KỶ NIỆM VỀ HỌP MẶT NÔNG LÂM SÚC BLAO (2018)-Nguyễn thị Hương Duyên-

KỶ NIỆM VỀ HỌP MẶT
NÔNG LÂM SÚC BLAO (2018)
Kỷ niệm 3 năm trước chuyến Liên trường NLS về thăm trường NLS BLAO , nhưng chỉ còn 1 ít cảnh củ mà thôi !
Một ngôi trường đồ sộ rộng đến 600 mẫu, trong sân có con đường hoa vàng rủ xuống gọi là Hoàng hoa lộ. Mỗi năm các học trò già chống gậy về thăm, bước dưới bóng hoàng hoa đều ầng ậng nước mắt…
Ngôi trường giữa rừng già
Thầy Bùi Tho, 72 tuổi là Tổng Giám thị của Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc trước năm 1975. Thầy sinh ra và lớn lên tại xứ trà, đã gắn bó với ngôi trường này trên 50 năm, Có lẽ Thầy Tho là người yêu xứ B’Lao nhất mà tôi đã gặp.
Xuất thân từ khoa Thủy Lâm của trường, nên sau khi về hưu, ông thường đi chiếc xe máy cũ mèm vận động chính quyền, bà con trồng cây này trồng cây kia để giữ cho được màu xanh phố núi.
Tôi đã từng theo thầy làm những việc "trời ơi” như mang bao nhặt hạt phượng tím, vàng đem về phát chẩn cho bà con xạ (gieo) theo đường xã, đường thôn, có lúc mang cả bao hạt rải từ đầu đèo đến cuối đèo, nhưng mấy năm rồi chẳng thấy cây nào sống sót.
Tuy nhiên được đi với thầy, tôi biết được nhiều chuyện về đất và người B’Lao xưa, từ thời Đồng Nai Thượng xa xôi cho đến ngôi trường nơi ông gắn bó. Mới đây thầy tặng cho tôi tập Dấu Xưa viết về ngôi trường cũ, người tham gia là những cựu sinh viên ở tuổi U70-80. Đọc xong tôi rơi nước mắt.
Theo tư liệu cũ và nhân chứng còn sống vào độ tuổi 80. Vào năm 1930, Nha khảo cứu Đông Dương thành lập tại làng Công Hinh một trung tâm thực nghiệm. Đó là cơ sở đầu tiên của người Pháp dùng để nghiên cứu, thử nghiệm cây trồng, vật nuôi cho cả nước.
Sau hiệp định Genève 1954, Trung tâm này được Bộ Canh Nông nâng cấp thành Trường quốc gia Nông Lâm Mục, trực thuộc Bộ Cải Cách Điền Địa và Canh Nông. Trường được giao nhiệm vụ đào tạo hai cấp học: Cao đẳng và kiểm sự cho các ngành canh nông, thủy lâm và mục súc. Trong thời gian từ năm 1955 đến 1963 trường đào tạo 8 khóa kiểm sự và 4 khóa cao đẳng đã cung cấp được gần 300 chuyên viên cho cả nước (từ vĩ tuyến 17 trở vào).
Vào thời điểm đó, tại vùng hạ B’Lao vẫn còn là rừng nguyên sinh. Sáng sớm và chiều tà, sương mù phủ lên trắng xóa ôm cả cánh rừng hoang. Diện tích trường tính các khu trà, cà phê, vườn cỏ, vườn ươm, rừng sưu tập và khu công sở rộng đến 200 mẫu. Nhưng nếu tính cả khu rừng để sinh viên thực tập thì tổng diện tích gần 600 mẫu. Trường có nhà máy phát điện, máy nước, sân vận động, đài khí tượng, võ đường. Trong khuôn viên trường có đại thính đường, ký túc xá sinh viên, thấp thoáng trong các cây sao, cây muồng, là những biệt thự xinh xắn dành cho giáo sư.
Ông Bùi Tiến Khôi, một cựu sinh viên trường B’Lao hiện là giáo sư đại học ở Texas, cho rằng Nông Lâm Mục B’Lao là ngôi trường đẹp nhất trong các trường đại học ở miền Nam thời đó.
Ngày ấy các môn học, dù là giáo sư người Việt vẫn sử dụng tiếng Pháp để giảng dạy, mục đích luyện tập cho sinh viên kỹ năng nghe nói để có thể thể tiếp cận với văn minh thế giới. Hầu hết các giáo sư đều xuất thân từ các trường đại học danh tiếng của Pháp. Ngoài ra, còn có một giáo sư người Đức Hoeninger dạy Lâm học, và một giáo sư Mỹ tên Stevenson, dạy Kinh tế. Các giáo sư tuy giảng dạy tại trường, nhưng cũng làm chuyên môn của mình. Vì vậy các thầy cô không những am tường công việc mà còn rất nghiêm khắc trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Copy theo bài viết : RƯNG RƯNG VỀ THĂM LẠI NGÔI TRƯỜNG XƯA 600ha ( Nông Lâm Súc B’LAO )
Ngày 25/5/2018 Liên trường trung học NLS đi tham dự ngày hội họp mặt cựu học sinh NLS Bảo Lộc tổ chức tại Đà Lạt , trên đường đi đoàn Liên trường NLS rất vui và vinh dự được Thầy Bùi Tho hướng dẩn về thăm lại ngôi trường xưa 600 hecta NÔNG LÂM SÚC B’LAO, nghe Thầy kể lại bây giờ trường chỉ còn lại vài dấu tích ngày xưa, mình cũng kịp chụp lại vài tấm ảnh như khu văn phòng, bếp ăn, nhà ăn, khu nội trú, vài giống cây chủ đạo biểu tượng của trường thời ấy trồng khắp mọi nơi nhưng bây giờ chỉ còn lèo tèo ít cây gọi là .. trong đó tôi rất ấn tượng một CÂY mang Tên rất LẠ, ĐỘC, ĐẸP lần đầu tiên tôi mới biết và thấy đó là cây CHIÊU LIÊU.
Được đi bên Thầy Bùi Tho là nhân chứng sống một thời của trường NLS Bảo Lộc, nghe lời Thầy kể chuyện văng vẳng bên tai thật bồi hồi luyến tiếc .... Ngôi trường đẹp, thơ mộng, mà tôi mơ ước được vào học niên khoá 1969 - 1970 thi vào lớp Đệ ngũ ( lớp 8 bây giờ ) bị rớt, thi trượt vỏ chuối trường NLS B’Lao, đành phải ra thi vào trường NLS HUẾ học. Đó là lý do vì sao mình phải ra đến Trường NLS Huế để học, chuyện xưa rồi nay mới kể .