KÝ ỨC MỘT CHUYỆN TÌNH - Nguyễn Hữu Nghĩa

Dec. 12, 2019

KÝ ỨC VỀ MỘT CHUYỆN TÌNH

Deion: http://cdn.simplesite.com/i/5e/7c/282037932367707230/i282037939712117066._szw480h1280_.jpg

 

 

 

 

 

 

Hai năm trước, sáng nào hắn cũng cùng với đám bạn lê la tại quán cà phê của một cô giáo. Hắn muốn cô vui nên gọi đó là quán chứ thật ra đó là khoảnh vỉa hè của một khu chung cư bên quận tám. Một thân một mình từ miệt ngoài vào, cô mướn nhà ở đây vì giá cả phải chăng và cũng vì gần trường; thấy vỉa hè rộng rãi, cô bèn kê vài cái bàn xếp, vài cái ghế nhựa, thế là thành quán cà phê.

Quán này không nhạc, không tiếp viên nên cũng không có khách hàng trẻ. Quán chẳng có bao nhiêu khách nhưng ngày nào cũng ồn ào bởi những cái miệng lắm chuyện của nhóm khứa lão đã U70 mà vẫn hăng hái mất nết qua thái độ hăm hở vây quanh cô giáo.

Hắn mở đầu dài dòng một chút là vì một ông bạn, xưa cũng là nhà giáo nhưng đã"mất dậy"lâu lắm rồi, ông vừa tâm tình với hắn câu chuyện đời có liên quan mật thiết đến một cô giáo, nói ngắn gọn là chuyện thày cô yêu nhau. Ông gợi hắn nhớ lại là hồi xưa hắn cũng dạy học, tuy chỉ là anh sinh viên dạy kèm tư gia, có mỗi cô học trò thôi thế mà chuyện thày trò yêu nhau cũng lúc khóc lúc cười suốt 40 năm. Có lẽ vì thế mà mỗi khi nói đến học hành, thày cô, học trò là hắn rất thích tham gia bàn chuyện.

Ông nhà giáo đang trầm tư kể chuyện, ông tuy mất dậy nhưng lại được cái đẹp trai như tài tử bù lại. Cứ nhìn ông là hắn bị dẫn dắt bởi suy nghĩ rằng ông là tay ong bướm hào hoa, nhưng cứ nghe ông nói chuyện thì hắn lại bị lôi cuốn vào suy nghĩ rằng ông phải luôn chống chọi để sống trọn vẹn một đời chung thủy... Nói thế thôi, nghĩ thế thôi, nhưng là thế nào thì chỉ có Trời mới biết!

Tay cầm ly cà phê, mắt bận rộn nhìn cô giáo từng bước uyển chuyển ra vào, thế nhưng miệng ông vẫn đều đều kể:

"Sau biến cố tháng 4.75 vài năm, tôi được điều động về phụ trách ngôi trường trung học của một huyện vùng duyên hải thuộc một tỉnh miền Tây Nam bộ.

Tôi yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên khi nàng đến trình diện nhiệm sở. Quả là một cô gái xứ dừa chính hiệu; tóc dài như lá dừa, da mát như bóng dừa, dáng thon thả như cây dừa, gương mặt tinh khiết như cơm dừa, tiếng cười trong vắt như nước dừa, nói năng đơn sơ như bông dừa, tính tình mềm mại như kẹo dừa... Ví von như thế là bởi tôi đã nhiều lần ngồi giữa vườn chăm chú ngắm những cây dừa thanh tú rồi thán phục sự dẻo dai của chúng khi cứ phải ngả nghiêng trong gió giữa nền trời xanh ngắt. Quê hương nào con người nấy. Cây dừa là hình ảnh của nàng đó; vừa thanh khiết, vừa dịu dàng, vừa chịu đựng, vừa mạnh mẽ trong cuộc sống.

Chính vì ngấm đẫm sự đa dạng của cái đẹp nên cách diễn tả dù có khác nhau nhưng tôi vẫn thích cách diễn tả của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên - không nói đến cái đẹp nhục thể đầy sức sống của người ông yêu mà chỉ phác họa cái đẹp nẩy sinh từ sự thánh thiện hiền ngoan của người ấy qua hình ảnh một ma-sơ thanh khiết.

Cộng hưởng với cách nhìn của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, tôi nhận thấy rằng nàng là sự kết hợp của hai cái đẹp; cái đẹp căng tràn ma mị của xác thịt và cái đẹp e ấp khiêm nhu của gia phong nề nếp. Vì thế ông đừng ngạc nhiên khi tôi nói rằng tôi yêu nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mà nào chỉ một mình tôi, ngoài các chàng trai của nhóm văn công xã cứ từng bước thẫn thờ bên ngoài khuôn viên trường học nhưng mắt cứ đăm đăm ngó vào trường còn có mấy anh thầy giáo độc thân ngày đêm săn đón...

Trường chúng tôi xây dựng được là nhờ vào sự tài trợ của quỹ Unicef. Vì số phòng còn khiêm tốn nên tổ thiết bị đồ dùng dạy học được sắp xếp chung với văn phòng Ban Giám Hiệu. Chính đó là lý do mà nàng thường xuyên lui tới và thấy tôi đánh máy.

Tôi là kẻ may mắn, vì được làm việc chung và nhờ có vài tài lẻ nên ngày nào tôi cũng có cơ hội để chinh phục trái tim nàng. Nàng muốn tự mình làm báo cáo, làm tổng kết nhưng lại không biết đánh máy. Nhìn tôi rồi lí nhí một câu ấp úng, chưa hết câu tôi đã hiểu và lập tức tận tình hướng dẫn nàng bằng cái máy Remington cà rịch cà tang. Nàng thẹn thùng khi tôi cầm tay để giúp đặt những ngón tay đẹp nét đồng quê lên bàn phím cho đúng phương pháp. Nàng run run lúc tôi hướng dẫn mà tay lại ôm trọn bờ vai tròn trĩnh; cảm tạ đất trời, nàng im lặng trong cái liếc nhè nhẹ.

Nàng rất thích ca hát, đã từng cộng tác với đài phát thanh tỉnh nhưng cha mẹ lại hướng nàng vào sư phạm. Ra trường được phân công về huyện Thạnh Phú xa xôi; nàng dự định bỏ việc nhưng cha mẹ thuyết phục nàng xin về hẳn xã Thạnh Phong xa xôi để được gần người chị ruột, thế là nàng về ở nhờ nhà anh chị.

Căn nhà được dựng sát bìa khu rừng đước cạnh con kênh nho nhỏ. Giữa vùng kênh rạch chằng chịt những rừng mắm rừng đước miệt cửa sông ấy thì nhà hàng xóm cách nhau năm bảy chục mét, thậm chí cả trăm mét là chuyện bình thường. Trong cõi không gian bát ngát ấy; đêm đêm chỉ có tiếng dế ri, tiếng ếch nhái i uôm, tiếng chim ăn đêm kêu xao xác, tiếng thủy triều lên xuống vỗ ì oạp; thỉnh thoảng cũng nghe văng vẳng tiếng vọng cổ phát ra từ radio nhà nào đó hoặc từ chiếc xuồng nào đó đang buông câu ngoài kênh rạch.

Nàng chấp nhận ở với anh chị chỉ vì sự thuận tiện của công việc chứ những khi mưa gió trở trời làm sao mà tâm hồn mong manh ấy tránh được nỗi nhớ nhà nhớ cha nhớ mẹ. Những lúc buồn đến tan chảy ấy thì cách duy nhất khả dĩ giúp nàng bớt buồn là hát, tiếng đàn tôi đã tận tình nâng niu nàng, nâng niu một tiếng hát thân quen của đài phát thanh tỉnh.

Nhà cách trường khoảng hơn 2 cây số, đường đi là những bờ đê chỉ rộng chừng một mét. Hai bên là những cánh đồng ngô khoai thẳng tắp. Xa xa về phía trường là những rặng dừa xanh ngắt. Cả xã vùng biển này chỉ có hơn chục chiếc xe đạp cọc cạch, nhưng nàng chỉ đi bộ nên tôi và cả hai bạn nhỏ là cún con và chim sáo cũng thuộc lòng giờ đi giờ về của nàng. Cún con khi đi lạc ngoài bãi biển đã được một người dân nhặt được rồi đem tặng cho nhà tập thể giáo viên, tôi là người trực tiếp nhận nuôi rồi cho cún con cùng ăn cùng ngủ. Chim sáo lúc chưa mở mắt đã bị học trò bắt đem tặng thầy.

Giờ thì chúng đã lớn, chúng được tôi yêu thương chăm sóc nên bản năng đáp trả của chúng đã bằng cách nào đó mách bảo cho chúng biết chủ nhân muốn gì, thích gì. Vì thế các đồng nghiệp rất ngạc nhiên khi thấy sắp đến giờ tan lớp, cún con đứng chờ trước cửa lớp, chim sáo đậu trên cửa sổ phòng. Năm giờ chiều, trống tan trường khi ráng trời còn vàng rực; trên đường đê, cún con lon ton chạy trước, chim sáo bay tới bay lui dẫn đường. Hình ảnh thầy cô sóng đôi nhau về nhà anh chị là đề tài mà tối tối nhà tập thể thường mang ra trêu ghẹo tôi.

Lối đi về hàng ngày rất dễ đi vì chỉ là những đường đê tiếp nối những đường đê. Nhưng muốn theo tôi đi dự giờ ở trường khác hoặc đi thăm bạn đồng sự thì phải biết cách đi trên những cầu khỉ đầy bất trắc. Thế là tôi nắm tay dẫn nàng từng bước chầm chậm qua cầu. Cầu khỉ là loại cầu rất nhạy cảm, nói như thế là bởi chỉ cần có chút gió thổi qua hoặc tim ai đó đập mạnh thôi là cũng đã đủ để nó lung lay như muốn bật ra khỏi dòng nước.Cầu khỉ là vậy đó, nó nhạy cảm như lòng người. Có phải vì vậy mà nó luôn mãi mong manh! Đã gần nhau, chúng tôi lại được gần nhau hơn nữa vì theo lệnh trên, giáo viên cũng phải có tác phong quân đội. Ở phương diện này, thú thật là tôi cũng ngờ nghệch như các giáo viên nhưng lại hay làm "tài lanh" mà chỉ bảo nàng mọi tư thế ngắm bắn trong những chiều tập quân sự ngoài bãi biển. Những tư thế ấy đúng hay sai tôi không cần biết, điều thực sự cần biết là tôi đang bên cạnh nàng.

Một hôm, vì những sự cố không thể tiên liệu trước của ngành nghề đi biển nên anh chị không thể về nhà trong đêm như dự định khiến nàng hết sức bối rối. Để tránh nỗi sợ chỉ có một mình trong căn nhà cạnh bờ kênh dạt dào sóng vỗ, nàng rụt rè cầu cứu và tôi đã đến như một ông Bụt đời thường. Ăn tối xong chúng tôi ngồi uống trà trò chuyện, chú cún nhỏ mà đêm đêm không rời tôi nửa bước như hiểu ý chủ, nó cứ dụi đầu vào chân nàng mà ư ử không ngơi... Cứ thế, suốt đêm con chó ở giữa chúng tôi. Cái đêm kỳ cục ấy giúp chúng tôi hiểu nhau nhiều hơn. Nhưng rồi tôi nhận được lệnh chuyển về một trường ở trung tâm , hai trường mới cũ cách nhau khoảng 30 cây số đường sông. Dù không còn chung nhiệm sở, chúng tôi vẫn giữ liên lạc mật thiết.

Sự ngột ngạt xã hội càng ngày càng tăng. Quyết định vượt biên của tôi đã tình cờ xảy ra cùng lúc với việc nàng tự ý bỏ trường để trở về nhà cha mẹ tại huyện Châu Thành để phụng dưỡng cha mẹ già sống đơn chiếc. Nghe tin, tôi hủy bỏ chuyến đi để xuống tỉnh nhờ bạn bè giúp nàng được dạy học tại thị trấn huyện nhà. Tôi vui vì giúp được nàng nhưng cũng bâng khuâng vì chuyến vượt biên may mắn ấy lại không có tôi.

Giúp nàng trở lại nghề giáo nhưng riêng tôi âm thầm trở về thành phố chấp nhận là kẻ "mất dạy" để lao vào cơn lốc vượt biên. Một sai lầm khiến tôi ân hận cho tới nay, đó là tôi đeo đuổi ý định vượt biên mà giấu kín không cho nàng biết. Một câu hỏi đã lấy mất của tôi nhiều thời gian là "Đi với nàng hay ở lại với nàng?". Phút cuối cùng, định mệnh lạnh lùng trả lời rằng:"Không đi. Không ở". Số phận như trêu cợt đã buộc tôi ở lại rồi gia tăng nghiệt ngã mà đẩy tôi vào vòng tay những công việc lầm than!

Đến một ngày, hai người bạn vẫn còn dạy nơi trường cũ đến nhà thăm rồi hỏi tôi đã nhận được thiệp hồng của cố nhân chưa? Tôi nghe câu hỏi bằng lỗ tai của kẻ đang mộng du giữa hai dòng nước; nói là thế nhưng câu hỏi cũng đủ khiến tôi tạm ngừng cơn mộng du để hiểu rằng chủ nhân của vẻ rười rượi trần gian và nét e ấp thiên đàng đã vuột khỏi tầm tay! Lòng miên man tự nhủ, đã bao lần"đưa em về dưới mưa"mà nay chỉ một câu thăm hỏi thôi cũng đã cay đắng để thành"nói năng chi cũng thừa". Thôi đành thôi, sáo đã sang sông rồi. Từ nay về phương Nam để làm gì, họa chăng là để ngậm ngùi ngắm nắng chiều trải dài trên những bến sông mênh mông bóng dừa!

Rất lâu sau tôi mới biết đó là trò đùa vô ý thức của hai người bạn này.

***

Thời gian vun vút trôi.

Đã hai mươi năm kể từ lúc quen nhau tôi mới có dịp trở lại ChâuThành để thi công một công trình của tỉnh. Bất ngờ tôi biết được là nàng vẫn đơn độc và sống với mấy đứa cháu ngay tại ngôi nhà cũ. Thật khó mà diễn tả nội tâm tôi lúc này, nó rối bời với bao nhiêu là câu hỏi... Căn nhà xưa đây nhưng tôi ngại ngùng, tôi không đủ can đảm bước vào để gặp lại người xưa. Về lại thành phố, không biết đứa cháu nàng bán kẹo ngoài sạp chợ có đưa cho nàng số phone mà tôi để lại ngầm nhờ cháu chuyển giúp hay không? Một ngày, một tuần trôi qua… cuối cùng nàng đã gọi. Tôi thu xếp về gặp cố nhân ngay.

Hôm nay là buổi gặp lại đầu tiên sau nhiều năm xa cách. Tôi bồi hồi lắm. Nàng thay đổi nhiều, gầy đi, mái tóc đã có lẫn sợi bạc song gương mặt, giọng nói, tiếng cười vẫn như ngày nào. Nàng cười tươi khi nhắc về bao chuyện cũ, nụ cười ấy như muốn báo rằng nàng đã tìm thấy niềm vui trong đời sống độc thân.

Trong quán nước cạnh bờ hồ, tôi bật ra một câu hỏi mà biết rằng sẽ gây khó khăn cho cả hai:

- Sao em không lập gia đình?

- Anh, hỏi chuyện khác đi anh.

Nàng chọc thủng vòng vây liền. Tôi trở nên lúng túng không biết hỏi chuyện thế nào nữa. Nàng gỡ rối:

- Sao hôm nay anh tìm em?

Tôi trải lòng như một thằng ngốc.

- Tình yêu chúng mình khởi đầu thật đẹp, chỉ tiếc là anh đã phá hỏng tình yêu này vì có mở mà không có kết.

Nàng nín thinh như trái dừa.

Tôi tiếp tục trải lòng như một kẻ vừa ngốc vừa ngu ngơ:

- Anh ra đi mà không có lời từ biệt khiến em lỡ làng mọi việc. Anh đến đây là để xin lỗi em về tất cả và không có ý xin được em tha thứ.

Nàng vẫn im như trái dừa.

Tôi nói tiếp:

- Giờ em có điều gì trách cứ anh, xin em cứ nói.

Bây giờ nàng mới mỉm cười, nói:

- Thật không? Điều em muốn nơi anh rất dễ mà cũng rất khó, anh không cần phải trả lời ngay đâu!

Tôi hăng tiết vịt liền:

- Em nói đi.

Nàng nói chậm rãi:

- Mỗi năm đến thăm em một lần. Chỉ một lần thôi.

- Anh hứa.

Tôi vui và yên lòng ra về. Ít ra là tôi đã rũ bỏ được gánh nặng vô hình từ mấy chục năm qua. Ký ức đua nhau dồn dập ùa về. Công việc của ngày tháng cũ đã cho chúng tôi nhiều cơ hội ngụp lặn trong tình yêu nhưng tôi cố hết sức đè nén dục tâm để giữ gìn sự trong sáng. Cho đến bây giờ, dù biện luận thế nào đi nữa thì tận đáy lòng tôi vẫn luôn day dứt vì đã phá vỡ mối tình đầu của cô gái đã hết lòng tin cậy tôi. Thật may mắn, hôm nay tôi đã được tha thứ.

Đúng như nàng liệu định, dù cố gắng nhiều nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn bị lỗi nhịp trong thực thi lời hứa nhưng nàng vẫn cười bao dung như dạo nào.

Những lúc bên nhau tôi rất thèm được ôm nàng vào lòng cùng những nụ hôn lén vội như ngày xưa nhưng nàng luôn giữ khoảng cách. Một vài lần né tránh như thế khiến tôi hiểu rằng em muốn lưu giữ một tình yêu luôn vẹn tuyền khi trải lòng trước điều răn của Chúa. Tôi tự hứa sẽ cùng nàng hoàn thành nốt chặng đời còn lại trong trọn vẹn để tâm hồn chúng tôi được thanh thản an lạc.

Đã hai mươi năm giao hòa với quá khứ, giờ thì tuổi già đã chi phối tất cả. Tôi sẽ thực hiện lời hứa được bao nhiêu lâu nữa đây? Tôi không biết. Điều biết là từng đêm nối tiếp đêm, tôi được ghì chặt hình ảnh người con gái trinh nguyên ấy vào tim để cùng chìm vào giấc ngủ. "