KÝ ỨC TUỔI THƠ / P. 2- Nguyễn Hữu Trí

P2: CƠN ÁC MỘNG

Ngày đầy tháng của em (22/09/1967) Mẹ dự định tổ chức đơn giản vì Ba vắng nhà nhưng giờ chót mọi thứ đảo lộn theo trật tự riêng của nó. Người đâu không biết ào đến dựng rạp, chở theo bàn , ghế, chén, bát ..phục vụ cả nấu ăn. Thì ra Ba đã thu xếp từ trước theo cái cách tạo bất ngờ xưa giờ. Thời gian này Ba đang dự lớp tập huấn đặc biệt ngắn ngày ở Rạch Dừa, Bà Rịa, Vũng Tàu nên chỉ có thể giúp Mẹ được như thế. Ngoài những thân quyến hai bên nội ngoại còn có mấy người bạn của Ba đến dự mà tôi đều nhớ mặt do những lần theo Ba vào công sở. Tiệc kéo dài mãi đến hai giờ chiều mới dứt. Chiến trường ẩm thực để lại không nhiều do người mang đến đã mang đi. Tôi chỉ việc sắp xếp lại bàn ghế, quét nhà, đổ rác giúp Mẹ. Ai đó đi ngang nói nhỏ vào tai Mẹ: " Thằng bé ngoan quá. Tay hòm của chị sau này đó”. Tôi không sao hiểu hết ý tứ của người lớn chỉ nghĩ đó là lời khen. Nói là thuê người nấu tiệc sẽ không vất vả cho gia chủ chứ thực ra là có nhiều việc phải làm lắm, những việc không tên cứ lần lượt đến tay khiến tối đến cả người tôi mõi nhừ. Nghĩ lại thấy tức cười ghê vì đã hứa với Mẹ là được giúp Mẹ là cao cả, là vinh dự, thiêng liêng thì kể khổ làm gì cho mất cái thanh cao, phải không? Thế rồi mọi bề bộn cũng trở về với trật tự, ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng thường ngày vốn có của nó. Giờ mới chợt nhớ đến người bạn bò sát của mình, tôi huýt sáo, gọi tên tìm mọi ngóc ngách vẫn không thấy tông tích cậu đâu. Sao tôi lại bất cẩn dữ vậy? Lẽ ra phải nhốt cậu lại trong tình huống như hôm nay mới đúng. Lỡ như, nếu không thì….thật tình tôi không dám nghĩ tiếp.

Sau bữa cơm chiều vẫn không thấy cậu cuộn tròn dưới chân bàn như mọi khi. Tôi đi quanh nhà thêm vài lần nữa như trò chơi trốn tìm ..con vật vẫn bặt tăm. Thuở đó gia đình tôi sống trong khuôn khổ tam đại đồng đường như bao gia đình khác tại miền Nam, gồm ba thế hệ: Bà nội, Ba Mẹ và các con. Thẩm quyền cứ theo quy luật từ cao xuống thấp mà làm việc rất tôn ti trên dưới. Bà nội được nghỉ ở phòng trước. Ba Mẹ phía sau, còn các con trên gác. Đêm về, chương trình xem TV kết thúc mọi người lần lượt trở về chỗ của mình. Nội là người dễ ngủ nhất và ngủ rất say. Vài phút đặt lưng xuống là đã nghe tiếng ngáy đều của Nội. Mẹ đang ở cử nên giường ngủ của Mẹ khá nóng vì có vĩ than sưởi bên dưới và trời khá oi nên chiếc quạt trên tay Mẹ không ngơi nghỉ dù chiếc quạt trần vẫn đang chạy hết công suất. Một hồi sau, tôi cũng thiếp đi. Chợt có người lay mình, tôi choàng dậy nhanh như sóc. Mẹ đặt tay lên miệng ra dấu, tôi im lặng theo Mẹ xuống dưới nhà mà lòng ngổn ngang nghi vấn. Có chuyện gì đây? Kéo nhẹ màng ri đô ngăn giường ngủ sang bên, qua lớp mùng vải trắng tôi nhìn thấy hình ảnh rất quen: Con trăn gấm! Nhưng lần gặp lại này tôi không mừng mà rất lo sợ, một nỗi sợ hãi khó diễn tả chạy dài suốt sống lưng. Với thân hình đồ sộ mấy mươi ký, dài gần 4 mét không biết bằng cách nào nó cuộn tròn đứa bé sơ sinh vào lòng, cặp mắt đục lờ đờ hướng về chúng tôi. Tôi bật đèn sáng lên, vén mùng lên nóc, ngồi vào giường ra vẻ tự nhiên huýt sáo khe khẻ, gọi tên nó như mọi khi nhưng con vật bất động. Tôi kịp thời gian quan sát thì thấy em bé vẫn say ngủ, hơi thở đều trong khi vòng cuộn của thân trăn vồng lên không chạm vào người của bé một cách lạ lùng. Tôi hốt hoảng nhưng cố bình tĩnh quay người lại ra dấu cho Mẹ an tâm thì thấy Người dán mắt vào mọi cử động của con vật ( thực ra chỉ có lưỡi đưa ra rút vào), trên tay Mẹ là chiếc kéo may cỡ lớn. Sau này mới biết ý định của Mẹ dùng nó để cắt rời phần chóp đuôi, bộ phận nhạy cảm nhất của con vật khiến nó phải lập tức rời bỏ con mồi nhưng Mẹ kịp dừng lại vì quá nguy hiểm cho bé và tôi nghĩ Mẹ đã hành động đúng. Mẹ chọn gọi tôi giúp vì tôi là đứa rất tỉnh ngủ, gan dạ, lại là bạn thân của con vật. Tôi cố giữ bình tĩnh bằng cách lấy hơi sâu, nghe rõ hơi thở gấp và nhịp tim đập mạnh của cả hai mẹ con. Tôi đưa tay vuốt nhẹ đuôi con vật và kéo dần về phía cạnh giường. Bất chợt nó giật mạnh đuôi về như một hình thức tự vệ đầy cảnh giác, điều mà tôi chưa nhìn thấy trước đây. Tôi nhìn vào đôi mắt màu đục không hề chớp của con vật, cố đoán xem ý định thực sự của nó như thế nào thì Mẹ sau lưng vỗ nhẹ vào vai tôi, chỉ vào công tắc đèn. Hiểu ý Mẹ, tôi bật tắc liên tục các bóng đèn. Không gian chợt tối chợt sáng tạo nên một quang cảnh kỳ dị, ma quái vẫn không khiến con vật phản ứng. Mắt Mẹ lại hướng về chiếc radio cạnh giường. Tôi bật volume lên tăng dần âm lượng rè rè và thay đổi tần suất không ngừng…Tiếp đến chiếc TV cũng được bật sáng, màn hình tràn ngập những hạt đen trắng nhỏ li ti và âm thanh rào rào như mưa dông, sấm chớp… Từ thay đổi ánh sáng đột ngột đến biến đổi âm thanh lúc to lúc nhỏ mà con vật giống như vừa đui vừa điếc bất chấp mọi biến đổi chung quanh. Thất vọng tôi lắc đầu nhìn Mẹ. Với bản năng người làm Mẹ, Người cương quyết không đầu hàng và trở nên bình tĩnh hơn bao giờ hết. Mẹ ra dấu cho tôi đến kệ gỗ đặt trên hồ nước, tôi hiểu ngay ý của Mẹ lao đến nhặt lấy bình thủy và lon sửa bò nhưng thật không may bình thủy nước không nóng và lon sữa chỉ là cái vỏ không. Lúc này tôi thấy mắt Mẹ thất thần, cố giấu đi nỗi thất vọng thật sự. Chợt một tia sáng lóe lên trong đầu, tôi lao như bay về phía tủ lạnh, bật tung cửa tủ tìm vũ khí chiến đấu với kẻ thù…

Thuở nhỏ tôi học rất ok. Hàng tháng mang bằng khen về cho Mẹ thật đều đặn. Mẹ rất hài lòng và để thưởng công Người làm rất nhiều sữa chua (yaourt) cho tôi tùy nghi sử dụng ăn hay cho ai tùy thích khiến mấy anh em trong nhà cứ hay phân bì suốt.

Có được thau sữa chua trong tay, tôi tiếp tục đun nóng nước bằng bếp dầu. Thời gian trôi qua thật chậm, tôi nhớ lại thời khắc đó không ai bảo ai cứ phải thật nhanh và thật yên lặng, không được phát ra mọi tiếng động khiến con vật có phản ứng bất lợi. Sau đó tôi đổ sữa nóng ra đĩa lớn, đặt nhẹ xuống chân giường. Hơi sữa nóng tỏa ra khắp gian phòng nhỏ. Ít phút sau, có chút phản ứng từ con vật. Người nó gồng lên, từ từ, nhẹ nhàng từng chút một rời khỏi người bé một cách ngoạn mục và trườn người xuống giường thưởng thức đĩa sữa hết sức say sưa… Tôi hất mạnh đuôi con vật ra khỏi giường. Mẹ lao lên bế xốc em bé vào lòng trong lúc bé vẫn còn say giấc nồng. Sắc mặt của Mẹ nhợt nhạt, mồ hôi dán chặt mấy lọn tóc trên trán, trên má và thái dương trông rất thương. Con vật ăn xong, tôi kéo tuột nó nhốt vào nhà tắm với cử chỉ không mấy nhẹ nhàng. Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau sau phút giây nghẹt thở. Mẹ hỏi: " Con có sợ không?” Tôi đáp:” Không. Con chỉ lo cho em, cho Mẹ ".

Đêm hôm đó thật dài. Sáng ra nghe kể lại chuyện cả nhà trố mắt nhìn không muốn tin đó là sự thật. Bao nhiêu câu hỏi đổ dồn vào tôi. Trong phút chốc tôi nghĩ mình đã trở thành anh hùng trong mắt họ. Mẹ lại trở vào trong bỏ ngang câu chuyện để nom em bé xem con có được an toàn không. Nội từ đầu đến giờ không nói câu nào và ra chìu suy nghĩ lung lắm…

Một tuần sau Ba về. Có một buổi nói chuyện giữa Ba Mẹ và Nội. Ít hôm sau, một nhóm nhân viên 3 người mặc đồng phục có lẽ là của đội bảo vệ động vật hoang dã đến nhà mang theo gậy gộc, bao bị, lưới điện, bắt nó mang đi. Con vật chống trả kịch liệt, cất tiếng rít nghe rợn cả người. Có chứng kiến thế này mới hiểu thế nào là bản chất của loài thú hoang dã khi bản năng sinh tồn trỗi dậy. Để tránh cho con vật bị thương người ta đã phải kích điện cho con vật hung hãn ngất đi…Thoáng nhớ lại hình ảnh cả nhà xum xuê đón mừng con vật đến nhà như một món quà mừng sinh nhật đặc biệt ngày nào giờ nhìn cảnh tượng như thế lòng tôi trỗi dậy nỗi xót xa…

Bẵng đi một thời gian sau tôi hỏi Ba tình hình con vật. Ba hứa sẽ thu xếp cho cả nhà đi thăm trước Tết nguyên đán. Tôi hồi hộp, nôn nóng, đếm từng ngày. Tết năm đó (Mậu Thân, 1968) thật rối ren vì chiến sự. Ba bận trực không về nhà khiến mọi người hết sức lo âu. Một tuần sau đó Ba xuất viện với vết thương băng bó bên tai trái. Do vậy tôi không dám nhắc Ba về lời hứa hôm đó nữa. Bất ngờ hôm sau, ngày chủ nhật, Ba đưa cả nhà thăm thú cưng hoang dã. Có lẽ vì còn giận nên cả nhà không ai hưởng ứng. Chuyến đi chỉ có Ba và tôi. Nơi đến là Thảo Cầm Viên của thành phố Sài Gòn. Ba thăm thú Viện bảo tàng và hẹn gặp lại nơi đó sau một tiếng nữa. Tôi tung tăng chân sáo đến chuồng trăn. Chuồng cao, to, mái trên tạo vòng cung rất đẹp. Phía dưới có lưới nhặt bao quanh và tạo khoảng cách với khách tham quan một không gian vừa phải. Bên trong chuồng lù lù bốn khối thịt xỉn màu, cuộn tròn bất động nằm cách nhau bởi một hồ nước cạn lộ thiên ở chính giữa. Tôi quan sát thấy cả bốn con vật có lẽ độ tuổi bằng nhau, thân rất to ngang nhưng màu da cũ kỹ như nhuốm bùn chứ không sáng bóng, sặc sở như tôi nghĩ. Tôi tò mò bước đến tấm biển nhỏ nền đen, chữ trắng đặt ở chỗ dễ nhìn. Biễn ghi vắn tắt, rõ ràng: Trăn gấm nhiệt đới - Họ*…………… - 3năm tuổi – Do ông NGUYỄN HỮU ĐỨC thân tặng ngày,,,tháng,,,năm 1967.Ô! Hộ khẩu thường trú của mày đây rồi. Mày đang ở đâu? Có tiếng rít nhỏ bên tai tôi quay lại thì ra là nó đã phát hiện ra tôi dù từ đầu tôi đã không hề huýt sáo hay gọi tên. Cậu rướn cổ lên, rít liên tục, uốn éo thân mình hướng về chỗ tôi đứng như muốn được vuốt ve như dạo nào. Mấy người khách quanh đó thấy lạ cũng tò mò, chỉ trỏ nhau một lúc. Nơi đây nó không được quan tâm chu đáo như tôi đã từng chăm sóc. Tôi bất giác thèm được tắm, được cho nó ăn quá. Thật là tội nghiệp!

Ba tôi nhiều lần giục tôi về vì sắp đến giờ đóng cửa. Thôi, tao về đây. Lần sau đến sẽ cho mày vài chú vịt con cải thiện nhé!

HẾT

P/S: *Tên khoa học của loài bò sát…

·Hình ảnh mang tính chất minh họa..