BA ƠI, HÃY THA THỨ CHO CON! - Bút Chì Nhỏ -

BA ƠI, HÃY THA THỨ CHO CON!

Tôi và đứa em trai, lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà Nội. Ba là một sĩ quan không quân chế độ cũ . . . sau ngày 30/04/1975, Ba tôi phải đi học tập cải tạo . . .Mẹ khi còn là học sinh đã từng là hoa khôi của trường Đồng Tâm Cần Thơ.
. . . Những ngày tháng đầu sau khi Ba tôi đi học tập cải tạo, chị em tôi sống với Mẹ dù rất vất vả nhưng hạnh phúc . . . Ngày tháng hạnh phúc trôi qua mau . . . Mẹ nghe lời của ngon ngọt của một người đàn ông lúc đó là một Chủ Tịch Phường là có thể bảo lãnh cho Ba tôi khỏi phải học tập cải tạo về sum họp với vợ con . . .
Ban đầu thì Mẹ và ông đi chạy lo cho Ba tôi vào Ban ngày . . . dần dần phải lo cả Ban đêm . . . thậm chí có khi đi 3 hoặc 4 ngày mới về . . . rồi thời gian về nhà thưa dần . . . Một hôm Mẹ khóc và đưa chị em tôi về ở với ông bà Nội . . . Mẹ cùng ông ra đi biền biệt không trở về quê . . . không có bất cứ một liên lạc nào với Ba và chị em tôi.
Mặc dù ông bà Nội rất nghèo, nhưng chị em tôi vẫn được đến trường như Bao đứa trẻ cùng trang lứa có đủ cả Ba Mẹ yêu thương chăm sóc . . . mặc dù tuổi đã cao bà ngoại đi mò cua bắt óc, ông Ngoại đi làm mướn để dành tiền nuôi chị em tôi ăn học.
. . . Rồi một ngày Ba mãn hạn cải tạo về, Ba rước chị em tôi về ngôi nhà cũ ở Cần Thơ đã bỏ trống từ ngày Mẹ đã ra đi cùng ông Chủ Tịch Phường bỏ chị em tôi bơ vơ nơi quê nhà với ông bà Nội.
Từ ngày đó kinh tế gia đình do một tay Ba tôi lo liệu, tất cả chỉ nhờ vào gánh chè Chí Mè Phủ ( Chè Mè Đen) … Hàng ngày Ba tôi gánh chè rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm ở Cần Thơ từ sáng sớm tới chiều tối . . .
Năm tôi vào Đại học, hai chữ sinh viên đã vạch cho tôi Bao ước mơ phía trước...… cho đến một ngày, khi bán thế cho Ba tôi về ăn cơm tại rạp hát tình cờ nhìn thấy đám bạn cùng lớp đi xem phim tôi hoảng hốt bước qua quầy thuốc lá kế bên để tránh, nhưng đám bạn tôi không buông tha tôi, chạy lại mua chè ngay gánh chè của tôi
- Bạn bán chè ở đây hả?
- Tôi cố gắng vui vẻ các bạn . . . các bạn ăn chè hả?
Nhìn gần chục đứa bạn trai gái ăn bận bảnh Bao rủ nhau đi xem phim, tự nhiên cuống họng tôi như nghẹn lại không biết tự Bao giờ tôi lại cảm thấy xấu hổ trước đám bạn học. Tối hôm ấy tôi có đề nghị với Ba: "Ba ơi Ba đổi nghề khác được không Ba?” Ba tôi ngạc nhiên: "Sao phải đổi nghề con?”
Tôi tức tưởi: "Chớ Ba không thấy bạn bè nó nói con là con của ông bán chè sao?”. Ba tôi lặng người đi rồi trầm ngâm nói: "Như vậy có gì là xấu con, đồng tiền Ba kiếm được là do mồ hôi, nước mắt, do công sức của Ba, dãi nắng dầm mưa mới có, đây là đồng tiền chân chính đáng lẽ con phải tự hào vì con là con của Ba mới đúng.
Nhờ gánh chè này mà ngày nay con mới được vào đại học”. Tôi vẫn ấm ức khóc và không hề xin lỗi Ba. Lúc ấy trong đầu tôi vẫn nghĩ: Là con của ông bác sĩ , kỹ sư vẫn hãnh diện hơn con của ông bán chè chứ!
Kể từ ngày đó trở đi Ba tôi đăm chiêu hơn, đã nhiều lần tôi muốn ôm Ba xin lỗi Ba vì những suy nghĩ dại dột đó nhưng nhìn khuôn mặt khắc khổ của Ba tôi lại sợ Ba buồn nên thôi. Nhiều năm trôi qua…Ba bị di chứng của bệnh tiểu đường phải cưa một chân và không thể gánh chè đi bán . . . thay vì buồn vì Ba phải cưa một chân thì tôi lại vui mừng vì khỏi phải xấu hổ . . .
Tôi học năm cuối và em tôi bước vào ngưỡng cửa đại học . . . gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè nặng trên đôi vai Ba tôi. Nhờ bà con lối xóm giúp đỡ mua cho Ba một chiếc xe đẩy, Ba tôi lại trở lại nghề bán chè . . . nhưng lên đời, không còn gánh chè mà đẩy xe chè ...
Tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Cần Thơ được phân công về Trường Chuyên dạy học . . . . . Một lần nữa tôi kêu Ba đổi nghề với lý do là tôi đã có việc làm không muốn Ba cực khổ nữa . . . nhưng thật ra vì tôi xấu hổ với đồng nghiệp và học trò vì mình là con của ông què bán chè dạo . . .Ba buồn và không nói gì . . . thương con, Ba nghỉ bán chè . . . nhưng thỉnh thoảng tôi thấy Ba khóc . . .
Ba tôi mất cách nay đã 20 năm tôi năm nay đã ngoài 50, thỉnh thoảng có người gặp tôi lại hỏi: Chị có phải con ông bán chè không? Tôi lại thấy lòng mình dạt dào nhớ Ba vô hạn. Giờ đây, mỗi khi có dịp con cháu tề tựu tôi vẫn thường hay kể lại câu chuyện này như một lời ăn năn, hối lỗi mong Ba tha thứ cho lỗi lầm của tôi… Ba ơi! Ba tha thứ cho con.
+ Vì tương lai của các con, người Cha đã gạt bỏ tất cả sỉ diện của một người từng là sĩ quan không quân để gánh chè đi bán . . .Tấm lòng của người Cha được đền đáp bằng sự hỗ thẹn của con mình.
+ Lời của người Cha: "Như vậy có gì là xấu con, đồng tiền Ba kiếm được là do mồ hôi, nước mắt, do công sức của Ba, dãi nắng dầm mưa mới có, đây là đồng tiền chân chính đáng lẽ con phải tự hào vì con là con của Ba mới đúng.
Các bạn trẻ thân mến, những ai đang sống trong hạnh phúc ngập tràn bên Cha Mẹ hãy trân trọng và cầu nguyện cho Cha Mẹ mình, những ai đang sống xa Cha Mẹ hãy cố gắng lui tới thăm viếng, chăm sóc hay tối thiểu thì gọi điện thăm hỏi . . . Khi Cha Mẹ đã về với Chúa thì lời nói việc làm đều trở nên muộn màng . . . Làm con hãy luôn tự hào về ngành nghề chân chính của Cha Mẹ mình . . . có khi là móc bọc nilông nuôi con khôn lớn thành tài ...
+ Hãy suy tính kỹ lưỡng trước khi chi tiêu đồng tiền do mồ hôi nước mắt và thậm chí cả bằng máu do Cha Mẹ làm ra.
Lễ Vu Lan 05/09/2017 ( Rằm Tháng 7 Âm Lịch)

Bút Chì Nhỏ
(Đây là một câu chuyện có thật được viết lại từ nỗi niềm ân hận của người con . . .Mong sao những người làm con khi đọc hay trân trọng phút giây Cha Mẹ còn sống bên mình . . . kẽo mất đi Cha Mẹ sẽ phải hối hận muôn màng)