P1: THÚ CƯNG HOANG DÃ
Ngày nay quan niệm về thú cưng của giới siêu giàu không chỉ gói gọn vào các con vật nhỏ bé hiền lành, thông minh, thân thiện, hay trung thành với chủ như chó, mèo, chim, chuột…mà thay vào đó là những con thú to lớn, hoang dã như cọp, beo, gấu, sư tử, tinh tinh.. được sinh hoạt chung với chủ nhân ở các xứ sở giàu có như Ả Rập, UAE hay một số các quốc gia Âu Á khác.
Ba tôi không giàu, chỉ là công chức bậc trung nhưng rất đam mê với cái thú nuôi các con vật hoang dã. Tôi còn nhớ tầm vào giữa những năm cuối của thập kỷ 60, từ chỗ ở cũ gần khu vực chợ nhỏ của phường Cầu Kho cho đến khu cư trú mới trong cộng đồng người Hoa, ngoài kinh doanh chim cút nhà tôi còn lần lượt nuôi các con vật khác như chim sáo, gà rừng, chồn hương, vượn mặt đỏ và cả trăn gấm nữa. Nói là nhà nuôi chứ thật ra ba tôi đi làm suốt, phần lớn thời gian với mẹ là tiếp xúc khách hàng may và công việc nhà, các em còn quá nhỏ. Do vậy tôi trúng tuyển vào chức danh anh nuôi và quản giáo của lũ thú rừng này.Thế nên không có gì lạ khi sở thích, khẩu vị từng lúc của chúng tôi rành sáu câu mà trong nhà không ai sánh được và cũng từ đó tôi có biệt danh TÙY VIÊN THÚ RỪNG (Ba đặt cho) coi có được không?
Nuôi chim cút thật đơn giản tôi không phải chú tâm nhiều. Chồn hương rất thích rau củ quả tươi như khoai, sắn, củ cải và khoái được phun nước tắm táp mỗi trưa và đúng như tên gọi của nó con vật có mùi thơm đặc trưng khó tả..Chồn hương được nuôi nhốt nhưng vượn mặt đỏ thì không. Vượn được cột chân bằng dây xich nhỏ vào thân cây ổi và dây đủ dài cho nó di chuyển trong khoảng cách 2 mét. Loài vật này dễ nuôi vì thích đủ loại trái cây nhưng lại sợ nước. Mỗi khi mưa xuống cậu rút hẳn vào chòi mà rên ư ử. Con vật cảnh giác với mọi cử chỉ ân cần của người lớn nhưng lại rất thân thiện với trẻ con. Với mùi cơ thể đặc trưng do sợ nước nên mọi người trong nhà chẳng mấy khi gần gũi kể cũng tội…Gà rừng là con vật nhút nhát nhất và xa lạ với con người. Chúng bỏ ăn và nhảy loạn xạ trong chuồng mỗi khi có người đến gần. Có con vỡ đầu mà chết chỉ sau mấy ngày mất tự do. Ba buộc phải chuyển chúng về vườn trại một người bạn ở Mỹ Tho để tránh thương vong. Chăm sóc chim chóc với tôi không thành vấn đề vì đã quen từ nhỏ. Riêng con vật không chân, máu lạnh thì…ừm.. phải cẩn trọng thôi. Ngày đó ước gì có internet, có Google nhỉ. Giờ thì phải cố gắng tìm hiểu thực tế thôi tuy nói là vậy nhưng tôi vẫn cứ thấp thỏm lo. Không lo sao được, thứ nhất chưa từng nuôi. Kế đó cứ nhìn thấy nó uốn éo, di chuyển là phát khiếp nói gì đến vuốt ve, vỗ về và quan trọng hơn hết là tôi chẳng có ấn tượng gì tốt đẹp với loài bò sát cả. Thế mà định mệnh xui khiến tôi phải gắn bó và có nhiều kỷ niệm với con vật này nhất. Có một lý do khiến tôi nhớ rõ ngày con vật đến nhà vào ngày 12/08/ 1965. Vì đó là món quà sinh nhật Ba tặng cho tôi nhân sinh nhật lần thứ 10. Con vật này được người bạn đồng liêu của Ba bắt được ở rừng sát Cần Giờ tặng lại cho Ba. Lúc này con vật chỉ dài non 1 mét rất háu ăn.Thân vàng óng với những đóm đen nổi bật trông rất đẹp. Thoạt đầu để làm quen tôi buộc phải vuốt ve nó, cho thân thể lạnh buốt đó quấn vào tay mình. Ới ời ơi giờ nhớ lại còn thót cả tim. Dần dà rồi cũng quen và cả hai trở thành bạn thân lúc nào không biết. Tôi nhớ cái trò chơi rất vui khi đó của cả hai là thi sức lực. Đầu tiên cho trăn quấn mấy vòng vào song sắt cửa sổ, sau đó tôi nắm lấy đuôi trăn dùng hết sức bình sinh lôi nó ra khỏi song sắt nhưng tôi luôn ảo tưởng về sức mạnh của mình, một thằng bé 10 tuổi, nên chưa bao giờ là người thắng cuộc cả. Thức ăn khoái khẩu hàng ngày của bạn là vịt con mua mão vào cuối mỗi phiên chợ chiều hay những chú chim cút bị ngộp trong chuồng. Thi thoảng cũng đổi khẩu vị cho bạn bằng những chú chuột cống vừa bẫy được. Loài bò sát này ra tay với những con mồi rất tàn độc nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi thấy rất đổi bình thường. Giờ nhớ lại sao thấy mình ác quá và cũng tàn độc không kém con vật kia. Bạn tôi không như loài vượn mặt đỏ ngược lại ưa tắm vô cùng và uống nước liên tục. Mỗi tháng trăn đều lột da thay cho mình lớp áo mới. Thời gian cả tuần ấy bạn cuộn tròn, bất động, chỉ uống nước mà không ăn và không thích ai đến gần. Sau mỗi lần thay da như thế bạn lớn lên thấy rõ. Lớp da lột và phân thải ra của bạn được tôi bán lại cho ông Tư Xây- một chủ tiệm thuốc bắc gần nhà- cũng bộn tiền và dùng làm của để dành. Sau hai năm con vật trở nên to lớn , nặng mấy mươi ký và dài độ chừng 3 - 4mét. Bạn được nuôi nhốt trên ban- công gác. Một hôm sáng ra con vật biến mất do chiều hôm trước tôi quên chốt cửa chuồng. Mọi người trong nhà không hiểu sao con vật to lớn như vậy tuồn xuống đất mà không mảy mai gây động tịnh gì. Tôi đi quanh nhà huýt sáo và không ngừng gọi tên nó "Tăng ơi, tăng à ..mày đâu rồi?”. Cái tên này được lấy từ tiếng gọi đớt đát của đứa em trai 6 tuổi khi vuốt ve con vật. Buổi trưa Ba về nghe báo lại thì lập tức lao ra bờ sông. Nhà tôi tuy ở quận Nhì của Sài Gòn nhưng cách bờ sông bến Chương Dương chưa đầy 500 mét. Nơi đây tập trung nhiều bãi tập kết cát sông, xe cẩu, ghe thuyền và những dãy nhà sàn trên sông. Khi cả nhà tỏa ra dò hỏi thì được biết tối qua có nhiều tiếng động lạ dưới sàn nhà cùng tiếng kêu oan oát của vịt gà..Tôi cố huýt sáo to hơn và gọi tên nó khản cả cổ. Thế rồi từ đống lục bình con vật nhô lên người quấn đầy cây cỏ, trườn về phía chân Ba, trèo lên tay và sau cùng là quấn quanh cổ Ba mấy vòng, đuôi còn lòng thòng dưới đất. Cứ thế Ba cõng về trong sự trầm trồ, tò mò của đám người hiếu kỳ hai bên đường khiến tôi tự hào quá vì ở tuổi đó chỉ biết nghĩ vậy thôi. Trên đường về tôi hỏi vì sao Ba biết nơi ẩn nấp của bạn, Ba mĩm cười nói trăn rất thích nước. Ra là vậy. Từ đó trở đi, Ba không nuôi nhốt nữa. Nó được phép cư trú bất cứ đâu và không có vùng cấm. Kể ra con vật cũng biết điều lắm, nó chỉ thích cuộn tròn dưới bàn khi cả nhà dùng bữa hay trốn dưới gầm đi-văng mỗi khi có khách đến chơi. Thời gian này tôi ít tốn công sức chăm sóc bạn và chuột trong nhà cũng vắng bóng hẳn. Chỉ có điều bất tiện là đêm đêm đi vệ sinh bất ngờ giật bắn mình khi dẫm phải vật trơn lạnh khi bước chân xuống giường.
Thời gian trôi đi biến mọi thứ bất thường trở nên bình thường. Bạn đã được thuần hóa, mọi người rất quen thuộc với sự hiện diện của con vật không chân…cho đến một ngày…………không thể nào quên… (còn tiếp).