Thăm Thầy cũ. - Nguyễn Sỹ Kim -

 

Thăm Thầy cũ.

 


Bốn mươi tám năm tròn tôi không hề có cơ hội gặp lại Thầy tôi. Lần cuối cùng tôi ghé thăm Thầy tại Nha Học Vụ Nông Lâm Súc nằm khiêm nhường trên đường Mạc Đĩnh Chi, Saigon. Cuộc viếng thăm sơ sài, thông lệ như những học sinh cũ gọi là đến chào Thầy thì đúng hơn là thăm Thầy.

Hôm ấy, Thầy tiễn tôi về đến tận cổng Nha Học Vụ hay một đoạn ngắn trong sân Nha, hay chỉ ra đến cửa văn phòng của Thầy, văn phòng Chủ Sự Khảo Thí gì đó. Tôi thật sự cố cũng không tài nào nhớ được chi tiết này, chỉ nhớ cảm xúc hôm ấy thật nhẹ lòng, ấm áp.

Thầy tôi là vậy đó. Ẩn sau vẻ nghiêm nghị, "réc lô” mà bọn học sinh chúng tôi rất ngán, đồng nghiệp kiêng dè lại là cả tấm lòng của một vị giáo sư đáng kính mà tôi cảm nhận được qua phong cách tiếp xúc, giảng dạy của Thầy. Sau này tôi có thêm độ vài chục thầy cô nữa; phần lớn các vị này cũng cho tôi sự kính nể, lòng ngưỡng mộ; nhưng thật lạ lùng, cảm xúc của tôi về Thầy vẫn chiếm hàng số một! Thậm chí khi nhớ đến Thầy tôi còn tự cảnh giác liệu mình có xứng đáng là học trò của Thầy chăng. Phải cẩn thận trong cách sống vì mình đã từng có dịp là học trò của Thầy CHÂU KIM LANG.

Vào một ngày tháng sáu năm 2020 tôi được " bố trí”đi thăm Thầy. Nói thiệt, cảm xúc của tôi lại một lần nữa xáo trộn và tôi lại mất ngủ , cứ nửa đêm giật mình và thức luôn tới sáng chờ đến ngày được gặp lại Thầy.

Chuyện là thế này. Sau khi phải giã từ thầy, bạn, rồi đến năm 1975 tôi không còn tâm trí mà nghĩ đến chuyện xưa nữa. Dần dần quên luôn mình là ai. Dù tôi vẫn sống ở Saigon cho dến hiện nay, dù nhà Thầy cách nhà tôi chỉ chừng 1 km đường chim bay mà tôi không hề biết. Lớp, trường bè bạn cũng tan tành, chẳng còn gì để mà nhắc nhớ. Một vài lần đi Dalat, khi xe đò ngừng ở tiệm trà Đỗ Hữu lừng danh, tôi tranh thủ chạy sang bên đường, chỗ tiệm hình Mỹ Ảnh Viện hỏi thăm vội vã vài câu về ông con rể và chỉ được biết thầy Phạm Tấn Yêm đã đi Mỹ. Xe đò lăn bánh. Ngôi trường thì chỉ nhìn khi xe chạy ngang. Loáng thoáng ít nhiều đổi thay cho tôi chút nhạt nhòa kỷ niệm. Cứ âm thầm, lẻ loi và lặng lẽ như vậy được vài lần cho đến một ngày tháng 9/2018, tôi từ Saigon đi Dalat bằng Honda cũng lẻ loi, đơn độc, tôi xin phép ông bảo vệ cho vào thăm trường cũ. Tôi không nhận ra đường đi, phòng học cũ của lớp mình, các căn nhà của giáo sư, đường Hoàng Hoa Lộ tôi cũng không nhận ra vì thiếu hẳn cảnh những cây muồng trổ bông vàng như biểu tượng thơ mộng của trường tôi. Tôi nán lại Bảo Lộc thật lâu để cố tìm được một vài người quen, một vài kỷ niệm cũ: Cô gái bán sạp trái cây ngay ngã ba đầu dốc mà ngày xưa gia đình tôi hàng tháng gởi tiền nhờ thân phụ cô này đem lên cho tôi. Khi từ Dalat về tôi cũng nán lại. Nhưng hoàn toàn trắng xóa. Chuyến đi này tôi quyết cố hỏi thăm kỹ về Mỹ Ảnh Viện nhưng tiệm ảnh cũng không còn, chỉ qua hậu duệ một tiệm ảnh "đối tác” của Mỹ Ảnh Viện, vì hai ông cụ tổ đều đã qua đời. Tin tức về thầy Yêm cũng chỉ biết đến đó. Trường cũ của tôi giờ được gọi là Trường Dạy Nghề. Một người quen sau này của tôi nói đó là ngôi trường dở hơi chứ nào đâu là Quốc Gia Nông Lâm Mục, nào đâu là Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc lẫy lững gì đâu. Trường đã vậy, bạn bè thì tứ phương biệt tích. Thầy Cô thì tôi hoàn toàn không biết nhà ai và không hề biết tin tức của ai. Bặt vô âm tín.

Mãi đến năm 2019, trời xui dất khiến, một hôm tôi lang thang trên mạng tinh cờ gặp được dòng chữ Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Từ đây tôi mới vỡ òa ra mọi hoạt động của thầy cũ trường xưa đã dập dìu trên  mạng tự bao giờ. Vậy mà ngót ba mươi năm nay tôi sử dụng máy vi tính nhưng không hề hay biết mảy may gì. Tôi đọc ngấu nghiến hầu như tất cả mọi bài viết của gia đình Nông Lâm Súc. Nhớ dễ nhất là bút danh hài hước của Chú Chín Cali, còn thì Cô Bùi thị Lợi, Thầy Bùi Tho……. Tôi vừa xem vừa khóc.

Nhờ đó mà năm 2019 tôi đã liên lạc được với Chị Tuyết và Thầy Tông Lộc. Tôi nhận ra ngay Thầy Lộc với dáng người mình dây ẻo lả và  chữ Tông Lộc mà ngày xưa khi dạy lớp tôi Thầy giới thiệu là nick ”Tông Xe” không thể nhầm lẫn vô đâu được. Từ đây tôi lại bắt đầu cho cuộc "trường chinh” tìm thăm thầy cũ của tôi. Lần lượt tôi gặp được Chị Tuyết, Thầy Tông Lộc và sau đó được dẫn đến nhà Thầy Châu Kim Lang mà tôi có cảm xúc kể chuyện sau đây.

Đầu tiên là sử dụng điện thoại nhưng Thầy Lang không nghe máy. Tôi lại đang ở xa . Sau đó tôi được biết do trước tôi cũng có một chị học sinh cũ tìm gặp và lừa gạt Thầy một số tiền nho nhỏ. Thế là con đường tìm thăm thầy cũ của tôi vốn đã mờ mịt nay lại gặp trở ngại. Chị  "cán bộ giao liên” bèn gợi ý để chị giới thiệu số điện thoại của tôi cho Thầy chủ động gọi tôi trước. Cực chẳng đã tôi phải chịu và chờ và đợi và lại đợi chờ. Mờ mịt.

Rồi cũng đến lúc tôi cùng đoàn thăm viếng đứng trước cửa nhà Thầy. Tôi đã cẩn thận dặn dò đoàn mình cần gọi cho Thầy CKL trước để Thầy tiện sắp xếp thời gian tiếp đoàn; vì trước đó hai ngày tôi được mời dự buổi gặp thì cũng không may là Thầy vắng và tôi vẫn chưa toại nguyện.

Cổng mở, tôi hết sức ngỡ ngàng  và bối rối. Thầy tôi đấy ư? Người thầy vĩ đại sau ngót nửa thế kỷ mà tôi đang mong được cầm lấy tay Thầy, được ôm Thầy, được dịp nói lên lòng kính trọng quý mến Thầy đấy sao? Thầy tôi không giống hình ảnh năm xưa lắm. Cũng dáng người mảnh khảnh, trẻ hơn số tuổi của Thầy mà tôi mường tượng, nhưng phong cách của Thầy ra mở cổng thì tôi ngờ ngợ. Thầy tôi thay đổi quá sức vậy sao? Đã báo trước với Thầy rồi mà Thầy lại ra mở cổng đón đoàn khách có lịch hẹn chúng tôi bằng trang phục của Tarzan. Ôi! Thầy của tôi. Lẽ nào. Nhưng đây chính là nơi ở của Thầy mà. (Sau này tôi mới biết Chị Tuyết có gọi điện thoại cho Thầy nhưng không liên lạc được. Chị Tuyết nhờ anh Tôn Thất Thuyết đến nhà Thầy chiều hôm trước để xem tình hình như thế nào và thông tin cho thầy về chuyến viếng thăm).

Người đầu tiên tiếp xúc với "Thầy” là anh Thuyết, tôi không hiểu ông này có cảm xúc thế nào. Tôi đứng sau một khoảng cách, không thể lùi được rồi, đành phải tiến lên, bước qua cổng vào nhà chứ.

Hú hồn, đây là một căn nhà đôi, có hai căn riêng rẽ nhưng chung một sân và chung một cổng. Bước đến bên cánh cổng; tôi nhìn thấy đây mới đúng là Thầy tôi, Thầy đang đứng trước cửa căn nhà bên trái. Y phục giản đơn nhưng tề chỉnh, Thầy thong dong từ tốn đón nhận lời chào của tôi. Đây mới chính là hình ảnh Thầy tôi. Bốn mươi tám năm nước chảy đá phải mòn, huống gì Thầy tôi bằng xương bằng thịt. Đá mòn nhưng phong thái từ tốn hiền hòa trí thức của thầy khiến tôi nhận ra ngay. Nếu đi đường gặp Thầy tôi sẽ không nhận ra nhưng đứng ở đây trước phong cách ấy, bùi ngùi tôi muốn lao đến ôm lấy Thầy. Điều thay đổi đầu tiên ở Thầy tôi nhận ra ngay lúc ấy là nét nghiêm nghị khi xưa không còn nữa. Thầy trông khoan dung với cuộc đời, với các em nhiều. Thầy vẫn tỏa ra một vẻ chan hòa ấm áp cho tôi khi nhìn Thầy như năm xưa.

Vào nhà yên vị, phân ngôi chủ khách xong, Thầy tôi nói để mời Cô ra cùng tiếp khách. Thầy trân trọng đoàn gồm Cô Vân, Chị Tuyết, anh Thuyết và tôi. Thầy Tông Lộc vì khám chữa bệnh từ Mỹ Tho lên Chợ Rẫy nên phút chót không nhập đoàn được. Lần đầu tiên tôi được đến tư gia và diện kiến phu nhân của Thầy. Ôi ! thật là một căp đôi giáo sư hoàn vũ. Ồ không. Hoàn hảo chứ.

Tôi kính cẩn đứng dậy chào Cô. Nhưng chắc chắn đó không phải là lý do để Cô  đãi chúng tôi café bánh ngọt. Nhìn cách Cô trao đổi với Thầy để thống nhất đãi khách, tôi cảm nhận được mối thuận hòa tương kính như tân của hai vị giáo sư. Lúc đó, anh Thuyết đã cứu tôi một bàn thua trông thấy. Tôi đang lúng túng chưa biết phản ứng ra sao khi cứ thản nhiên ngồi bắt chéo chân chờ Cô phục vụ thì anh Thuyết diễn vai M.C giới thiệu chị Tuyết vừa tốt nghiệp xuất sắc  khóa Bar Tender, sắp dự thi pha chế nay có dịp phụ giúp Cô phục vụ chúng tôi. Hú vía !

Nhờ vậy tôi tranh thủ ngồi quan sát cái thế giới chung quanh. Chỗ tôi ngồi, chỗ ngon lành nhất được Thầy chỉ định là chiếc ghế kiểu salon duy nhất trong nhà. Kế bên là ngổn ngang một đống sách cũ bị mưa dột được Thầy bày ra hong khô. Tấm trần nhà (chắc bằng carton) không chịu nổi nước mưa đã bị lột bỏ từ bao giờ, làm trơ ra mái tôle cũ kỹ và những thanh đòn tay bằng-lăng 4x6 cho biết tấm trần đã có mặt từ thời đất Saigon chưa sản xuất được xà-gồ kim loại.

     Tôi bỗng chạnh lòng, ngậm ngùi nhớ đến lời bài hát "Ông Lái Đò” của Hiếu Nghĩa: "Khách qua đò ngày xưa hờ hững quá. Trả công ông  . . .. . .  .  sang sông rồi không một phút phân ly.”

Thầy đã lần lượt đưa rất nhiều thế hệ chúng em sang sông bằng những trang sách quý giờ đây đang lâm nạn cùng một kiếp chèo đò. Thầy ơi ! Nhân cách chúng em phần nào cũng do hình ảnh chèo đò của Thầy đã trọn một đời tận tụy. Cuộc đời đã bất công với Thầy; chúng em cũng đã chẳng tốt lành gì để công bằng hơn. Giữa lòng Saigon, trong thời đại mà cửa nhà được dần béton hóa, chiếc mui ghe cùng những trang sách quý mà ít nhiều chữ nghĩa đă từng được Thầy rao giảng cho chúng em nên người, đang oằn mình tơi tả cùng tháng năm còm cõi.

 Qua từng câu chữ, từng cử chỉ nhẹ nhàng giao cảm Thầy vẫn sừng sững như một tượng đài tỏa ấm cho bầu không khí nồng nàn làm tôi quên hẳn cảnh vật chung quanh lúc bấy giờ. Nhưng trên đường về nhà, lòng tôi nặng trĩu hình ảnh và hoàn cảnh Thầy tôi trong chuyến đi thăm sau gần năm mươi năm xa cách. Một nỗi niềm khó tả của riêng tôi. Tôi có thể làm được một việc gì đó chăng? Một việc cho chính bản thân tôi đươc nhẹ nhàng thanh thản. Lúc này Saigon đã chính thức vào mùa mưa. Những trận mưa tầm tã thét gầm, lạnh lùng, tơi bời xa luân công phá mọi mái nhà. Tiếng gió mưa gầm thét như đay nghiến lòng tôi. Một ngày nào đó lại phải nuối tiếc nhớ hai câu : " Hỡi người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ….” Của cụ Vũ Đình Liên !!

    12/07/2020.

    Nguyễn Sỹ Kim 0901256730