Phóng sự hồi ký
CUỘC
BÃI KHÓA CỦA HỌC VIÊN NÔNG LÂM SÚC BÌNH
DƯƠNG
NIÊN KHÓA 1973-1974.
Khi nhắc lại cuộc bãi khóa này, phải nói rằng kể từ năm xảy ra sự kiện ấy cho đến ngày hôm nay-đã hơn 40 năm trôi qua- có rất nhiều anh chị em học viên trường Nông Lâm Súc Bình Dương từ khóa 4 đến khóa 6 vẫn còn chưa biết rõ ngọn ngành sự việc xảy ra như thế nào? Nguyên nhân gì đã hình thành nên cuộc bãi khóa? Do những ai đầu tàu tổ chức? buổi bãi khóa diễn ra như thế nào ? v.v…
Do có nhiều bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin về cuộc bãi khóa này, Chúng tôi đã tìm gặp được 2 nhân vật " chủ chốt” tổ chức cuộc bãi khóa nói trên, là bạn Nguyễn Văn Hiền ,và bạn Nguyễn Hữu Trí.Sau đây là phần ghi lại buổi trò chuyện với 2 nhân vật ấy:
* Trước tiên xin bạn Hiền vui
lòng cho biết nguyên nhân nào đã dẫn đến cuộc bãi khóa này?
Chào các bạn,tôi xin bắt đầu câu chuyện ở thời điểm niên khóa 72-73.Thời điểm đó chính quyền VNCH đã ra sắc lệnh Tổng động viên đối với tất cả thanh niên học sinh. Do đó, các học viên NLS sinh năm 1953 đang học lớp 12 và học viên sinh năm 1954 đang học lớp 11 đều phải lên đường nhập ngũ.Vì thế các lớp 11 và 12 ở Trường chúng ta đã giảm mất đi khoảng 1/3 số học viên trong mỗi lớp. Chắc hẳn các bạn cũng còn nhớ lúc ấy đã có một số bạn bè trong lớp vì nằm đúng vào số tuổi quy định đó nên buộc phải ngưng học để lên đường nhập ngũ…
Rồi đến niên khóa 73-74, một lần nữa chính quyền VNCH lại bãi bỏ quy chế cho học viên NLS được hưởng hoãn dịch thêm một tuổi so với học sinh phổ thông. Có nghĩa là các học viên NLS sinh năm 1955 đang học lớp 12 và học viên NLS sinh năm 1956 đang học lớp 11 đều phải lên đường nhập ngũ. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc bãi khóa của các học viên Trường Nông Lâm Súc Bình Dương ngày ấy. Chúng ta tổ chức bãi khóa với mục đích là yêu cầu vẫn được hưởng quy chế hoãn 1 năm tuổi như thời gian trước kia vậy thôi.
* Như vậy việc tổ chức bãi khóa của
các bạn ngày ấy như thế nào,bạn có thể kể rõ hơn được chứ?
Tôi còn nhớ lúc đó,số bạn bị vướng trong độ tuổi có thể bị buộc phải thôi học để lên đường nhập ngũ nếu thực sự quy chế được hưởng hoãn một tuổi này bị bãi bỏ. Họ rất lo âu khi nghe về luật quân dịch mới. Họ bàn tán đủ điều,trong đó thường nhắc đến luật bất hồi tố. Với hy vọng luật bất hồi tố sẽ vẫn còn giá trị áp dụng để qua đó học viên NLS sẽ vẫn còn được hưởng quy chế hoãn dịch.Năm đó, bạn Nguyễn văn Được dù là sinh năm 1954 đang học lớp 12 Canh Nông nhưng bạn ấy được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, và riêng tôi thì sinh năm 1956 đang học lớp 12 Mục Súc nên 2 đứa cũng không bị ảnh hưởng luật quân dịch. Trong Ban Đại Diện học sinh niên khóa này,bạn Được là Phó tổng thư ký, còn tôi là Trưởng ban văn nghệ báo chí.Nên 2 đứa chúng tôi nhận thức được trách nhiệm của mình khi đứng trước tình hình này, tôi và Được đã thống nhất phải tổ chức bãi khóa để đòi quyền được hoãn thêm 1 tuổi quân dịch (so với học sinh phổ thông) như những năm đã quy định cho học sinh thi tuyển vào lớp 8 hoặc lớp 10 NLS như trước kia.
Sau nhiều ngày thảo luận, tôi và Được thống nhất phương án hoạt động như sau :
-Liên hệ với Hạ nghị viện và Thượng nghị viện VNCH để xin hậu thuẫn.
- Liên hệ với các Ban Đại diện học viên các Trường NLS trên toàn quốc để thống nhất ngày giờ tổng bãi khóa.
- Liên hệ với Ban Đại diện sinh viên cao đẳng đang theo học tại Trường NLS Bình Dương ủng hộ.
- Tổng hợp sức mạnh đoàn kết các thành viên trong Ban Đại diện và toàn thể học viên NLS Bình Dương để bãi khóa đòi quyền lợi cho học viên NLS.
Với những phương án nêu trên, tôi và Được vừa vẫn vào lớp học bình thường vừa âm thầm thực hiện từng bước. Vào buổi tối thứ bảy cuối tháng 11 năm 1973, tôi và Được từ Bình Dương về Sài Gòn. Được ngủ lại nhà của tôi đêm ấy. Sáng hôm sau 2 đứa đến nhà của Thượng Nghị sỹ Lê Phước Sang (thuộc khối Hòa Hảo)để đưa thỉnh nguyện thư và nhờ sự giúp đỡ. Nhân đây cũng xin nói cho rõ thêm một chút rằng sở dĩ chúng tôi chọn đến nhờ ông Sang là vì ông thuộc khối Hòa Hảo mà gia đình của Được ở tỉnh Châu Đốc và gia đình Được cũng trong khối Hòa hảo nên có sự quen biết nhau. Thế nhưng sau khi nghe chúng tôi trình bày cũng như coi qua thỉnh nguyện thư thì Ông Sang có ý từ chối giúp chúng tôi.Tôi và Được đành phải cáo từ ra về trong thất vọng. Có một chi tiết mà tôi không bao giờ quên đó là khi ra về, Được cố tình nói: "Chào …”Thượng sỹ” …em về.” ( Ý Được gọi ông Sang là thượng sỹ già chứ không phải là thượng nghị sỹ đâu ).
Sau đó, khi ra khỏi nhà Thương nghị sỹ Lê Phước Sang, tôi bàn với Được hãy qua nhà Dân biểu Nguyễn Trọng Nho ( kỹ sư Thủy Lâm và được mệnh danh là " vua xuống đường” thời ấy).Thật tình tôi nghĩ đến Ông Nho cũng là vì ông Nho là anh vợ của Thầy Nguyễn Phúc Chân - nguyên Hiệu trưởng Trường NLS Bảo Lộc lúc bấy giờ - mà Thầy Chân lại là anh…của tôi.
Khi dến nhà ông Nho, chúng tôi trình bày những ý định muốn tổ chức bãi khóa để đòi quyền lợi cho học sinh NLS. Sau khi nghe chúng tôi trình bày,Ông Nho đã nói :
"… Các em tổ chức bãi khóa thì anh không ngăn cản, mà anh cũng không ủng
hộ các em đâu. Nhưng nếu các em đã nhất quyết lảng khóa thì tối nay hãy ngủ lại
ở nhà anh, anh sẽ hướng dẫn cho các em cách tổ chức bãi khóa thế nào để có kết
quả tốt nhất cho các em…”
Đêm đó, Ông Nho đã dạy cho tôi và Được cách tổ chức biểu tình cần phải có các yếu tố như sau:
- Phải nêu rõ mục đích của cuộc bãi khóa.( vì nếu không sẽ dễ bị”chụp mũ” là do VC giựt dây).
-Phải có được sự ủng hộ của báo chí và các chính khách. ( vấn đề này ông Nho hứa sẽ giúp chúng tôi). Khi các em bãi khóa buổi sáng thì đến chiều cùng ngày các tờ nhật báo ở Sài Gòn đều có đăng tin về cuộc bãi khóa của các em. Có như vậy thì cuộc bãi khóa của các em mới gây được tiếng vang lớn.
- Các em phải đoàn kết thông nhất thành một khối vững vàng,mạnh mẽ.
- Phải có được sự hậu thuẫn và ủng hộ của phụ huynh các em.
- Phải có được sự sẳn sàng bảo bộc che chở của các đoàn thể tôn giáo, nhất là những bà con sống xung quanh trường khi cần thiết để có sự yểm trợ kịp thời.
- Phải hết sức cẩn trọng với lực lượng cảnh sát chìm sẽ trà trộn vào các em.Tốt nhất thì khi bãi khóa,các em nên mặc 2 áo để khi ra khỏi khu vực bãi khóa thì cởi bỏ áo ngoài ra để tránh bị "chỉ điềm ngầm”( đánh dấu ngầm,dấu vết khó nhận biết).
Cuối cùng ông Nho còn nói: " Những gì cần nói thì anh đã nói hết rồi. Tùy các em quyết định.nhưng nhớ đừng có hành động nông nỗi mà có thể hủy hoại hết tương lai tươi đẹp của các em còn ở phía trước…”
Sáng hôm sau ,chúng tôi từ
giã ông Nho ra về. Trước khi chia tay, ông Nho còn dúi vào tay tôi 1.000 đồng (
tôi còn nhớ là 2 tờ bạc 500đ hình con cọp).
Từ chối mãi cũng không được nên tôi đành phải nhận và nói lời cảm ơn rồi xin phép ra về.
Ra khỏi nhà ông Nho.Tôi và Được vào quán cà phê ở Phú nhuận bàn bạc bước kế tiếp sẽ làm gì. Được nói:
"Sẳn có ông Nho cho tụi mình 1.000đ. Tao nghĩ là mầy nên đi lên Trường Bảo Lộc để bàn với Ban Đại diện Bảo Lộc về ngày giờ và cùng nhau tổng bãi khóa.”
Nghe Được bàn như vậy thì tôi nhận lời liền,vì năm lớp 10 tôi học ở Bảo Lộc và tôi cũng có quen thân với Nguyễn văn Phước, học lớp 12 Công thôn. Phước lúc đó là Tổng thư ký Ban Đại diện NLS Bảo Lộc.Thế là tôi và Được chia tay.Tôi đón xe đi Bảo Lộc còn Được thì quay về Bình Dương.
Ngay chiều hôm đó tôi có mặt tại Trường NLS Bảo Lộc và đã gặp được Phước. Phước đưa tôi về nhà trọ của Phước. Đêm đó 2 đứa nằm bên nhau hàn huyên tâm sự. Lát sau tôi mở lời tỏ ý lên đây gặp Phước để bàn chuyện lãng khóa đòi quyền lợi cho học sinh NLS. Không để tôi nói xong thì Phước đã thao thao bất tuyệt nói về kế hoạch tổng bãi khóa. Cuối cùng chúng tôi thống nhất là Trường nào nấy lo tổ chức cho Trường đó. Nhưng ngày giờ thì phải nhất thiết là cùng lúc với nhau. Phước sẽ cử người về Bình Dương để cho tôi biết ngày giờ tiến hành bãi khóa. Sáng hôm sau tôi trở về Bình Dương kể lại mọi chuyện cho Được biết kết quả làm việc trên Bảo Lộc.
Vài ngày sau , tôi và Được ghé nhà anh Đinh Thế Tuấn ( cựu học viên NLS Bảo Lộc) đang học năm thứ nhất cao đẳng Kinh tế Nông thôn tại Trường NLS Bình Dương và là Trưởng Ban Đại diện khóa Cao đẳng.Tôi và Được bàn với anh Tuấn về việc bãi khóa, nhờ anh Tuấn vận động các anh chị khối Cao đẳng hưởng ứng và ủng hộ. Anh Tuấn hứa với chúng tôi là sẽ sẳn sàng hưởng ứng ủng hộ và dặn chúng tôi nhớ báo trước cho anh biết ngày giờ tổ chức để anh nói lại cho khối Cao đẳng.
Với một vài thuận lợi kể trên, chúng tôi có chút vui mừng và vẫn đang âm thầm cố gắng thực hiện tiếp những bước cần thiết để hành động.Thế nhưng vài ngày sau đó, Lê hữu Phước là lớp trưởng lớp 12 MS2,(cũng là bạn thân của tôi vì 2 đứa cùng học chung ở Bảo Lộc rồi cùng chuyển về Bình Dương năm lớp 11 ) có gặp riêng tôi trao đổi về luật bất hồi tố.Vì bản tính của Phước là trực tính và nóng vội. Phước rất sốc vác về mọi mặt nên cũng rất nóng vội về chuyện bãi khóa này. Khi Phước đề nghị tôi tham gia tổ chức bãi khóa. Dù là rất e ngại trong lòng phải giữ bí mật chuyện sẽ tổ chức bãi khóa (đâu dễ nói rõ với bất cứ ai khi chưa tổ chức hoàn thành) nhưng với Phước là bạn thân nên tôi cũng không ngại cho Phước biết rằng :
"Chuyện bãi khóa, tao với " Được đui” đã và đang tính gần hết rồi”…
Phước liền hỏi tôi :
"Vậy tụi bây định chừng nào tổ chức?”
Tôi trả lời Phước :
"Tao và Được đui đang chờ phản hồi từ cánh Bảo Lộc để cùng thống nhất.”
Nghe tôi nói vậy thì Phước tỏ ra bực tức rồi nói :
" Còn chờ con mẹ gì nữa? làm ngay đi nếu không đến đầu năm 74 thì đi quân
dịch hết cả đám luôn”.
Tôi tỏ ý vẫn giữ lập trường hãy chờ cánh trên Bảo Lộc trả lời thì Phước có chưởi tôi hèn nhát rồi bỏ đi. Sau buổi nói chuyện ấy, tôi và Phước về sau không còn trao đổi thêm gì về chuyện bãi khóa nữa và theo tôi được biết là sau đó Phước đã cùng với Nguyễn Văn Bá lớp 12 Canh Nông ( Trưởng ban Đại diện học viên NLS Bình Dương niên khóa 73-74) đã âm thầm tổ chức riêng một cánh khác.
* Cám ơn Hiền đã thuật lại đến
giai đoạn này. Vậy là cùng thời điểm ấy, ở Trường chúng ta phát sinh thêm một
cánh khác do Nguyễn Văn Bá và Lê Hữu Phước tổ chức.Trong cánh này thì cũng có bạn
Nguyễn Hữu Trí.Vậy xin bạn Trí hãy kể về cánh này như thế nào nhé.
Chào các bạn, theo như những gì bạn Hiền vừa kể lại. Chắc các bạn cũng hình dung được cái khí thế ”sục sôi” trong bầu máu nóng thanh niên chúng ta vào thời điểm ấy. Chúng tôi cũng không ngoại lệ. Ngay sau lệnh ban hành Thiết Quân Luật , lệnh Tổng động viên của cơ quan hành pháp, các thành viên trong Ban Đại Diện học viên, Ban Cán sự lớp nhanh chóng mở cuộc họp chớp nhoáng bàn thời cơ hành động. Các thành viên Nhóm Diều Hâu được tuyển chọn đều có mặt. Họ là :
Nguyễn Văn Bá- Lớp12Canh Nông 1-Trưởng Ban Đại diện học viên Trường.
Nguyễn Phi Hùng- Lớp12Canh Nông 1-Phó tổng thư ký nội vụ.( cần kiểm chứng lại chức danh này).
Dương trí Dũng- Lớp12Canh Nông 2- Trưởng Hội Nông gia tương lai VN( của học sinh NLS Bình Dương).
Lê hữu Phước- Lớp Mục Súc 2- Trưởng lớp.
Và tôi: Nguyễn hữu Trí..12MS2
Tuần lễ thứ hai của tháng 12 năm 1973, tức là vào ngày 10 tháng 12 năm 1973. Chúng tôi đã nhanh chóng phân công nhiệm vụ cho từng thành viên . Bạn Bá có nhiệm vụ viết cương lĩnh hoạt động của nhóm, lập kế hoạch đấu tranh đòi quyền lợi cho học viên NLS cũng như sẽ phát biểu chính trong buổi bãi khóa. Bạn Hùng sẽ vận động học viên các lớp tiến hành việc cô lập các phòng học và chuẩn bị các dụng cụ âm thanh ( loa,micro) để phát thanh. Dũng và Phước phụ trách in ấn, phát truyền đơn.Tôi thì phụ trách trật tự chung trong sân trường , cũng như giải quyết những phát sinh ngoài dự đoán.
Phân công cho từng người như vậy rồi thì chúng tôi từng người cũng bắt tay vào việc. Nhân đây tôi cũng xin được kể rõ về tình hình in ấn truyền đơn mà chúng tôi đã chuẩn bị cho ngày bãi khóa vào thời điểm ấy như sau :
Vào chiều thứ bảy ngày 16 tháng 12 ( trước ngày bãi khóa diễn ra). Bạn Dũng đến gặp tôi cho biết là chưa tìm được máy đánh chữ và chỗ an toàn để cất giấu dụng cụ in ấn. Lúc bấy giờ đã vào khoảng hơn 4 giờ chiều rồi.Tôi hỏi dồn : "Mày với Phước làm ăn kiểu gì vậy trời , giờ này mà truyền đơn chưa có nữa là sao ? ".Dũng có vẻ hờn dỗi : " Ai mà muốn vậy. Để sau đi mày . Phải lo kiếm máy gấp thôi , không thể hoãn được nữa .” . Tôi cũng hơi bối rối và lo lắng, sợ công việc không được hoàn thành. Nhưng sau đó tôi quyết định nhanh và nói với Dũng:
" Thôi,trước mắt là mày hãy đi mua vài gram giấy ,vài tờ stancyle ( rập quay Ronéo), rồi quay về đây đi,mình sẽ tính tiếp.”
Dũng chạy đi rồi, còn lại tôi một mình ngồi suy tính.Thôi thì đành phải " thủ " ngay cái máy đánh chữ của ông già tôi để mà dùng. Kế là chọn góc phòng riêng của tôi trên lầu nhà để mà bố trí máy đánh chữ, các khuôn rập và quay in sao cho kín đáo. Phải nghĩ đến việc hạn chế tiếng động ồn ào đến mức thấp nhất có thể. Rồi các đèn trong phòng cũng phải hạn chế dùng để không quá sáng. vân vân và vân vân.
Khi Dũng mua xong và quay lại.Dũng hỏi tôi:
"Mày đã tìm được máy đánh chữ chưa? Bây giờ tụi mình cất giấu mấy cái này ở đâu? In ấn ở đâu?”
Tôi trả lời Dũng:
"Tụi mình làm việc ngay ở đây thôi chứ đi tìm ở đâu được nữa? "
Nghe tôi nói như vậy, Dũng la lên phản đối quyết liệt luôn.Vì sao các bạn có biết không? Xin thú thật cho các bạn hiểu rõ, Dũng tỏ ý phản đối, là vì địa điểm này là nhà riêng của ba của tôi, nhà riêng của một…sỹ quan cảnh sát Nha Đô Thành chính quyền VNCH lúc bấy giờ. Mấy thằng học sinh bày đặt biểu tình như chúng tôi mà còn dám chọn địa điểm như vầy để mà in ấn truyền đơn thì chắc là không có ai dám. Mãi nhiều chục năm sau này có dịp trò chuyện với Trí Hùng ( em trai của Trí Dũng ), tôi mới hiểu vì sao hắn lại sợ đến vậy. Mới hôm qua ( trước lúc Dũng chạy đến tìm tôi cầu cứu ), ở nhà Dũng xảy ra một sự cố lớn : Ba của Dũng , một sĩ quan Quân Lực VNCH , phát hiện trong tủ nhà mình có chứa truyền đơn mà người lưu giữ, âm mưu phát tán không ai khác hơn ngoài đứa con trai lớn mà gia đình đặt nhiều kỳ vọng . Từ kinh ngạc chuyển qua giận dữ , ông hết tra hỏi lại chuyển qua dẫn dụ, hắn cắn răng không khai và chịu trận đòn nhừ tử , còn bị đuổi đi. Không một mãnh truyền đơn nào còn sót lại sau đêm hôm đó . Nhắc đến chuyện cũ, Hùng còn chép miệng : " Em chưa thấy ai gan lỳ như anh Dũng . Quả thật anh ấy là một anh hùng dưới mắt em ". Thằng Dũng phản đối cũng phải thôi.Tôi phải giải thích với Dũng rằng thời gian đã quá cận kề, vả lại còn biết tìm ra nơi nào để mà làm việc nữa đâu.
"Thôi kệ đi,ráng làm sao cho ông già tao không hay biết là được rồi ,mày
nên nhớ nơi hiểm nguy nhất lại là chốn an toàn nhất đó Dũng . Tin tao đi ! như vậy cũng là rất an toàn đó nha mậy.”
Dũng cũng đành miễn cưỡng chấp nhận giải pháp bắt đắc dĩ này. Thế là 2 đứa tôi bắt tay làm việc. Dũng ngồi đọc nội dung từng câu truyền đơn. Tôi nhẹ nhàng gõ trên máy đánh chữ, vừa gỏ vừa lo theo từng tiếng lộc cộc phát ra từ cái máy…Khi tôi gỏ xong đến những chữ cuối cùng và định chuyển qua in ấn, thì đột nhiên Dũng nói:
"Khoan Trí ! Tao đề nghị mày cho thêm dòng chữ này vào cuối trang 2 nha "
Tôi hỏi :
"Ủa? thêm chữ gì nữa ?”
Dũng trả lời :
"Tao đọc từng chữ,mày gỏ in hoa nha.Từng chữ viết tắt là : U.B.T.Đ.Đ.Q.S.Đ.B.
Tôi gỏ theo lời thằng Dũng đọc mà trong lòng thắc mắc không biết dòng này viết tắt có ý nghĩa gì.Tôi hỏi Dũng:
"Xong rồi.Nhưng mà dòng chữ này có nghĩa là gì? Có liên quan đến việc
Bãi khóa không? Có cần thiết không vậy?
Thằng Dũng cười hề hề và nói:
"Sao lại không? Tao tìm thấy nó trong các tờ truyền đơn của Tổng hội SVHS Sài gòn Gia định in trong những lần biểu tình trước kia đó. Mày cứ thêm vào cho nó…mạnh.”.
Nghe lời bạn, những ngón tay tôi nhanh nhẹn nhún nhảy trên bàn phím để kết thúc một” văn kiện” để đời mà lúc đó tôi không thể ngờ rằng tôi đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khiến cho nhiều bạn của tôi - mấy ngày sau thôi - phải chịu lao đao trong vòng lao lý. Riêng tôi,niềm ray rứt và ái ngại đã theo tôi mãi đến tận bây giờ…Các bạn có biết dòng chữ này là gì không? Xin thưa đó là : "Ủy ban tranh đấu đòi quyền sống đồng bào” . Kể ra cũng đao to búa lớn nhỉ ? Có bị đưa vào tù cũng không oan nhỉ ? Trở lại tiếp câu chuyện hoạt động. Sau khi in ấn xong, Dũng ngồi xếp và cột lại thành từng bó nhỏ. Bên ngoài nó cũng viết tên người nhận ( giao cho bạn nào,lớp nào…) rõ ràng lắm.Vấn đề bây giờ là để luôn ở đây hay sẽ cất giấu ở nơi khác? Sáng ngày mai sẽ chuyển lên trường bằng cách nào cho không bị lộ?...Không biết thằng Dũng nghe ngóng tin tức ở đâu và có chính xác hay không, mà lúc đó tôi chợt nghe nó có ý nói rằng có thể thông tin bị rò rĩ trước rồi. Nghe nó nói làm tôi cảm thấy có chút giật mình, tôi hỏi bị lộ khi nào? từ đâu? thì thằng Dũng lại không nói.Tôi quyết định cất tài liệu vào 2 chiếc ba lô và giấu vào ngăn rương để sách học của tôi. Sau đó, Dũng chở tôi trên chiếc honda Dame cà tàng của nó đến số 16 Khải Định - bên dưới cầu chữ Y( bây giờ là đường Rạch Ông). Đây là nhà của Dũng, chúng tôi gặp Bá và Hùng đã ở đó. Tiếp đến cả bọn đến hẽm Lê Bá Khanh ( trường dạy đánh máy chữ) trên đường Phan thanh Giản ( Điện biên Phủ ngày nay) để gặp Phước. Sau khi bàn bạc xong những việc làm cho ngày mai ( ngày diễn ra bãi khóa). Bá và Hùng về nhà chờ sáng mai lên trường bằng xe đò.Tôi và Dũng trờ về nhà tôi…
Sáng sớm ngày, tôi nhờ ba tôi đưa chúng tôi ra bến xe Petrus Ký( nay là Lê Hồng Phong) để lên trường. Với lý do lên trường ôn thi lục cá nguyệt, mỗi đứa chúng tôi vác theo ba lô nặng trịch đó, nhưng ba của tôi không hề nghi ngờ gì vì chắc ông nghĩ rằng chúng tôi mang theo hết tất cả sách vở để…ôn thi. Một lúc sau bổng nhiên ba tôi nói:
"Tiếc là hôm nay ba có công chuyện bận, chứ không thì ba sẽ lấy xe Jeep chở tụi con lên trường luôn cho tiện,khỏi mất công.”
Trời ơi, nếu trong những
dịp khác nghe câu nói ấy thì chúng tôi thích thú lắm. Nhưng trong lần này thì
chúng tôi đã muốn …đứng tim !
*Như vậy,ở cánh bạn Trí đã chuẩn
bị và sẳn sàng diễn ra cuộc bãi khóa.Xin được hỏi cánh bên bạn Hiền có biết được
những diễn tiến bên cánh bạn Trí không vậy?
Thú thật rằng chuyện tổ chức bãi khóa này thì có thể nói ví von là " hồn ai nấy giữ- Ai làm nấy biết”.Và như đã kể ở phần trên, sau buổi nói chuyện với bạn Phước thì chúng tôi không còn trao đổi thêm gì khác.Vì thế thật tình là chúng tôi không hay biết cánh của bạn Trí đã âm thầm chuẩn bị từ trước và có quyết định quá nhanh chóng như vậy.Tuy nhiên, có thể nói rằng tổ chức bên bạnTrí đã bị lộ trước khi các bạn ấy hành động ( bị lộ trước ngày bãi khóa). Nhân một sự việc vô tình như thế này, đó là chuyện buổi tối ngày chủ nhật 16.11.1973,vào khoảng 21 giờ thì Đoàn Thanh Cần ( học viên lớp 9/4,ở chung nhà trọ khu cư xá hai Rua với tôi và Được) tình cờ đi ngang qua phòng chị Thu Tịnh (lúc đó chị Thu Tịnh là sinh viên năm nhất của khóa Cao Đẳng Kinh Tế Nông Thôn) thấy còn mở đèn sáng liền nhìn qua khe cửa thấy chị Thu Tịnh đang đổ nước vào những bao nylon nhỏ và có 1 rổ chanh đã cắt sẳn. Cần vội chạy về phòng báo cho tôi và Được biết. Chúng tôi liền chạy qua phòng chị Thu Tịnh để kiểm chứng lời Cần nói. Nhìn qua khe cửa thì thấy quả là đúng như lời Cần đã nói.
Trở về phòng , chúng tôi suy nghĩ miên man rồi cuối cùng tôi và Được cùng chung một nhận định là:
- Ngày mai,thứ hai 17.11.1973 Trường NLS Bình Dương sẽ nổ ra cuộc bãi khóa mà không chờ sự phối hợp với các Trường NLS bạn. ( vì chị Thu Tịnh đã chuẩn bị nước và chanh để chống lựu đạn cay…)
- Dương Trí Dũng ( Dũng lùn) học lớp 12 CN2, Lê Hữu Phước và Nguyễn Hữu Trí học lớp 12 MS2 sẽ là những nhân vật chủ chốt của cuộc bãi khóa ngày mai.Vì trước đó vài ngày 3 đứa nó bàn tán ở phòng trọ của Dũng lùn ,và Dũng lùn là em kết nghĩa của chị Thu Tịnh.
Tôi hỏi Được :
"Vậy mày tính làm sao hả Được?”
Được trả lời :
"Dù mình bất đồng quan điểm cách hành sự của tụi nó, nhưng mục đích thì cũng giống nhau thôi. Theo ta, thôi thì nước lên thì thuyền lên,nước xuống thì thuyền xuống. Tùy tình hình ngày mai lãng khóa như thế nào mà mình tính chứ không thể bỏ bạn bè được.”
Sau đó Được phân công rất cụ thể là Được có trách nhiệm bám sát anh em trong nhóm tổ chức bãi khóa để kịp thời hổ trợ khi cần thiết.Tôi thì được giao trách nhiệm quan sát tổng thể hể thấy có điều gì bất thường thì báo ngay cho Được biết để có hướng giải quyết kịp thời. Còn Đoàn Thanh Cần thì có nhiệm vụ xuống dãy phòng học các lớp 8-9 để kiểm soát hành động của các em khối lớp 8 và 9 ngăn cản kịp thời những hành động không hay có thể xảy ra. Nói tóm lại là nhóm chúng tôi cũng sẳn sàng để chờ đợi tình hình ngày mai lãng khóa sẽ diễn ra như thế nào thì mới dựa theo đó mà hành động hổ trợ cho các bạn mình.
* Với tình hình có phần cấp bách
trong giai đoạn chuẩn bị như vậy,xin hỏi
cánh của Trí có sự thay đổi lớn nhỏ gì không?Xin bạn hãy kể rõ thêm về những diễn
biến đã xảy ra trong ngày lãng khóa 17 tháng 12năm 1973 này của học viên NLS
Bình Dương.
Những công việc chuẩn bị trước giờ G thật căng thẳng và bận rộn không cho phép chúng tôi suy nghĩ gì khác . Phải hành động và hành động thôi !
Quốc lộ 13 sáng hôm đó dày đặc sương mù . Trời mới hơn 4 giờ sáng đường phố còn vắng tanh , thi thoảng lại có chiếc xích lô máy chở bạn hàng vụt qua với âm thanh động cơ ầm ĩ . Giờ thì bất cứ tiếng động nào cũng có thể khiến chúng tôi giật thót mình . Chúng tôi đi chuyến xe nhứt . Nhờ đủ khách ở bến nên xe chạy khá nhanh . Không khí mang hơi lạnh lùa vào từng cổ áo , cổ tay khiến toàn thân nổi gai ốc . Mặc dù vậy vẫn không làm chúng tôi bớt vẻ bồn chồn ,lo lắng . Con đường như cứ mãi dài ra hơn thường ngày. Có 2 trạm kiểm soát dọc đường, một ở Bình Triệu, một ở Ngã tư Bình Phước ( chốt này lưu động) với hai nhiệm vụ có phần khác nhau, một an ninh và một kiểm tra hàng lậu . Viên cảnh sát Dã chiến hôm đó kiểm tra giấy tờ chúng tôi rất kỹ ( soi qua đèn chiếu đặt cố định trên xe JEEP ), còn mời tôi ra khỏi xe rà soát quần áo . May mà gã không đụng đến hai chiếc ba lô, nếu có đã không thành chuyện bây giờ mới kể.
Khoảng 5 giờ sáng thứ hai ngày 17 tháng 12,chúng tôi đã có mặt tại cổng trường. Những em khối 8 và 9 đã được phân công cũng đã ùa đến để nhận những bó truyền đơn rồi đem vào sân trường phân phát ra. Trời vẫn chưa sáng rõ lắm, Hùng điều động các em dùng gỗ, búa, đinh chốt lại các cửa ra vào phòng học các lớp, ngoại trừ văn phòng Hiệu Trưởng…Tôi đi một vòng quanh trường thì phát hiện có một chi tiết xảy ra không nằm trong kế hoạch, đó là có những dòng chữ nguệch ngoạc bằng than đen, bằng gạch 4 lỗ, hay bằng mực dầu bút lông được viết vội trên tường, trên cửa kính các phòng dãy A của trường :
-"Đả đảo Hà Văn Thân !”
"Hà Văn Thân đem con bỏ chợ ! ( Thầy Hà Văn Thân là Giám đốc Nha Học vụ NLS đương chức ).
Trong phòng học cuối dãy A- gần khu vực để xe của học viên,tôi thấy có hàng trăm bịch Nylon nước và chanh dùng để phòng ngừa khói cay của cảnh sát nếu có xảy ra tình trạng bị ném lựu đạn cay.Sau này tôi được biết ý kiến này của Dũng đã nhờ chị Trương Thị Thu Tịnh (lớp Chuyên viên Cao đẳng) lo giúp.Tôi nhìn thấy nét hoang mang nhưng cũng đầy phấn khích hiện trên mặt hầu hết học viên trong ngày hôm đó. Họ đang tụ tập từng nhóm bàn tán : chuyện gì vậy? chuyện gì vậy ? bãi khóa à ?....
7 giờ 15,Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hạnh cùng các Thầy Cô đã có mặt đầy đủ trên văn phòng Hiệu trưởng. Hôm đó Thầy Hạnh tuy có hơi bất ngờ trước sự việc đang diễn ra, tuy nhiên tôi nhận thấy Thầy cũng nhanh chóng lấy lại nét điềm tỉnh vốn có như thường ngày.
Thầy Nguyễn Tấn Lộc ( Giám học) đại diện Ban Giám hiệu nhà Trường tiếp xúc và nói với toàn thể học viên:
"Tuy việc các em làm hôm nay là không đúng và không nên trong hoàn cảnh hiện nay. Nhưng sự việc đã xảy ra rồi thì các em hãy trình bày ngắn gọn những nguyện vọng gì của các em,đồng thời các em cũng nên tuyệt đối giữ trật tự, không có hành động bạo loạn để phòng ngừa tình trạng bên ngoài hiểu khác đi thì sẽ không có lợi cho các em…”
Tiếp theo là NguyễnVăn Bá, đại diện học viên đứng lên trình bày nguyện vọng.Tuy nhiên có lẽ vì việc chuẩn bị quá gấp rút chăng hoặc là do tình hình lúc bấy giờ rối ren không được ổn định cho lắm, nên Bá trình bàycó phần luống cuống và không được rõ ràng . Nhận thấy tình hình như vậy cho nên bạn Nguyễn Văn Được đã nhanh chóng đứng lên giành lấy Micro để phát biểu thay cho bạn Bá. Có lẽ nhờ Được đã có chuẩn bị tốt nên phần phát biểu của Được lúc bấy giờ rất tốt, rõ ràng mạch lạc đến không ngờ.
Tình hình đang diễn ra trước văn phòng Hiệu Trưởng như vậy thì bổng nhiên ở phía khu vực cổng trường có một nhóm các anh chị khóa Cao đẳng đòi phải mở cổng trường cho họ ra khỏi khuôn viên trường.Thấy vậy, tôi và bạn Nguyễn Thừa Nhân ( lớp 12 MS2 ) đã ngăn lại không mở cổng và kêu gọi họ hợp tác.Thế nhưng một nhóm nhỏ này thể hiện bất hợp tác cho nên đã có một vụ xô xát nhỏ đáng tiếc xảy ra. Nếu tôi nhớ không lầm thì đã có 2 anh sinh viên lớp Cao đẳng bị thương nhẹ và đưa đi sơ cứu.Thành thật mà nói là rất tiếc khi bây giờ tôi không còn nhớ tên 2 anh sinh viên ấy…
Khoảng 10 giờ 30, Ông Hà Văn Thân- Giám đốc Nha học vụ Nông Lâm Súc đã có mặt tại trường để ghi nhận những nguyện vọng của học viên.Thế là một phiên họp giữa Nha học vụ, Ban Giám hiệu Trường và Ban đại diện học viên tiếp tục được diễn ra.Trong khi đó, ở sân trường có 3 học viên quá khích ( tôi còn nhớ đó là Nguyễn Thừa Nhân, Dương Anh Kiệt và Nguyễn Thành Ái, lớp MS2) đã bàn tính với nhau là xô lật và đốt xe ô tô của Thầy Hà Văn Thân. Cũng may là lúc ấy thì bạn Hiền có mặt kịp thời có lời ngăn cản các bạn đó. Nhờ có sự can thiệp đó cho nên đã không xảy ra sự sai lầm nghiêm trọng, chứ không thì kết quả sẽ là rất tai hại vô cùng.
Đến trưa thì phần trình bày những nguyện vọng,mục đích bãi khóa coi như kết thúc. Ông Thân, Ban Giám hiệu và các Thầy Cô lên xe trở về Sài Gòn. Nhân cơ hội này, phía học viên NLS cũng lần lượt kéo nhau ra về chứ không duy trì việc bãi khóa sang buổi chiều theo như kế hoạch đề ra. Cùng lúc đó tôi được tin ngoài cổng trường đã xuất hiện lực lượng cảnh sát chìm chống biểu tình đang tổ chức "đón lỏng” các học viên bạo động.Tôi, Phước và Dũng cỡi bỏ chiếc áo nâu mặc bên ngoài ra ( đã mặc sẳn áo trắng bên trong) nhảy rào sang Trường Trịnh Hoài Đức trà trộn vào học sinh bên trường ấy để thoát thân. Bá và Hùng thì chạy xuyên qua đám ruộng sắn sau trường để ngược về Phú Văn. May mắn là cả bọn chúng tôi không ai bị bắt.Tối hôm đó chúng tôi họp mặt nhau tại cầu Chữ Y và thống nhất với nhau là lúc này thì không ai vội về nhà vì có thể sẽ không an toàn .Phải lang thang trốn tránh thêm vài ngày nữa, khi nào nghe ngóng được là an toàn thì mới về nhà…
*Mặc dù nhóm của bạn Hiền không chính thức tổ chức buổi bãi
khóa.Nhưng các bạn cũng đã sát cánh với nhóm của bạn Trí trong ngày ấy.Vậy thì
riêng bạn Hiền,bạn nhận thấy tình hình lãng khóa ngày ấy như thế nào, và có còn
việc gì xảy ra mà bạn Trí chưa đề cập đến hay không?
Hôm bãi khóa tôi và Được vào trường rất sớm .Trời còn mờ mờ sáng .Vừa bước vào trường , thì chúng tôi thấy Bá và Hữu Phước đột nhập vào văn phòng Hiệu trưởng lấy dàn máy âm thanh của trường đem ra để sẳn trước văn phòng. Phi Hùng và một vài anh em dùng búa đinh đóng chốt các cửa phòng học. Còn Dũng lùn và Hữu Trí thì đi kiểm soát xung quanh trường . Đến khoảng 7 giờ sáng anh em học viên đến trường ngày một đông . Họ lúng túng không biết việc gì đang xảy ra khi thấy các lớp học đều bị bít kín và không có ai đứng ra giải thích điều gì cả. Học viên bàn tán lung tung . Còn các anh chị bên Cao đẳng thì tỏ ra bất bình khi thấy phòng học của họ bị chốt đóng . Hơn 7 giờ thì Hữu Trí và Dũng lùn ra đóng cổng trường và bóp khóa lại. Nguyễn Văn Bá, Tổng Thư ký Ban Đại Diện học viên, đứng ra tuyên bố lý do bãi khóa. Nhưng có lẻ vì không có sự chuẩn bị kỹ càng nên Bá không nói lên được trọng tâm lý do bãi khóa. Lúc bấy giờ, Được đứng cạnh Bá nhận thấy tình hình như vậy cho nên đã giành lấy micro rồi tuyên bố ngắn gọn lý do cuộc bãi khóa, nhờ đó mọi người hiểu ra và vỗ tay hưởng ứng.
Đến khoảng 8 giờ thì có một số anh bên Cao đẳng leo rào định ra về, Hữu Trí và Thừa Nhân liền ngăn cản không cho họ leo ra. Hai bên đang dằng co thì Nguyễn Thành Ái và một số bạn lớp 12MS2 nhào ra tiếp ứng. Các anh bên Cao đẳng thấy bạn lớp mình bị đánh thì chuẩn bị kéo ra nghênh chiến. Thấy vậy tôi bèn đi tìm anh Đinh Thế Tuấn ( Tổng Thư Ký hệ Cao đẳng) để nhờ anh can thiệp. Anh Tuấn chửi cho tôi một tăng về tội bãi khóa mà không thông báo cho bên Cao đẳng biết trước như đã bàn . Tôi nói lời xin lỗi và hẹn sẽ giải thích sau với anh ấy. Sau đó chúng tôi ra cổng ngăn cản hai bên lại. Cũng may chỉ có 2 anh bên Cao đẳng bị thương nhẹ và tình hình cũng lắng dịu xuống, không còn căng thẳng nữa.
Đến hơn 10 giờ, thì thầy Hà Văn Thân ( Giám đốc Nha Học vụ NLS) từ Sài Gòn lên trường bằng xe hơi. Dũng lùn ra mở cửa cho xe của thầy vào trường. Khi thầy Thân đã bước vào văn phòng thì một lúc sau thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hạnh kêu gọi Ban Đại Diện học viên vào văn phòng họp cùng Ban Giám Hiệu và thầy Hà Văn Thân. Vào họp với các thầy cô có tôi với Bá ,Được, Phi Hùng và một số Cán bộ lớp. Trước tiên Thầy Thân hỏi lý do tại sao các em bãi khóa thì Được đứng lên xin đại diện học viên phát biểu. Được nêu lý do là : Khi chúng em thi tuyển vào trường NLS thì được quyền hưởng thêm 1 tuổi quân dịch so với học phổ thông. Nay không hiểu tại sao Bộ Giáo dục và Bộ Quốc phòng lại tước đi quyền lợi này của chúng em ..sau đó cũng có thêm vài anh em giơ tay phát biểu về luật Bất Hồi tố..
Thầy Thân để cho các học viên phát biểu xong , thầy từ tốn trả lời đại ý như vầy : "Khi Tổ Quốc lâm nguy, các em không thể mang luật Bất Hồi tố ra mà nói chuyện, vì sẽ không có luật nào qua được Thiết Quân luật. Nhưng với tư cách là Giám đốc Nha, thầy sẽ cố gắng xin Chính Phủ vẫn cho các em tiếp tục hoãn quân dịch thêm 1 năm so với học sinh phổ thông …”
Được giơ tay xin phát biểu :
"Kính thưa thầy, thầy có dám cam đoan là chúng em sẽ vẫn được tiếp tục hoãn dịch thêm 1 năm nữa không ?”
Thầy liền trả lời :
"Vấn đề này thầy sẽ cố gắng xin Chính phủ cho các em và các em nên nhớ rằng mọi quyết định đều do Chính phủ chứ thầy không có thẩm quyền. Thầy kêu gọi các em hãy bình tĩnh mà đi học như bình thường . Hãy chờ đợi thêm một thời gian xem quyết định chính thức ra sao hẵn hay..”
Buổi họp đến đây coi như kết thúc và Ban Đại Diện học viên chúng tôi đành phải trở ra ngoài và thông báo lại với toàn thể học viên rằng buổi họp không đạt được mục đích gì ngoài lời hứa hẹn của thầy Thân là như thế. Một số bạn quá khích, cầm đầu là Thừa Nhân với Thành Ái đòi đốt xe của thầy Thân . Rất may là anh em ngăn cản kịp thời chứ nếu không là lớn chuyện rồi ..
Hơn 11 giờ thầy Thân ra về. Còn phía học viên do không được chuẩn bị tốt khâu nước uống và thực phẩm để ăn trưa nên tự động giải tán sau đó.
Mãi về sau này khi liên lạc lại được với anh Chung Tran ( NLS Bảo Lộc) trên Facebook. Anh ấy cho biết thêm một số ý như sau :
XUẤT PHÁT TỪ TRƯỜNG QUỐC GIA NLS BẢO LỘC ..ĐƯỢC LAN RỘNG
ĐẾN CÁCTRUONG NLS TOÀN QUỐC (MIỀN NAM) VỚI MỤC ĐÍCH KHÔNG ĐỒNG TÌNH QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ GIÁO DỤC VỀ THI CỮ.HỌC SINH NLS KHÔNG CÒN THI TỐT NGHIỆP TẠI TRƯỜNG NLS
,THUỘC NHA HỌC VỤ NLS . VẤN ĐÈ KHÁ NÓNG ,CÁC HỌC VIEN NLS KHÔNG ĐƯỢC MIỄN 1 TUỔI
QUÂN DỊCH . TẠI CỔNG TRƯỜNG NLS BẢO LỘC , CHÚNG TÔI ĐÃ KHÓA CỔNG + KÉO
CONSETINA ..CÁC HỌC VIÊN VẪN ĐẾN TRƯỜNG
NHƯNG CHỈ SINH HOẠT VĂN NGHỆ , VUI CHƠI TRÊN LỚP VỚI TINH THẦN BẤT BẠO ĐỘNG
..TÔI CÒN NHỚ RÕ ..KHI ĐANG ĐỨNG TRONG CỔNG TRƯỜNG ..THẬT BẤT NGỜ ! MỘT CHIẾC
JEEP LÙN THẮNG GẤP NGAY TRƯỚC CỔNG . XUỐNG XE LÀ TRUNG TÁ TỈNH TRƯỞNG LƯU THÀNH
HỮU. TRÊN XE NGƯỜI ĐEO LON QUÂN HÀM TRUNG SĨ .TỈNH TRƯỞNG ĐẾN GẦN CHÚNG TÔI NÓI
CHUYỆN QUA CỔNG RÀO …CÂU TRẢ LỜI LÀ SỰ YÊN LẶNG ..HAI BÊN CỔNG LÀ HAI CÁNH GÀ .
CẠNH ĐÓ ĐƯỢC NỐI TIẾP LÀ TƯỜNG RÀO XÂY CAO CHỪNG 1,70 M.
TỈNH TRƯỞNG ĐÃ TỰ LEO RÀO QUA ..ÔNG MUỐN ĐƯỢC NÓI CHUYỆN
..TRẤN AN VÀ HỨA GIÚP CHÚNG TÔI …LỜI HỨA NÀY SAU THÀNH HIỆN THỰC ! BỘ GIÁO DỤC
ĐÃ NHƯỢNG BỘ . ĐƯỢC BIẾT ANH PHƯỚC ĐỊNH CƯ TẠI HOA KỲ . VÀO THỜI ĐIỂM ẤY TÊN
ANH ĐƯỢC NẰM TRONG SỔ ĐEN.
*Trở lại với bạn Trí,xin bạn kể tiếp
giai đoạn các bạn” lang thang không về nhà” có được không?
Ồ, chuyện đã qua lâu rồi.Vã lại đây là kỷ niệm thật trong đời học sinh bọn chúng mình mà, đâu có gì phải e ngại hay không thể kể được đâu.Tôi xin kể tiếp nhé.
Với số tiền đã dự phòng trước đó, chúng tôi lần lượt qua những ngày đêm ở những nơi thật hoàn toàn xa lạ. Đầu tiên là khu vực chuồng bò Tân Qui ( Nhà Bè). Đêm kế là…trại Gà Hàng Xanh ( Bình Thạnh). Rồi thêm vài nơi nữa mà bây giờ tiếc là tôi không còn nhớ nỗi. Chỉ có một chi tiết này là tôi không quên: kết quả sau những ngày đêm lang thang ấy thì cả bọn chúng tôi đều bị…ghẻ chóc tùm lum vì bị muỗi chích.
Rồi khoảng 1 tuần lễ sau, qua thông tin từ các bạn nữ bên lớp Canh Nông, chúng tôi biết nhà trường đã kêu gọi học viên quay trở lại trường,ổn định lớp để tiếp tục học tập và chờ kết quả làm việc từ Bộ Giáo dục và Bộ Quốc phòng. Lúc bấy giờ chúng tôi suy nghĩ và cho rằng cuộc lãng khóa tự phát của chúng tôi ít ra cũng đã có được kết quả bước đầu. Nghĩ như thế cho nên chúng tôi ràn rụa nước mắt vì vui sướng, và hẹn sáng ngày mai sẽ cùng đèo nhau bằng xe máy về trường…hưởng vinh quang. Sẽ có nhiều điều để kể cho chúng bạn nghe, chắc thú vị lắm đây…
Thực tế khi trở về trường sau 1 tuần lễ " lưu vong”. Chúng tôi không có được niềm vui vinh quang như chúng tôi đã tưởng. Trái lại, thậm chí chúng tôi còn bị xem như những kẻ tội đồ. Bởi:
-Thứ nhất, theo như diễn biến thời sự trên đài,Ti Vi, báo chí, thì sẽ không có sự thay đổi nào hết.Tất cả thanh niên, học sinh không phân biệt sắc tộc, tôn giáo đều phải thi hành nghĩa vụ quân dịch đối với đất nước khi Tổ quốc lâm nguy.
-Thứ hai, việc dấy lên cuộc bạo động như thế là phạm pháp. không đúng quy định quy chế gì đó trong những cuộc biểu tình của sinh viên học sinh lúc bấy giờ. Chúng tôi đã được nhà trường cảnh cáo là đã có tên trong danh sách đen của Chi cục cảnh sát Lái Thiêu. Do đó, từ nay đến khi có thông tin mới, chúng tôi tuyệt đối phải chịu sự giám sát chặt chẻ của nhà trường. Và dĩ nhiên là không được phép tụ tập, hội họp mà không có ý kiến của Ban Giám hiệu trường.
Thời gian trôi đi chậm chạp và buồn tẻ. Nhóm chúng tôi tự rà soát lại từng chi tiết kế hoạch để xem vì sao kết quả không như mong muốn? Vì sao đã có đến 9 bạn bị bắt ngay trong đêm 17 tháng 12 ấy tại khu nhà trọ "cư xá hai Rua” ? ( trong đó có cả Hiền và Được của nhóm không thực sự tổ chức bãi khóa). Nhưng thay vì tìm hiểu trực tiếp từ các bạn ấy sau này, thì chúng tôi lại chọn biện pháp im lặng do bất đồng quan điểm từ đầu. Mặc dù rằng khi nổ ra cuộc bãi khóa, các bạn ấy đã hết sức nhiệt tình hợp tác. Luôn có kịp thời những đối sách đầy bản lĩnh và thông minh.
Mùa xuân 1974, một số chính sách về luật động viên quân dịch của chính quyền VNCH có thay đổi. Chúng tôi chính thức nhận được thông báo từ Nha học vụ là sẽ tiếp tục được hưởng quy chế hoãn 1 năm tuổi dành cho ngành Kỹ thuật Nông Lâm Súc như trước kia. Toàn thể học viên NLS chúng tôi như vỡ òa niềm vui trước thông tin này dù đã có hy vọng và dự đoán từ trước. Chính giây phút đó chúng tôi mới tin rằng những nỗ lực hết sức mình của tuổi trẻ chúng tôi ngày đó đã sớm gây được tiếng vang cần thiết cho Nha Học vụ để Nha học vụ mạnh dạn đấu tranh giành quyền lợi chính đáng cho các nông dân tri thức tương lai có ích cho quốc gia sau này.
* Theo như bạn Trí đã nói có đến
9 học viên NLS đã bị bắt sau ngày lãng khóa.Bạn Hiền cũng nằm trong số này.Vậy
bạn Hiền hãy kể về chuyện này như thế nào nhé.
Nhiều bạn có chung một thắc mắc và không hiểu tại sao chúng tôi bị Chi CSQG Lái Thiêu bắt giữ? Bị bắt giữ vì lý do gì? có phải vì tổ chức bãi khóa hay không ? Hôm nay tôi xin được trình bày để các bạn được rõ :
Sau buổi bãi khóa, chúng tôi về nhà trọ nghỉ ngơi thì chị Nguyễn Thị Thục, học lớp 12MS2 (chị Thục học NLS Bình Tuy chuyển về Bình Dương năm lớp 11) qua phòng trọ của chúng tôi báo cho biết chị mới từ Bảo Lộc về. Chị có đi cùng anh Lê Văn Long học NLS Bảo Lộc (sau này anh là nhà báo Lê Long) về Bình Dương hồi chiều. Chị Thục mời chúng tôi sang phòng chị chơi và nhờ tôi rủ thêm các bạn : Lê Quang Thông, Võ Tấn Lộc, Nguyễn Trọng Hiệp, Trần Văn Thành (tất cả học lớp 12MS2 cũng từ Bình Tuy chuyển về Bình Dương như chị Thục ). Khoảng 30 phút sau , chúng tôi có mặt đầy đủ ở phòng chị Thục. Lúc đó chị mới giới thiệu với chúng tôi anh Long học lớp 12MS ở NLS Bảo Lộc và giới thiệu với anh Long là tôi và Được nằm trong Ban Đại Diện của NLS Bình Dương. Còn các bạn khác thì Long đã biết nên không cần giới thiệu vì họ học chung ở NLS Bình Tuy. Sau khi bắt tay chào xã giao thì anh Long cho biết là anh được Lê Văn Phước, Tổng Thư ký NLS Bảo Lộc, cử về đây gặp chúng tôi để báo ngày giờ Tổng Bãi khóa như tôi và Phước ( Phước ở Bảo Lộc) đã thống nhất cách đây nửa tháng. Long đưa thư của Phước gửi cho tôi. Được với tôi xem xong liền xé lá thư của Phước ( lâu quá tôi không còn nhớ rõ nội dung lá thư đó nữa) rồi báo cho anh Long biết các bạn ở Bình Dương vì quá nóng lòng không thể chờ đợi cánh trường Bảo Lộc được nên đã tổ chức bãi khóa sáng nay rồi . Vì vậy chúng tôi không còn bàn chuyện bãi khóa nữa. Cả bọn bày ra ăn nhậu thiết đãi anh Long .
Chúng tôi nhậu đến khoảng
21 giờ thì cảnh sát ở Lái Thiêu phối hợp cảnh sát Búng bắt chúng tôi giải về
Chi cảnh sát Lái Thiêu .Chúng tôi bị bắt gồm tất cả là 9 người:
1/ Nguyễn Văn Được, 12CN2
2/ Nguyễn Văn Hiền, 12 MS2
3/ Nguyễn Thị Thục,12MS2
4/ Lê Quang Thông,12MS2
5/ Võ Tấn Lộc,12MS2
6/ Nguyễn Trọng Hiệp, 12MS2
7/ Trần Văn Thành, 12MS2
8/ Lê Văn Long, 12 MS Bảo Lộc
9/ Đoàn Thanh Cần, lớp 9
Sau khi làm thủ tục tạm giữ, chúng tôi được đưa vào phòng tạm giam của Chi CSQG Lái Thiêu là gần 2 giờ sáng. Đêm đó nhiều bạn không ngủ được nhưng riêng tôi và Được thì ngủ ngon lành vì tối hôm qua chúng tôi thức rất khuya và dậy thật sớm để hỗ trợ cho cánh của Trí ( "nhóm Diều Hâu”) tổ chức bãi khóa. Đến khoảng 8 giờ sáng hôm sau, tức là ngày 18 tháng 12, chị Huỳnh Thị Bông, lớp 12MS2 vào thăm và mua bánh mì cho chúng tôi ăn sáng . Sau khi ăn sáng xong , thì Được là người đầu tiên bị mời lên phòng riêng để thẩm vấn. Khi Được bị đưa đi thẩm vấn thì nhiều bạn tỏ ra lo sợ và bàn tán lung tung. Hơn 1 giờ sau , Được được cho về lại phòng tạm giam. Kế đó là đến phiên tôi. Giữa 2 chúng tôi chưa kịp trao đổi gì trước cả. Gần 1 giờ thẩm vấn vị trung úy CSQG chỉ xoáy vào trọng tâm :
"Ai là người cầm đầu cuộc bãi khóa ? "
Tôi một mực khai rằng tôi không biết.
Ông ta còn hỏi tôi về câu UBTĐĐQSĐB ( điều mà Dũng lùn cho là có ép phê mạnh ) ,tôi vẫn trả lời là không biết gì. Ông ta mớm cung cho tôi : chỉ cần tôi cho biết họ tên những học viên cầm đầu cuộc bãi khóa thì ông ta sẽ cho thả chúng tôi ra ngay..nhưng tôi vẫn nói là không biết…
Đến gần 12 giờ trưa ,tôi được trả về phòng tạm giam. Lúc đó có một viên trung sĩ báo cho chúng tôi biết là Chi Cảnh sát không có lo khẩu phần ăncho chúng tôi, rồi nói thêm :
"Ai có người quen ở Lái Thiêu thì viết thư nhờ họ giúp đỡ lo cơm nước dùm đi!”
Được nói với tôi là có biết Kim Thanh học lớp 11MS1, nhà có bán quán cà phê ở Lái Thiêu ( 40 năm sau tôi mới biết tên họ đầy đủ là Trương Thị Kim Thanh, học lớp 11MS, khóa 5, là em gái của anh Trương Công Chánh, học canh nông khóa 1 ). Được vội viết thư nhờ Kim Thanh giúp đỡ. Để Kim Thanh tin tưởng, Được còn tháo cái bảng tên của nó, gói vào lá thư nhờ viên cảnh sát đưa giúp. Khoảng 1 giờ sau thì Kim Thanh vào thăm và tiếp tế bánh mì, cà phê ,thuốc lá..Cứ thế là mỗi ngày 3 bữa , Kim Thanh lo cho anh em thật đầy đủ. Các bạn khác cũng được mời lên thẩm vấn sơ sơ chứ không có lâu và kỹ như như tôi và Được .
Họ nhốt chúng tôi vài ngày nhưng không khai thác gì được nên chuyển chúng tôi qua Biện lý cuộc. Ở đây không đủ chứng cứ nên họ chỉ qui kết cho chúng tôi tội danh là cư trú bất hợp pháp rồi thả chúng tôi về. Hôm đó là thứ bảy ngày 22 tháng 12 năm 1973 .
Nhân ngày hôm nay, tôi xin thay mặt cho 9 người bị bắt đã kể trên để nói lên lời cảm ơn sự giúp đỡ của Kim Thanh. Có thể họ chưa một lần gặp mặt Kim Thanh nhưng trong lòng họ luôn nhớ những ân tình mà Kim Thanh đã dành cho chúng tôi . Xin cảm ơn người em gái áo nâu năm xưa ..
*À,vậy là đến "giai đoạn tiếp tế
lương thực”.Chúng tôi biết rằng lúc đó có bạn Trương Thị Kim Thanh là người trực
tiếp cáng đáng việc này.Hôm nay cũng có
dịp gặp được bạn.Xin bạn Thanh kể rõ những khó khăn,những kỷ niệm vui buồn gì
đã có qua việc làm này nhé.
Các bạn thân mến,
Tôi không có ý định kể lể chuyện tiếp tế vì thấy chuyện không đáng. Nhưng theo yêu cầu của anh Tiến muốn hiểu rõ thêm giai đoạn này, tôi sẽ kể. Các bạn chịu khó đọc và lắng nghe câu chuyện này. Đây là một câu chuyện buồn vì nó khiến tôi chạnh lòng khi nhớ về song thân của tôi .
Ngày ấy tôi nhận được mãnh giấy từ tay người cảnh sát.Trong đó viết vài dòng nhờ sự giúp đỡ của Kim Thanh và gói bên trong mãnh giấy này là bảng tên của anh Được, bảng tên này là khẳng định " phe ta. Tôi hỏi vì sao các anh ấy bị bắt ? Lý do tụ họp, ca hát , gây rối an ninh trật tự . Lúc đó tôi nghĩ chuyện vậy mà cũng bắt .Hôm sau đến trường tôi mới biết lý do chính .
Suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ, cho dẫu bất cứ ai gặp khốn khó người ta đã kêu đúng tên mình nhờ giúp đỡ, mà việc này họ biết không quá khó với khả năng của mình, mình sẳn sàng nhận lời ngay.
Việc khó khăn duy nhất của tôi lúc đó là : xin tiền Má! Tôi không dám nhìn thẳng Má tôi.Tôi dám chắc nét mặt Má khi đó " đằng đằng sát khí " vì lý do quá sức tưởng tượng : nuôi bạn trong trại giam ! Có khi Má tôi cho rằng tôi đang kết bạn với đám phá làng phá xóm nào đó chăng ? Bà không chịu nỗi chuyện này,mà có cha mẹ nào lại thích nổi chuyện như vậy ? Nhưng cái điều thuận lợi kèm theo là tôi chỉ việc kéo hộc tủ lấy tiền. Nhà bán cà phê, tủ tiền để sẳn, thuốc lá, cà phê có sẳn . Một vài động tác thành thạo là tôi có thể cụ bị một túi đồ ăn xách đi.Tôi chẳng phải nấu nướng gì ; pha vài phine cà phê, chôm vài gói thuốc, bò tiền vào túi chạy ra xe bánh mì .
Bước vô Chi cảnh sát, người ta chỉ đường cho tôi một mình xuống trại. Anh Được đón tôi ngay cửa trại giam, anh nói : "Kim Thanh đừng bước qua cánh cửa này vì việc này sẽ khiến em có thể gặp xui xẽo”. Tôi đưa túi đồ ăn cho anh Được. Mấy anh và một chị hỏi rối rít : "Sao Kim Thanh hay quá vậy ? mua bánh mì ở đâu mà lẹ vậy? Kim Thanh có mang nước không? " Tôi trả lời không kịp và sực nhớ chỉ mang cà phê không mang nước .Anh Được nói :” Không sao , nước uống có thể xin mấy ông Cảnh sát. Có cà phê là quí lắm rồi !”
Tiếp tế cho các anh được 2 ngày, buổi tối của ngày hôm sau , Ba tôi gọi tôi lại , ông đứng bắt tay sau lưng, bắt đầu cuộc thẩm vấn : "Mấy người bị bắt là bạn học cùng lớp với con à ?Tại sao bị bắt ? " .Hai câu này tôi trả lời bình thường . Ba tôi gài một câu : "Tại sao đã qua một đêm con cái không về nhà cha mẹ không đi kiếm ? Tại sao đến hôm nay con vẫn phải lo chuyện này? Ngay lúc đó mà tôi phải công nhận Ba tôi hỏi thật hay nhưng tôi còn hay hơn vì đã trả lời ngay không cần suy nghĩ, điều này khiến Ba tôi tin sự thành thật của tôi " Mấy anh chị này đâu có ở gần cha mẹ , mấy ảnh ở trọ trên Chợ Búng , chưa có ai báo về nhà”. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy thương Ba mình nhiều hơn. Các bạn biết lúc gọi tôi vào, Ông mặc áo thun quần đùi, tay chấp sau lưng. Các bạn đừng cho rằng Ông cầm roi mây nhé , Ông áy cầm cái bóp. Đưa tay ra phía trước, Ông mở bóp ra rồi hỏi : "Bao nhiêu người ? một ổ bánh mì bao nhiêu tiền? ". Đưa tiền xong , Ông nói :” Con đừng lấy tiền trong tủ của Má nữa”. Thấy Má không vui , phải nhờ tới Ba giải quyết, tôi không thể tiếp tục chống "thượng lệnh " . Sáng hôm sau vào lớp học, tôi than với chị Ngọc Thanh ngồi kế bên : "Hoàn cảnh như vậy em sợ mình khó có thể lo tiếp cho mấy anh chị trong trại tạm giam”. Lúc đó chị Ngọc Thanh không nói gì ( mãi đến hôm nay tôi mới biết người lo tiếp cho mấy anh là Ba của chị Ngọc Thanh ). Trưa hôm đó mang thức ăn vô trại , anh Được nói chiều nay Kim Thanh khỏi mang bánh vô nữa , có người nấu cơm dùm tụi này rồi. Và tôi được biết bạn Bông ( Đặng Thị Bông, 11CN) là người mang cơm vào nhưng do người khác nhờ chứ bạn Bông không phải là nguời trực tiếp nấu cơm . Chính Ba của chị Ngọc Thanh ( Ông là Hội trưởng Hội Phụ huynh học sinh ) mướn người nấu rồi nhờ bạn Bông mang đi dùm. Những tình tiết này một mình tôi không thể nhớ hết, phần sau có sự góp sức của anh Hiền và bạn Bông .
Lúc bị Má rầy la tôi buồn lắm , sao Má không thể thông cảm dùm mình một chút, sao Má không chịu giúp đỡ bạn bè của con một chút ? Nhưng giờ nghĩ lại mới thấy Má tôi thực sự có giúp đỡ vì cạn nghĩ tôi đã không nhận ra điều này. Nếu như ngày ấy Má tôi cương quyết không chịu giúp. Bà khóa tủ lại hay cất hết tiền vô túi thì tôi chỉ biết kêu trời dùm mấy anh ! Bà đã không làm như vậy.
Giá như lúc này Ba Má tôi còn tại vị , tôi sẽ chạy về nhà nhắc lại câu chuyện này cho Ba Má tôi nghe.Tôi chỉ nói với Má một câu thôi : "Má ơi, con sai rồi .”
*Bây giờ nhìn lại sự việc lãng
khóa ngày ấy, các bạn có nhận định hay có những bình luận hoặc ý tưởng nào khác
hay không?
Nguyễn Hữu Trí : Bây giờ nhìn lại những việc làm ngày xưa mới thấy thật là nông nỗi làm sao! Bởi vì :
-Hành động này xảy ra vào lúc đất nước lâm nguy là không đúng lúc và sẽ thiếu sự ủng hộ của xã hội.
-Tổ chức biểu tình, lãng khóa mà thiếu sự vào cuộc của giới báo chí là hết sức nguy hiểm, dễ bị chụp mũ từ phía chính quyền cũng như dễ bị phía đối phương lợi dụng.
-Ngay từ đầu việc tổ chức đã mang tính tự phát, thiếu kết hợp sức mạnh tổng hợp từ các trường NLS bạn.
-Nội dung truyền đơn không chuyên nghiệp, thiếu thuyết phục và hết sức cẩu thả khi in vào hàng chữ UBTĐĐQSĐB ( Ủy ban tranh đấu đòi quyền sống đồng bào) khiến nhà cầm quyền VNCH ngộ nhận việc tổ chức có giật dây của Cộng sản dẫn đến việc bắt giữ oan sai 9 bạn đồng môn.
Điều buồn nhất mỗi khi nhớ lại chuyện của hơn 40 năm trước, tôi cứ mãi ước ao-dù có là vô vọng – là sẽ còn có dịp nhắc lại chuyện cũ mỗi khi gặp lại họ, những "chiến hữu” cùng tôi lập "chiến tích” năm xưa. Họ là :
-DƯƠNG TRÍ DŨNG, 12CN2, 30/4/1975 tản cư sang Hoa Kỳ , mất năm 1979.
-NGUYỄN VĂN ĐƯỢC,12CN2, quê quán Châu Đốc, mất năm 1996.
-LÊ HỮU PHƯỚC ,12MS2, đi NVQS năm 1978, mất năm 1992 do sốt rét.
-NGUYỄN VĂN BÁ ,12CN1, 30/4/1975 tản cư nhưng không có thông tin về sau này.
-NGUYỄN PHI HÙNG ,12CN1, không có thông tin.
Có thể thành quả nói trên là do tổng hợp nhiều yếu tố chính trị thời đó mà những học viên như chúng tôi không sao hiểu đúng hết được.Nhưng dẫu sao, chúng tôi-những học viên lớp 12 Mục súc 2,12 Canh nông 1 và 2- đã đóng góp hết sức mình cho mục tiêu chung thuở ấy. Mong là sau phần kể lại này của tôi, sẽ được các bạn đồng môn cùng biết sự kiện này sẽ bổ sung thêm những chi tiết liên quan hay góp ý qua góc nhìn của các bạn. Thân chào đoàn kết. Nguyễn Hữu Trí.
Nguyễn Văn Hiền :
Sau ngày giải phóng, tình bạn của tôi và Lê Phước không còn trọn vẹn như xưa (mãi đến năm 1985, Phước đi nghĩa vụ quân sự về có ghé thăm tôi, Phước báo cho tôi biết mới vừa xuất ngũ và được chuyển về cty Hải sản ở Bà Rịa, Vì sinh kế tôi phải ra Nha Trang sống . Đến năm 1994, tôi trở về Sài Gòn ghé thăm Phước thì gia đình cho biết Phước đã mất năm 1992 do bị sốt rét rừng trong thời gian đi NVQS).
Trái ngược lại với Phước thì tình cảm của tôi, Được, Dũng và Trí lại khắng khít nhiều hơn. Qua cuộc bãi khóa đó tôi mới cảm nhận thật đầy đủ thế nào là tình đồng môn NLS. Một Kim Thanh không hề liên quan gì đến chuyện bãi khóa nhưng khi biết tin học viên NLS bị bắt thì sẳn sàng ra tay tương trợ. Kim Thanh là nhân chứng sống của cuộc bãi khóa, thôi thì hãy để Kim Thanh cho nhận xét và kết luận nhé.Tôi chỉ xin lưu ý với các bạn rằng nếu chúng ta không tổ chức bãi khóa thì các thầy ở trên Nha Học vụ NLS cũng phải can thiệp mạnh với Chính phủ VNCH , nếu không các trường NLS sẽ bị xóa sổ hết thôi .
Trương Thị Kim Thanh :
Tôi sẽ nêu lên một vài suy nghĩ về buổi bãi khóa , đây là ý kiến cá nhân .
Tôi đọc 2 lần bài Hồi ký của anh Hiền và anh Trí .Cuối bài anh Trí dùng những lời lẽ khiêm tốn để nhận xét về những việc làm ngày ấy và có ý tự trách khá nhiều . Nhìn ở góc độ nào đó , điều này sẽ khiến một số người đồng ý . Tôi xin đưa các anh trở lại vào thời điểm " dầu sôi lửa bỏng " ngày ấy để hiểu dùm tâm trạng các anh lúc bấy giờ …
Anh Trí cho rằng tổ chức bãi khóa như vậy là một hành động tự phát hết sức nông nỗi :
- Với một công việc có chuẩn bị , có tổ chức, có mục đích rõ ràng : đấu tranh vì quyền lợi của số đông học viên trường chúng ta nói riêng và các trường cả nước nói chung thì không thể coi là tự phát.
- Và cũng vì mục đích chính đáng này nên cũng không thể coi đây là hành động phạm pháp ,vì các anh không phóng hỏa đốt nhà, không làm hư hao tài sản người khác, không làm tổn hại quyền lợi cá nhân nào , nên anh Trí cũng nên tự tha thứ cho bản thân và các bạn ,
- Khi " đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách " Các anh có nhắc đến yếu tố : chúng ta là những nông gia tương lai nhưng nếu các anh đi lính hết rồi ,thì toàn bộ những trí thức học đúng tuổi được hoãn dịch, liệu họ có chịu bước xuống ruộng ?
Theo tôi được biết , trường NLS được thành lập ngay từ đầu đã có chế độ ưu đãi cho nam học viên được hưởng thêm 1 tuổi hoãn dịch để gia tăng số lượng học viên , do hoàn cảnh học tập của chúng ta kham khỗ hơn học sinh phổ thông khá nhiều. Chúng ta bị buộc phải nâng cao trình độ chuyên môn – môn học trồng trọt, chăn nuôi – trong khi văn hóa phổ thông chúng ta không đọ lại với học sinh áo trắng ( cô Yến thường than thở điều này dùm chúng ta ). Quí ngài cấp trên đưa xuống quyết định bãi bỏ chế độ ưu tiên miễn dịch các trường kỹ thuật NLS . Nên coi như đùng một phát , tình trạng hoãn, miễn dịch của các anh sẽ bị” đánh đồng " ngang hàng với học sinh phổ thông. Khi đó không ai nghĩ dùm những khó khăn mà các anh đối đầu mà học sinh áo trắng không có : sống xa gia đình, lang thang tìm nhà trọ, thiếu hẳn sự chăm sóc của cha mẹ..v.v mà đáng lý ra ở độ tuổi của các anh ,các anh phải được thừa hưởng …
Như vậy cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho tập thể học viên áo nâu của các anh là đúng .
Nói về kết quả của buổi bãi khóa này, tôi nghĩ rằng : Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ mà các anh đã dời được Giám đốc Nha Học vụ NLS từ Sài Gòn lên đến trường chúng ta thì coi như đây là thắng lợi bước đầu. Nếu thầy Thân cho rằng đây chỉ là một nhóm nhỏ không đáng kể đang gây rối và giao toàn bộ vụ việc cho cảnh sát thì sao ? Đấy mới chính là hành động mang con bỏ chợ. Nhưng thực tế thầy đã tức tốc chạy lên và ngồi xuống để " đàm phán với phe đảo chính " thế là quá tốt !
Thắng lợi kế tiếp của các anh ( trong việc này dù không dính dáng tới lý do chính nhưng hết sức quan trọng ) là các anh đã ngăn được một hành động hết sức nguy hiểm : đốt xe thầy Thân !Anh Hiền có nhấn mạnh tầm quan trọng của vụ việc này ở phần nói trên.Tôi cho rằng : Nếu các anh đốt xe, thì đây mới chính là hành vi tự phát và phạm pháp . Cũng phải nhìn nhận thiện chí "ngộ ra cái sai " của các anh : muốn đốt xe, nhưng đã dừng tay lại . Giả sử chuyện không được giải quyết ổn thỏa được theo ý muốn của nhóm anh Hiền ,và xe của thầy Thân đã bị đốt cháy thì đương nhiên các anh sẽ trở thành những kẻ tội đồ .
Sau ngần ấy những khó khăn mà các anh gặp phải thì việc " đưa bánh mì qua vách cấm " của em –người em gái áo nâu ngày nào – thật không đáng để kể lể. Phải cảm ơn anh Được đã lôi em vào chuyện này ở phút 89, để 40 năm sau em mới có dịp được các anh phát lệnh " truy nã " tìm gặp lại em .
Câu chuyện của chúng ta – học viên trường NLS Bình Dương ngày ấy – thật dễ thương và đáng thương biết dường nào , phải không các bạn ? Xin chào !
* Xin cảm ơn bạn Hiền,bạn Trí và bạn Kim Thanh rất nhiều.Các bạn đã cung cấp tư liệu quý giá,thông tin chính xác về sự kiện lãng khóa ngày xưa của học viên NLS Bình Dương chúng ta.Xin gởi lời chào đoàn kết và chúc sức khỏe.
KHẤU HOÀNG TIẾN
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CÒN LƯU GIỮ ĐƯỢC CỦA CÁC BẠN THAM GIA NGÀY TỔ CHỨC BÃI KHÓA 17 THÁNG 12 NĂM 1973.