Phong trào chống Pháp - Hịch Cần Vương
Hưởng ứng phò vua khắp chiến trường
Bình Định, Quảng Nam… bừng đất nước
Sông Đà, Phú Thọ… dậy quê hương
Trẻ già muôn nẻo nêu gương sáng
Trai gái bao nơi tỏ chí cường
Thất Thuyết - Hàm Nghi danh rạng mãi
Dựng cờ Tân Sở lập triều cương.
Lê Ngọc Phái
Đêm 4 tháng 7 năm 1885 tức 22 tháng 5 năm Ất Dậu (âm lịch), người Pháp khao thưởng quân đội thì vào một giờ sáng 5 tháng 7 năm 1885 tức 23 tháng 5 năm Ât Dậu (âm lịch), Tôn Thất Thuyết Thượng thư Bộ Binh, Trần Xuân Soạn và Tôn Thất Lệ cho quân đội triều Nguyễn tấn công vào Trấn Bình Đài (đồn Mang Cá), Tòa Khâm Sứ và Sứ quán Pháp ở Huế. Nhiều binh lính và sĩ quan Pháp bị trọng thương và chết. Khi mặt trời hé mọc, quân Pháp phản công dữ dội, quân triều đình kháng cự mảnh liệt nhưng không giữ được thành. Quân Pháp vào Đại Nội, ra sức đốt phá, hãm hiếp, giết chóc, cướp bóc không từ một ai, chiếm giữ các kho tàng, cung điện, lấy đi nhiều tiền và vàng bạc.
Cuộc giết chóc tàn bạo chưa từng có đã xảy ra. Hầu như không có gia đình nào không có người bị tử nạn trong cơn binh biến này.
Từ đó ngày 23 tháng 5 âm lịch trở thành ngày giỗ lớn hàng năm của người dân Huế.
Cũng sáng ngày 23, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) để tiếp tục kháng Pháp. Người Pháp treo giải 2000 lạng bạc cái đầu của ông Thuyết và ai bắt được vua Hàm Nghi thì được thưởng 500 lạng.
Từ Dũ Thái hậu đã viết thư
mấy lần khuyên vua Hàm Nghi trở về Huế nhưng vô hiệu. Từ Dũ Thái hậu ủy nhiệm cho Nguyễn Văn Tường ở lại lo việc giảng hòa nhưng bất thành. Sau đó hai tháng người Pháp cách chức Nguyễn Văn Tường, đày đi Haiti, lập vua Đồng Khánh lên ngôi ngày 14 tháng 9 năm 1885.
Tôn Thất Thuyết tung ra bài hịch Cần Vương ngay hôm vua Đồng Khánh bước lên ngai vàng và được nhiều quan văn võ cao cấp của triều đình và dân chúng ủng hộ. Phong trào Cần Vương trỗi dậy khắp nơi.
+Lê Ngọc Phái sưu tầm từ tài liệu lịch sử