Chữ “Hiếu” bây giờ… - Quang Minh -

Sinh con ra chăm chút từng tí một, mong muốn con khôn lớn trưởng thành, cha mẹ hy sinh mà không cần báo đáp. Khi trở nên già yếu, dù ít dù nhiều, cha mẹ đều muốn dựa dẫm vào các con, không phải là để yêu cầu đòi hỏi gì, mà chỉ là vì muốn tận dụng nốt những khoảnh khắc cuối đời bên con cái. Ấy vậy mà…

Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng,
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

Nhìn những dòng báo mạng viết về các trường hợp bất hiếu xảy ra trong xã hội Việt Nam hiện nay, người ta không khỏi cảm thấy đau lòng. Đó là chuyện một "người con” ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc kể công 8 năm nuôi dưỡng mẹ, và kiện lên tòa đòi mẹ bồi thường tiền phụng dưỡng; đó cũng là chuyện một "người con” ở Nghệ An thượng cẳng chân hạ cẳng tay khiến mẹ già ngất xỉu, chỉ vì mẹ ốm không nấu cơm được cho con; rồi lại có chuyện một "người con” ở Đắk Nông treo cha già lên vì ông không còn kiểm soát được khả năng đi vệ sinh mà trót nhiều lần đi ở trong quần. Đau đớn là ở chỗ, có bà mẹ bị con hành hạ rồi vẫn một mực: "Có chết mẹ vẫn thương con”

Xưa rồi Hiếu ơi?
(Ảnh minh họa: Internet)

Bạc đãi cha mẹ, bạc đãi ông bà, bạc đãi người già ấy, nó không chỉ giới hạn trong xã hội Việt Nam. Ở phương Tây, người ta có thể suy tư rằng, nếu con cái bận bịu không thể chăm sóc cho cha mẹ, thì nên chăng đưa cha mẹ đến viện dưỡng lão? Nhưng liệu con cái có thấy an tâm không khi những chuyện ngược đãi người già trong viện dưỡng lão vẫn thường xuyên xuất hiện? Đó là việc một cụ bà ở London bị nhân viên đấm vào mặt, hay chuyện một cụ bà khác cầu cứu 321 lần để được đi vệ sinh mà không có hộ lý nào tới. Liệu con cái có lo lắng cho cha mẹ hay không? Hay chỉ là cảm thấy rảnh tay để bay nhảy ở một phương trời khác? Ở phương Đông, người ta cũng có thể thấy những thảm kịch đau lòng như việc nhốt cha mẹ già trong chuồng lợn ở Trung Quốc. Ở Ấn Độ, khi truyền thống hiếu thuận bị mai một, thì chính quyền buộc phải ra đạo luật tuyên bố phạt tù những kẻ bất hiếu. Dẫu sao thì "hiếu vì luật” cũng không phải là thứ xuất phát từ tâm khảm.

Xưa rồi Hiếu ơi?
Cảnh cảm động về người con 85 tuổi chăm sóc mẹ già 113 tuổi tại Bến Tre, ảnh chụp năm 2014 (Ảnh theo Hoatinhthuong.net)

Quay trờ lại Việt Nam, chỉ mới đây thôi, người ta được dịp tranh cãi về việc một ca sĩ công khai nỗi khổ trả nợ 20 tỷ thay cho mẹ, để mẹ không đi vay tiền được nữa… Liệu làm như thế có phải là bất hiếu không? Có người nói rằng tài sản của anh ta là hai căn nhà 110 tỷ, xe sang, nhẫn kim cương, nên có trả thay mẹ 20 tỷ thì đáng gì. Cũng có cư dân mạng phản bác rằng phải làm ra được đồng tiền mới biết khốn khổ thế nào, hay, thấy mẹ mình sai mà không ngăn lại mới là bất hiếu. Còn có người tỏ vẻ tỉnh táo, cho rằng không nên phán xét bất cứ điều gì, vì chỉ người trong cuộc mới hiểu. Người viết không thể nói rằng người ca sĩ đó bất hiếu, anh cũng có hiếu đấy chứ. Chỉ là xin được mạn phép mà chia sẻ rằng, anh đã chưa được "tận hiếu”.
Xưa rồi Hiếu ơi?
(Ảnh minh họa: Internet) Liệu ngày nay còn mấy người như Phó giáo sư Văn Như Cương, 60 tuổi vẫn còn cõng mẹ già 94 tuổi đi chơi Tết? (Ảnh: Phó giáo sư Văn Như Cương)

Dẫu sao thì chữ Hiếu trong xã hội bây giờ cũng được hiểu theo muôn hình vạn trạng. Vậy thì chữ Hiếu bây giờ khác gì với chữ Hiếu thời xưa?

Truyện xưa kể rằng, có ông Hàn Bá Du ở với mẹ rất hiếu thảo. Mỗi khi ông lầm lỗi bà mẹ lại bắt ông cúi xuống đánh thật đau! Mặc dù bị mẹ đánh đau, nhưng Hàn Bá Du không hề khóc… Nhưng có một lần ông phạm lỗi, mẹ lại bắt ông cúi xuống mà đánh, mẹ đánh không đau nhưng ông cứ khóc suốt. Bà mẹ lấy làm lạ, hỏi: "Vì sao ngày trước mẹ đánh đau như thế mà con không khóc? Nay mẹ đánh nhẹ mà con lại khóc?” Hàn Bá Du gạt nước mắt thưa rằng: "Ngày trước mẹ đánh đau, con không khóc vì con biết mẹ còn khoẻ mạnh! Nay mẹ đánh con không đau, con khóc vì con biết mẹ đã già yếu lắm rồi! Không còn sức đánh con, cũng như không còn ở trên thế gian này với con bao lâu nữa! Vì thế con mới khóc!”

Xưa rồi Hiếu ơi?

Truyện xưa cũng kể những tấm gương "tận hiếu” như, Đổng Vĩnh bán thân chôn cha, Đường phu nhân cho mẹ chồng bú sữa, Dữu Kiềm Lâu nếm phân cha bị bệnh mà lo âu, Mạnh Tông khóc mẹ ốm đến nỗi măng mọc, v.v. Thậm chí đến những người bạc đãi con cái như mẹ kế, thì cũng có Vương Tường nằm trên băng bắt cá chép cho mẹ kế, hay Mẫn Tử Khiên cầu xin cha tha thứ cho mẹ kế với lý do rằng: "Mẹ ở lại chỉ mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi cả ba đứa rét sương”. Bị người dưng như mẹ kế ngược đãi đến khổ sở mà có những người vẫn có thể "tận hiếu”, vậy thì với cha mẹ đẻ của mình, chịu khổ là có nên chăng? Tận hiếu – Đó là một giá trị tinh thần vô cùng sâu sắc của văn hóa truyền thống mà người thời nay đã vô tình quên lãng…

Xưa rồi Hiếu ơi?
(Ảnh minh họa: Theo Binhlong.edu.vn)

Cũng có người bảo rằng, phải "tận hiếu” như thế thì thật là phi lý. Thực ra, người xưa tin vào chữ Hiếu là bởi vì người xưa tin vào đạo đức, tin vào phía mặt Thiện của con người, tin vào lẽ nhân quả luân hồi, tin vào sự công bằng của trời đất, sự minh giám của Thần Phật. Ngày nay, mấy ai có thể hiểu được đạo lý đó từ tận gốc rễ? Có người còn lấy lý do rằng ai tốt với tôi, ai có ân nghĩa, giúp đỡ tôi trong đời thì người đó mới đáng để tôi phải trân trọng. Vậy thì có lẽ người ấy đã quên mất rằng, cha mẹ chính là ân nhân của chúng ta, đã thật sự có ân sinh thành dưỡng dục.

Khi nền văn minh tinh thần không thể theo kịp nền văn minh vật chất, người ta có thể cảm thấy thoải mái khi đặt bản thân cao hơn mọi người, và bỏ qua những giá trị đạo đức truyền thống. Nhưng có một luân lý của trời đất sẽ mãi không đổi thay, ấy chính là:

Cha mẹ cần giáo dưỡng con cái, và con cái cần có hiếu với cha mẹ!

Quang Minh