Niềm Vui Chưa Trọn
Cuối tháng 8, 1972, chúng tôi 4 thằng đực rựa dân Phú Yên vừa tốt nghiệp đệ nhất cấp, khoá I, Nông Lâm Súc-PY 1972-1972, vào NLS-Bình Dương tiếp tục đệ nhị cấp. Có lẽ vì nghe đến phong thủy của đất Bình Dương và sự nghiệp bề thế của nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng nên cũng ráng lê lết vào NLS-BD nuôi mộng. Tôi và X. Phước theo Công Thôn, hai thằng kia, T. Thành theo Canh Nông, Đ. Sơ theo Mục Súc. Tuy không nói ra nhưng thằng nào cũng ấp ủ mộng "đại ra”: thằng mộng làm Thú Y, thằng thì ngấm ngầm lên dự án mở đồn điền café, thằng thì trong đầu chuẩn bị vẽ bảng quảng cáo làm đại lý sửa chữa và bán máy cày và máy bơm nước. Riêng tôi, chưa dám vì còn đang mơ tưởng ấp ủ cái đẹp của các cô gái Bình Dương.
Sau này tôi còn rất ấm ức khi nghe các khoá đàn anh phàn nàn chia sẻ, Công Thôn là con ghẻ của chương trình, học nặng ký kỹ thuật Nông Lâm Súc. Chương trình học nặng vì ngoài những môn học đòi hỏi trong chương trình phổ thông, chúng tôi còn phải học thêm các lớp chuyên môn tùy theo ngành.
Học được 6 tuần, nửa đêm giữa tháng Chín, 1972, 4 thằng chúng tôi tuổi độ trăng tròn, trong giấc ngủ đang còn mơ mộng con đường Nam tiến với những ước mơ học trò vụn vặt, bị đánh thức bởi tràng đại liên chát chúa xen lẫn giữa những đứt khoảng của tiếng lựu đạn nổ hay pháo kích. Đêm đó chợ Búng nằm trong chiến dịch quấy phá của mấy ổng. Dựa theo tiếng vang của những tràng súng, chúng tôi đoán là mấy ổng đến rất gần nơi nhà trọ.
Tôi còn nhớ lúc đang còn lòm còm nằm dưới sàn nhà run theo tiếng đạn nổ đứt khoảng thì Dì Hai, chủ nhà trọ, đến khu nhà hối hả kêu chúng tôi đi vào bên trong nhà của Dì tránh đạn. Chúng tôi khoảng 7-8 người ở trọ lúc nhúc sau áng thờ của gia đình và rồi thiếp ngủ đến 5-6 giờ sáng hôm sau. Tờ mờ sáng hôm sau, tội nghiệp Dì Hai hối chúng tôi đón chuyến xe đò sớm nhất để về Sài gòn vì sợ mấy ổng lùa chúng tôi lên bưng. Nhiều năm về sau, tôi vẫn hối tiếc là đã không kịp nói lời cảm ơn và từ giã Dì Hai.
Những trận đánh phá mùa Hè Đỏ Lửa năm đó, không chỉ làm đảo lộn chương trình học của chúng tôi, nhưng lan rộng và ảnh hưởng đến biết tương lai của bao nhiêu thanh niên trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng đó.
Riêng thằng T. Thành, không biết có phải lòng người đẹp Bình Dương nào hay vì mộng cao làm chủ đồn điền nhưng nó bám trụ học đến 1975. Ba thằng còn lại chúng tôi, sau khi lên Sài Gòn, vài ngày sau chúng tôi hồi hương hoàn tục học Phổ Thông. Về sau, chúng tôi có nghe phong phanh tin đồn là có một cô nhảy xuống từ Cầu Ngang bắt qua con lạch, không biết vì đứa nào trong 4 đứa, nhưng tui thầm nhủ tự tin là mình. Sau này gặp thằng Thành một lần về nghỉ hè,nó nói, may quá con nhỏ X (không nhớ tên), cầu thấp bên con nước cạn, nên nó chỉ bị trầy chân và vài tháng sau hát bài Sang Ngang sớm lắm. Tui tiếc hùi hụi… Không chừng, nếu không có mùa Hè Đỏ Lửa 1972 và biến cố 1975, tui cũng có thể mọc rễ đâu đó ở Lái Thiêu hay Bình Dương… Bao nhiêu năm sau, tôi vẫn còn ấm ức vì ước mơ và niềm vui NLS chưa trọn ở Bình Dương.
Và Con Tim Đã Vui Trở Lại: Chim Nâu Tìm Về Tổ Ấm
51 năm sau, nhờ các lần tiếp xúc với các niên trưởng của ban Liên Lạc NLS trong nước, và cũng có thể phần nào nhờ thần giao cách cảm nên may mắn, tôi tìm được và kết nối với NLS-BD hải ngoại.
Tôi nhớ hôm đó vào khoảng giữa tháng Hai, 2023, trong cơn mưa nhiều ngày nặng hạt và dầm dề hiếm có trút xuống miền Nam Cali, tôi tìm được nlsbinhduonghn.com. Rồi mượn cớ cơn mưa kéo dài cầm chân ở nhà, hai ngày liên tiếp tôi ngấu nghiến đọc những bài viết của quý Thầy Cô, những tâm tư của các anh chị khóa đầu. Thú thật cái nền màu Nâu của trang bìa và cờ hiệu NLS-BD như một thỏi nam châm vô hình thu hút sự chú ý của tôi. Rồi những bài viết cùng những trăn trở của các Anh, các Chị đã cho tôi biết nhiều hơn về những diễn biến lịch sử của trường, về những tình yêu ngây thơ của tuổi học trò áo Nâu. Chuyện có thật sau 1975 của những mảnh đời trong tranh tối tranh sáng của anh Hai cũng như bao người khác như làm sống lại vết thương lòng âm ỷ từ lâu. Lâu lắm tôi cảm thấy may mắn đọc được một Đặc San có nhiều nội dung đầy ý nghĩa, mộc mạc và nhưng rất thân tình đi vào lòng mình. Trong đó tôi thấy những thước film có chính tôi và hoàn cảnh của những người thân của gia đình, của bạn bè cùng thế hệ, hay của các lớp cha anh đồng cảnh ngộ trôi nổi với vận nước. Không biết tự bao giờ tôi thấy mắt mình ươn ướt. Đọc gần hết tôi thấy càng trân trọng thêm những đóng góp và dấn thân của quý thầy Hiệu trưởng, hy sinh nghề nghiệp của các Thầy Cô để dạy dỗ và chia sẻ kiến thức. Cảm ơn thầy Vương Thế Đức và các anh chị trong ban biên tập. Mọi người đã nhen nhúm và thai nghén một tác phẩm tinh thần rất NLS-BD. Tôi tin rằng đây là một công trình rất ý nghĩa và có giá trị lâu dài.
Chim Nâu vừa Tìm Về Tổ Ấm
Cuối tháng Hai 2023, sau khi tiếp tục đọc lại một vài bài viết trên trang nhà nlsbinhduonghn.com, tôi được tin thông báo ĐH VI. Sau một ngày suy nghĩ tôi quyết định mạo muội gởi lời giới thiệu qua tin nhắn đến anh Nghĩa và chị Phụng, rồi đến anh Có. Một ngày, hai ngày trôi qua, cơn mưa tạnh dần, nhưng chưa thấy ai trả lời. Cuối cùng, chuông điện thoại hiện số của anh Nghĩa. Ôm điện thoại tôi nói nhanh, gần như sợ anh cúp máy. Chắc bên kia anh cười thầm.
Ngày hôm sau, trong bỡ ngỡ tôi đến gặp anh chị Nghĩa Phụng lần đầu. Anh chị tiếp tôi như một người em xa xứ lâu năm về lại tổ không chút xa lạ. Ừ tôi về tổ NLS-BD. Không nhiều nhưng tôi có dịp chia sẻ những kỷ niệm ngắn ở chợ Búng. Chị Phụng ở gần chợ Búng nên biết nơi tôi ở trọ. Thì ra chị biết nơi tôi ở là nhà Dì Hai Hường, có người con đi lính và người con gái mà chúng tôi thường gọi là Chị Gái rất dịu dàng, dễ mến và học Trịnh Hoài Đức. Thú thật 6 tuần ở Bình Dương quá ngắn ngủi chỉ đủ để anh chị Nghĩa Phụng ngạc nhiên thêm về thiện chí lạ lùng của tôi. Nhìn trên danh sách, tôi an ủi, thấy mình là người thứ Ba ghi danh tham dự ĐH VI. Anh chị tặng tôi tập Đặc San, với một túi vải màu Nâu. Vài ngày sau tôi lại tiếp tục ngấu nghiến đọc để mong tìm lại phần nào những gì còn sót lại trong ký ức 51 năm về trước. Đặc San có mùi thơm của giấy mới nhưng tôi cứ ngỡ là mùi đất gần chợ Búng, của những khuôn đất đỏ chung quanh trường. Rất lạ và quý lắm.
Rồi vài ngày sau, một sáng nắng ấm, điện thoại từ anh Có. Chưa gặp anh một lần, nói thì quá, nhưng nghe giọng nói từ tốn, thong thả và ân cần của anh tôi cứ tưởng anh là vị Bồ Tát sống. Chỉ sau vài dòng giới thiệu và chia sẻ những ngần ngại của mình khi xin tham dự ĐH, bên kia đầu giây điện thoại, anh nói "Một ngày áo Nâu, cũng là áo Nâu”. Lời anh nói ấm hơn tia nắng qua khung cửa, tôi lâng lâng cái cảm giác vui và an ủi riêng để được gọi là Chim Nâu vừa Tìm Về Tổ Ấm. Trong phút chốc tôi quên mất Niềm Vui Chưa Trọn.