nhớ nhà. Sau năm 1975, xã tổ chức hội chợ Tết ở sân vận động, gần trường Tiểu học Vinh Mỹ trong ba ngày mồng Một, mồng Hai, mồng Ba, có các môn chơi hái hóa mùa xuân, bài ghế (như bài chòi, nhưng thay chòi bằng ghế trong một phòng học), ném phi tiêu, ném vòng…

Chợ Tết là dịp trai gái hẹn hò trao duyên gởi phận. Người ta đi chợ để vui xuân hơn là để mua bán, bởi vì người bán không cần đắt hàng, người mua không cần giá cả, cốt lấy lộc, cầu may…Chợ vì thế mà vui như hội! Đặc biệt ai cũng mua và mang về dăm đốt mía, hoặc một vài cây mía, trong ý thức "bán ngọt mua ngào” để quanh năm được phúc. Đem mía về họ dựng bên bàn thờ gia tiên, biếu ông bà làm gậy đi đường xa…Hết ba ngày Tết, chợ trở về chỗ cũ. Trước khi nhóm buổi đầu năm, một cụ già thắp hương van vái ở đình chợ, cầu xin ơn trên phù hộ cho mua may bán đắt, rồi bưng khay cau trầu ra bán đầu tiên lấy lộc (tục này gần đây đã bỏ).