ĐỜI ĐẸP NHƯ MƠ - Bác Sĩ Trần Văn Diên ngày 07/11/2016

ĐỜI ĐẸP NHƯ MƠ
Y học thường thức - Bác sĩ Trần Văn Diên

Từ cổ đại cho đến bây giờ loài người vẫn chưa hiểu cặn kẽ về giấc mơ. Tâm lý học hiện nay vẫn bó tay như thường khi bị tra khảo về những giấc mơ.
- Mọi việc xảy ra ngày hôm nay có phải đã mơ thấy rồi đêm qua?
- Đêm qua anh mơ thấy cùng em xây xong lâu đài tình ái cho duyên tình của hai đứa mình!
- Cô kia đang gần ngày nằm chờ nằm chỗ sinh con đầu lòng ngủ mơ thấy cho ra đời một hoàng nam gương mặt giống y như cha của nó!
- Tại sao có đêm ngủ mơ, có đêm không mơ ? Làm sao để mơ những giấc mơ đẹp, không có ác mộng ?
- Tôi ngủ rất nhiều, nhưng không lúc nào thấy đã cả?
- Có câu nói "Ăn được ngủ được là tiên”, tôi được cả hai mà chẳng thấy "tiên” chỗ nào
- Tôi không có giấc ngủ ngon với mộng đẹp mà chỉ thấy người lúc nào cũng uể oải, có phải bệnh? Chữa được không?
Có người cho rằng mơ là chuyện không có thật, bởi vậy mới có thành ngữ "bộ đang mơ à!”, "thôi, đừng có mơ!”… "đời đẹp như mơ!”…

          Có lý thuyết cho rằng giấc mơ là tấm gương biến hình của sự việc xảy ra trong cuộc đời dù căng thẳng, âu lo hay là mơ ước êm đềm lắng sâu trong tiềm thức của chúng ta. Theo lý thuyết này, mơ là sự thay hình của tất cả những thứ kể trên, nhưng được nén lại, cho nên tuy có vẻ không thật, có vẻ "như mơ”, nhưng nó lại có thể thật hơn tất cả những gì "thật” mà ta cảm thấy lúc tỉnh táo, những gì "thật” đối với phần nổi của tảng băng não trạng mà khoa thần kinh học định nghĩa là "ý thức”. Căn cứ theo lý thuyết này thì tiềm thức mà nhiều lúc ý thức của chúng ta không nhận ra, muốn lẩn tránh, tuy là phần chìm, lại chính là phần lớn nhất của
những gì đưa đến các hành vi hàng ngày của mình mà nhiều lúc mình không hiểu nỗi, và không thể kềm chế lại được cho dù "lý trí” cho là sai.
          Từ cả trăm năm trước, Sigmund Freud, được coi là ông tổ của Phân Tâm Học, đã viết cuốn sách "Giải Mộng”, đưa ra lý thuyết đã được tóm tắt ngắn gọn thật là giản lược. Theo đó, nếu biết giải mộng, ta có thể tìm ra những mâu thuẩn, mong muốn, sợ hãi... nội tại, chìm đâu đó trong con người ta, và giải quyết được những vấn nạn đó, có thể đem lại lợi ích to lớn cho sức khỏe tâm thần cũng như thể chất của mình.
       Căn cứ theo lý thuyết này của Sigmund Freud tương đối hơi trừu tượng, nên việc áp dụng không được phổ biến lắm trong y khoa hiện thời. Những "thầy giải mộng” hiện nay, cũng có thể áp dụng một phần lý thuyết này, ví dụ, nếu ta cứ ngủ mơ thấy một chiếc xe lửa chạy qua hầm, thì đó có thể được giải thích là vì ta đang thiếu thốn, hay thèm khát sinh lý; cũng có thể chỉ là... một chiếc xe lửa chạy qua hầm đúng thị là nó, hay là một... con số nào đó "bề trên” báo cho những con số để mua số đề…

     Một giải thích khác cận đại hơn về giấc mơ, cho rằng đó là cách mà não bộ làm việc để sắp xếp lại bộ nhớ, giống như khi ta cho vào những bộ phận rời của một cái máy vi tính, nhằm sắp xếp các dữ kiện lại cho gọn, và củng cố trí nhớ về những chuyện cũ đã hiện ra trong tiềm thức còn ghi nhớ. Gần hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã nghiền ngẫm về hoạt động của não bằng cách theo dõi điện não đồ đó là dùng máy theo dõi các sóng phát ra từ não trong lúc ta đang ngủ say sưa.
     Các nghiên cứu này cho thấy, nói chung, trong mỗi giấc ngủ, bộ não hoạt động qua những chu kỳ lập đi lập lại. Trong mỗi chu kỳ, có hai phần chính là phần mà não hoạt động tích cực, gần giống như khi ta đang thức, gọi là REM sleep (Rapid Eye Movement; rapid: nhanh, eye: con mắt, movement: chuyển động, sleep: ngủ) lúc đó nếu quan sát, sẽ thấy con mắt của ta di chuyển qua lại, và phần còn lại gọi là "non REM sleep” (non: không). Các nghiên cứu này thấy rằng phần REM sleep chỉ chiếm khoảng 20% của giấc ngủ. Như đã trình bày như trên, những giấc mơ thường xảy ra trong giai đoạn này. Nếu ta bị thức giấc trong giai đoạn này, trong 80-95% trường hợp, ta sẽ có thể biết được là mình đang mơ. Còn thức dậy trong giai đoạn non REM, thì chỉ trong khoảng 5 đến 20% các trường hợp, ta sẽ biết là mình đã có mơ. Tóm lại, theo lý thuyết này, được chứng minh bằng các nghiên cứu điện não, tối nào chúng ta cũng có mơ nhiều lần "vì mỗi đêm, giấc ngủ trải qua nhiều chu kỳ, và mỗi chu kỳ đều có phần mơ chiếm khoảng 1/5”.

           Tuy nhiên, vì theo chu kỳ bình thường, ta thường thức giấc vào giai đoạn không mơ của giấc ngủ, nên ta thường nghĩ là mình "không mơ đêm nay”. Thường thì chỉ khi vì lý do nào đó mà ta thức dậy ngay vào lúc đang mơ thì ta mới biết được mình có mơ, và giấc mơ càng "ấn tượng” thì ta càng dễ nhớ lại nội dung những gì mình mơ trong giấc ngủ vừa rồi.
          Gần đây hơn nữa, các nhà nghiên cứu dùng PET scan (Position Emission Tomography; position: định vị, emission: dẫn truyền, tomography: địa đồ ghi nhận, scan: cắt ngang bằng chấn động từ trường cảm nhận vẽ ra bằng máy vi tính) để quan sát sự lưu thông của máu trong các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ để tìm hiểu phần nào của não bộ đóng vai trò quan trọng trong việc "sản xuất” những giấc mơ, nghiên cứu đưa đến kết luận rằng những phần khác nhau của bộ não có quan hệ trực tiếp đến "giấc mơ”. Nhưng, y khoa vẫn chưa giải thích thỏa đáng về giấc mơ cho dù khoa học phát triển không ngừng.
            
              Giấc mơ hình như được "tổng hợp” bằng sự kết hợp theo một cơ chế chưa hiểu rõ của một phần trong tất cả các lý thuyết trình bày trên mà chuyên khoa là những nhà phân tâm học cho đến bây giờ:
- Vẫn… còn mơ… đời đẹp như mơ!


Bác Sĩ Trần Văn Diên ngày 07/11/2016

Học sinh ban Công Thôn NLS Cần Thơ 1970-1973