Lời tỏ tình đáng yêu trong ca dao Việt Nam - Trần văn Đua -

Lời tỏ tình đáng yêu
 trong ca dao Việt Nam




        Ở độ tuổi thiếu niên khi người ta còn dại khờ vụng dại mới hăm hở bước vào đời hay là diễn ra ở vào lúc già nua, ‘gần đất xa trời’ thì cũng đều phải có lúc ban đầu khi hai đối tượng trước kia còn xa lạ không quen biết nhau giờ có cơ hội làm quen, có thể chỉ qua điện thoại, thư từ, email, hay diễm phúc hơn là mặt đối mặt. Loài chim thì cất tiếng hót lảnh lót, phô trương bộ cánh đẹp mời gọi nhau. Loài cá thì bơi lội nhởn nhơ, vẩy đuôi vờn nhau lúc tỏ tình âu yếm. Loài cọp thì gầm gừ, vươn móng vuốt, chụp bắt nhau như sắp tử chiến. Còn loài người thì sao?
Kết quả hình ảnh cho tranh bùi xuân phái
x_3b9851b7 photo x_3b9851b7.gif
benguyen
Thượng Ðế, Ðấng Tạo Hoá quyền năng cho chúng ta nguồn ngôn ngữ phong phú để diễn đạt tình yêu, cho chúng ta điều kiện, công cụ, và nhiều phương thức để biểu lộ tình yêu cho nên lối tỏ tình của con người chúng ta, so với loài thú quả thật là đa dạng, phức tạp và phong phú hơn nhiều. Có những người yêu ai thì bày tỏ ngay tình cảm của mình, nói chuyện điện thoại mấy tiếng đồng hồ không biết mệt. Có những người tuy yêu mà không nói, lặng lẽ ca bài ‘Yêu Em Âm Thầm’, yêu mà dấu kín, không biểu hiện. Lời tỏ tình, cách tỏ tình không giống nhau, thay đổi tùy theo hoàn cảnh, thời đại, dân tộc, phong tục, tập quán.

Hôm nay, tôi muốn nói đến những lối tỏ tình đã được ghi lại trong ca dao dân gian Việt Nam từ bao nhiêu năm qua. Bây giờ chúng ta đang sống ở xứ người. Thời đại bây giờ là thế kỷ 21. Không gian là nước Mỹ. Văn hóa thì dĩ nhiên chúng ta bị ảnh hưởng không ít thì nhiều những lề lối của phương Tây. Ðiều tôi sắp trình bày xét ra có những điểm không phù hợp. Nhưng đối với những bạn muốn biết là hồi xưa ông bà mình đã nói gì với nhau, muốn trở về nguồn, tìm những lời tỏ tình, âu yếm của cặp gái trai thì có lẽ đây sẽ là những gì đáng lắng nghe, đáng tìm hiểu.

Chúng ta bắt đầu với nỗi lòng của những chàng trai không vợ hay còn gọi nôm na là ‘ế’ vợ:

Trâu kia ăn cỏ bờ ao
Anh kia không vợ đời nào có con?
Người ta con trước, con sau
Thân anh không vợ như cau không buồng
Cau không buồng ra tuồng cau đực
Anh không có vợ cực lắm anh ơi
Người ta đi đón về đôi
Thân anh đi lẻ về loi một mình

Vì không cam tâm sống một mình cho nên người con trai đã phải gắng sức đi tìm bạn trăm năm. Nhưng hỡi ôi:

Tìm em như thể tìm chim
Chim bay bể Bắc anh tìm bể Ðông

Nhiều lúc anh ta cũng cố gắng an ủi mình qua câu:

Làm trai chí ở cho bền
Chớ lo muộn vợ, chớ phiền muộn con

Rồi đến một ngày đẹp trời nào đó, bất ngờ chàng trai, sau bao nhiêu thất bại, tìm tòi, cuối cùng cũng tìm được người bạn mà có thể làm người bạn đời. Chàng ta mừng mà hát:

Bấy lâu vắng bạn khát khao
Giờ được gặp bạn mừng sao hỡi mừng

Cảm giác ngây dại lúc đầu của chàng trai là si tình, nhung nhớ, tơ tưởng không thôi:

Nhịp chày giã dó, nhặt thưa
Ðèn le lói sáng lòng ngơ ngẩn buồn
Nhớ ai mê mẩn tâm hồn
Thương ai mong đợi mỏi mòn tháng năm

Thương thì thương dữ lắm rồi nhưng chàng trai còn chưa dám nói, lúc gặp gỡ thì tảng lờ như vô tình không để ý đến:

Thò tay mà ngắt cọng ngò
Thương em đứt ruột, giả đò làm ngơ

Ðôi khi nhìn người mình yêu cũng chỉ dám nhìn trộm:

Ngó em không dám ngó lâu
Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi

Niềm tương tư, thương nhớ của chàng trai thì thiệt là ‘đứt ruột’:

Bởi thương em nên ốm với gầy
Cơm ăn chẳng đặng gần đầy ba thu
Ngó lên trăng sáng sao lu
Thấy em có nghĩa mấy thu anh cũng chờ

Lòng dạ của người con trai si tình ế vợ thì như vậy, còn tâm tư của cô gái lỡ thì, ế chồng thì sao? Hãy nghe:

Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái như ai không chồng
Gái có chồng như gông đeo cổ
Gái không chồng như phản gỗ long đanh
Phản long đanh anh còn chữa được
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
Không chồng khổ lắm chị em ơi!

Có nhiều người muộn chồng vì hoàn cảnh, có người muộn chồng vì quá kén chọn lúc còn trẻ:

Buổi chợ đông sao em chẳng bán hàng
Ðể tan buổi chợ em dạo làng bán duyên

Nhưng có khi nàng con gái còn kén chọn là vì nàng muốn chỉ lấy người thật sự nàng thương, người mà ‘ông trời‘ đã lựa chọn cho nàng:

Em không thương chi tài sắc của người
Ông trời kia đã định, em thương người em phải thương

Khi gặp được chàng trai mình thương rồi thì cô gái cũng tương tư, thương trộm nhớ thầm:

Biết người, biết mặt nhau chi
Ðể đêm em tưởng ngày thì mơ

Vừa thương nhớ nàng vừa lo tuổi tác tăng dần lên của mình:

Trai ba mươi tuổi đang xoan
Gái ba mươi tuổi đã toan về già

Nhưng rồi nàng cũng tự an ủi rằng dù gì thì mình vẫn còn xuân tươi lắm:

Trai ba mươi tuổi mà già
Gái ba mươi tám đang ra má hồng

Hoàn cảnh của đôi trai không vợ, gái chưa chồng thật giống như:

Em như ngọn cỏ phất phơ
Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng

Hay là:

Cam già quá lứa bán buôn
Em già quá lứa có buồn không em?
Cam già quá lứa bửa phơi
Em già quá lứa có nơi đợi chờ

Vậy mới biết, cho dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa thì người ta vẫn có thể chọn người xứng hợp với mình.

Giờ thì ta nói về cách làm quen, tỏ tình của chàng trai ra thế nào khi đã mê một cô gái. Anh chàng này thuộc hạng:

Học hành ba chữ lem nhem
Thấy gái thì thèm như chửa thèm chua

Tuy chỉ có vài ba chữ lem nhem nhưng chàng ta khôn lắm, thấy nàng làm nghề trồng hoa thì chàng mới đưa đẩy:

Hoa chi thơm lạ thơm lừng
Thơm cây thơm rễ người trồng cũng thơm

Nói chuyện làm quen vẩn vơ một hồi chàng ta đi thẳng vào vấn đề, trước hỏi thân phận của nàng:

Ngó lên mây bạc trời hồng
Thương em hỏi thiệt có chồng hay chưa?

Cô con gái lịch sự trả lời:

Mận hỏi thì Ðào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

Nghe câu trả lời ấy chàng mừng lắm, vội nói:

Người thanh nói tiếng cũng thanh
Thấy em lịch sự lòng anh cũng mừng
Ðêm trăng sáng chỉ có chừng
Ðôi ta đã gặp thì đừng xa nhau

Tuy vậy người con gái cũng rất cẩn thận, nàng hỏi thăm lại gia cảnh, quê quán chàng trai:

Hỏi chàng quê quán nơi đâu
Mà chàng thả lưới buông câu chốn này?

Và hay là:

Anh đã có vợ con chưa
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào?

Và có lúc dù trong bụng đã ưng rồi mà bên ngoài nàng còn giả bộ làm nghiêm với chàng, khuyên chàng đừng nên quá vội vàng:

Rừng hoang sóc nhảy tưng bừng
Hoa chưa nở nhụy, bướm đừng xôn xao

Và có khi nàng còn tàn nhẫn khuyên chàng nên bỏ cuộc đi, đừng theo đuổi làm gì cho mất công. Ðây là thủ đoạn của những cô muốn thử xem anh con trai có thương yêu mình thực lòng hay không:

Câu cá cá chẳng ăn mồi
Ðừng câu mà mệt đừng ngồi mà trưa

Phản ứng của chàng trai là chỉ nhất quyết yêu một mình cô nàng, và lập tức tỏ rõ lòng dạ mình bằng câu:

Cây đa lá rụng đầy đình
Bao nhiêu lá rụng thương mình bấy nhiêu

Và chưa chi mà chàng đã thề thốt sẽ chờ đợi cô nàng đến trọn đời:

Chờ em chờ mận chờ mơ
Chờ hết mùa mận chờ qua mùa đào
Chờ em cho tuổi anh cao
Cho duyên anh nhạt má đào em phai
Chờ em anh chẳng lấy ai
Khăng khăng chí quyết một hai đợi chờ!

Người con gái thấy vậy cũng tội nghiệp nên khuyên bảo rằng:

Yêu cây thì nhớ đến hoa
Yêu nhau thì đến tận nhà mà chơi

Nàng muốn anh chàng phải đến nhà làm quen với cha mẹ, gia đình đàng hoàng và để còn có cơ hội, thời gian tìm hiểu. Trong thời gian tìm hiểu đó, khi thấy nàng cũng có nhiều anh chàng khác theo đuổi, chàng lo lắng, buồn rầu, than thở:

Sự đời nghĩ cũng nực cười
Một con cá lội, mấy người buông câu

Rồi chàng khéo léo nhắc nhở nàng:

Quay tơ phải giữ mối tơ
Dù năm bảy mối cũng chờ mối anh

Trong khi đó nàng vẫn không ngớt nhởn nhơ và chàng cứ lại tiếp tục buồn rầu:

Bướm bay giữa bể bướm rơi
Anh thấy em ngó nhiều nơi anh buồn

Khi có cơ hội thì chàng khuyên nhủ:

Ăn chanh ngồi gốc cây chanh
Khuyên cội, khuyên cành, khuyên lá, khuyên bông
Khuyên cho đó vợ đây chồng
Ðó bế con gái đây bồng con trai

Nếu thấy anh chàng nhà nghèo, học chưa ra trường, chưa có job thì nàng lo lắng:

Thấy anh em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo bán vợ anh ăn

Chàng trai trấn an:

Nghèo thì bán khế bán khăn
Nào ai bán vợ mà ăn bao giờ

Có khi cô con gái tỏ vẻ chê bai vóc dáng nhỏ con, yếu đuối của chàng thì chàng trấn an, phân bua rằng:

Em chớ thấy anh nhỏ mà sầu
Con ong nó bao nhiêu lớn, nó châm bầu bầu thui?

Ðó là nãy giờ ta bàn về tấm lòng người con trai khi yêu thương, theo đuổi người con gái. Còn tấm lòng người con gái đối với chàng trai một khi nàng đã trót thương chàng rồi thì thế nào? Cũng da diết, đậm đà, lai láng lắm. Châm ngôn trước tiên của nàng là:

Chim khôn lựa nhánh, lựa cành
Gái khôn lựa chốn trai lành gởi thân

Khi đã yêu anh con trai rồi thì nàng kiên tâm chờ đợi:

Nhác trông nhà ngói năm gian
Thấy chàng lịch sự, khôn ngoan, có tài
Cho nên em chẳng lấy ai
Em quyết chờ đợi một vài ba đông
Yêu anh em chẳng lấy chồng
Em dốc một lòng chờ đợi lấy anh

Và những khi buồn nàng còn tỏ lòng dạ mình cùng sông núi:

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Em đây vốn thực chưa chồng
Núi cao sông rộng biết gởi lòng cùng ai?

Ðường tình duyên có khi cũng lắm chông gai, trắc trở, có khi cả hai người cùng chờ đợi nhau trong cô đơn, sầu tư não nuột. Hãy nghe nỗi lòng người con gái:

Sông Tương ai gọi rằng sâu
Chẳng bằng phân nửa mạch sầu của ta
Sông tuy sâu hãy còn có đáy
Bình tương tư không bãi không bờ
Ðầu sông chàng đợi, chàng chờ
Nào hay thiếp đợi lửng lờ cuối sông

Và chẳng may nếu phải xa nhau thì còn buồn gì hơn:

Chim lạc bầy thương cây nhớ cội
Người xa người khổ tội người ơi
Ví dầu chẳng biết thời thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi thêm buồn

Trong cuộc tình duyên, cũng có khi cô con gái đã sẵn sàng chờ người con trai đến cưới hỏi nhưng rồi anh chàng cứ hẹn lần, hẹn lửa với hết lý do này tới lý do khác, để rồi cuối cùng cô nàng bỏ đi lấy chồng khác. Khi ấy, có hối tiếc cũng đã quá muộn màng. Ta thử đọc lại những câu ca dao ý nhị nhưng khôi hài này:

Mình rằng mình quyết lấy ta
Ðể ta hẹn cưới hăm ba tháng này
Hăm ba nay đã đến ngày
Ta hẹn mình rày cho đến tháng giêng
Tháng giêng năm mới chưa nên
Ta hẹn mình liền cho đến tháng hai
Tháng hai có đỗ có khoai
Ta lại vật nài cho đến tháng tư
Tháng tư ngày chẳn tháng dư
Ta lại chần chừ cho đến tháng năm
Tháng năm là tháng trâu đầm
Ta hẹn mình rằng tháng sáu mình lên
Tháng sáu lo chửa kịp tiền
Bước sang tháng bảy lại liền mưa ngâu
Tháng bảy là tháng mưa ngâu
Bước sang tháng tám lại đầu trăng thu
Tháng tám là tháng trăng thu
Bước sang tháng chín mù mù mưa rươi
Tháng chín là tháng mưa rươi
Bước sang tháng mười đã đãi mưa đông
Quanh đi quẩn lại em đã có chồng
Như chim trong lồng, như cá cắn câu

Hôn nhân mà hẹn chờ từ tháng chạp cho đến tháng mười như vậy, mất vợ tưởng cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm!

Trong Cựu Ước, sách Ru-tơ cũng có kể lại một chuyện tình khá đẹp của phú ông Bô-ô và người đàn bà goá chồng Ru-tơ, một người thuộc dòng dân Mô-Áp. Ru-tơ có chồng là người thuộc dân Y-sơ-ra-ên nhưng chồng nàng qua đời sớm. Nàng là người có nghĩa cho nên đã theo mẹ chồng là Na-ô-mi về lại xứ Y-sơ-ra-ên. Tại đây nàng đã gặp Bô-ô, một người giàu có và quyền thế. Tuy là đã có một đời chồng nhưng ở trong mắt Bô-ô, Ru-tơ vẫn là người duyên dáng, hiền lành, đảm đang, hiếu thảo. Bô-ô đã không ngại mà lấy Ru-tơ làm vợ. Và rồi theo như lịch sử đã xảy ra, Bô-ô và Ru-tơ đã sinh ra Ô-bết, người ông của vua Ða-vít sau này. Tấm lòng và nghĩa khí của Bô-ô ở trong ca dao Việt Nam cũng có câu:

Rượu ngon cái cặn cũng ngon
Thương em chẳng luận chồng con mấy đời

Những gì tôi đã trình bày trong bài tùy bút này tính ra chỉ là phản ảnh khiêm tốn, nhỏ nhoi của toàn bộ kho tàng Ca Dao Dân Gian Việt Nam của chúng ta. Những cách bày tỏ tình yêu, những ngôn từ bình dân, giản dị nhưng cũng lắm thanh tao, văn hoa của đôi trai gái trong ca dao phong phú và gợi cảm biết chừng nào. Hy vọng là những gì tôi đã nêu ra có thể giúp đỡ được cho bạn ít nhiều về kinh nghiệm, lề lối tỏ tình của lớp người thời đại trước, hầu có thể ứng dụng phần nào cho thời gian bây giờ. Thành thật chúc cho các bạn nhiều may mắn trong sự chọn lựa, tìm bạn trăm năm. Hãy đến với Chúa và cầu xin sự soi sáng, dẫn dắt của Ngài. Chắc chắn rồi trong vòng chúng ta đêm nay ai cũng sẽ có vợ, có chồng. Tôi tin như vậy.

Hình ảnh có liên quan

Còn nữa, nếu ở trong vòng các bạn có người nào có nghệ thuật tỏ tình dễ thương, hay đẹp, độc đáo, để qua đó có thể ‘cua’ được người mình thương thì cũng làm ơn chỉ dẫn dùm cho tôi với !!!

Trần văn Đua