LỜI TIỄN BIỆT - Vương Thế Đức

LỜI TIỄN BIỆT - vtd -

Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân…
(Bùi Giáng)
 
Đến cõi đời nầy thường được ví như là sự ghé lại, thì trước khi rời nơi đây, anh Nguyễn Văn Tuyến qua tấm ảnh nhận được với đôi mắt chất chứa nỗi buồn mênh mang, xa vắng. Đôi mắt u uẩn ấy cứ đeo đẳng theo tôi suốt những ngày tháng qua, ngay cả giây phút gõ những dòng này.
 
Những ngày cận Tết đầy ấp những bộn bề, tôi nhận được tấm ảnh của anh Tuyến kèm lời báo tin mang chút bông đùa, "Thầy Tuyến đang ngồi viện,” thay vì nằm viện. Được vài cô cậu học trò đưa đi cứu cấp nhưng vì bệnh nhân quá đông, không giường, anh ngồi trên chiếc chiếu trải trên nền lối ra vào của một bệnh viện ở Sài Gòn trong những ngày tàn niên.
 
Nhìn khuôn mặt anh vàng khướt, nhất là đôi mắt lạc lõng, xa xăm, mệt nhoài cho tôi niềm linh cảm bất an. Quả vậy, đôi ngày sau, 20-1-2017, tôi nhận được tin anh rời chốn này, chốn lao xao, ngổn ngang, lắm muộn phiền, đầy trắc ẩn… Trong tâm cảnh u hoài, thêm một lần nữa, tôi tiễn biệt một người bạn vừa rời chuyến xe đời…
 
Được biết anh Tuyến tốt nghiệp Kỹ Sư Súc Khoa Khóa 8, và Khóa II Đào Tạo Giáo Sư Đệ Nhị Cấp Ngành NLS. Hình như anh được bổ nhiệm về Trường NLS Bình Dương vào niên học 1972-1973.  Ngoài công việc của vị quan hành chánh, Tổng Giám Canh, anh dạy một số giờ chuyên môn. Tính đến thời điểm 30-4-75 thì sự nghiệp nhà giáo của anh tại Trường chỉ vỏn vẹn ba năm.
 
Ba năm phục vụ chung, hình như chỉ chào hỏi xã giao, chúng tôi chưa có dịp giao tiếp, ngay cả ngồi gần nhau trong những buổi họp của Trường. Cho đến tháng 5 năm 1975, hơn ba mươi đồng nghiệp cùng trường NLSBD vào rọ dưới cái tên mỹ miều "học tập cải tạo,” dù luôn chuyển đổi, dời trại rất nhiều phen nhưng vài bạn cùng trường, anh và tôi may mắn được dính liền nhau cùng chung tiểu đội "tù cải tạo.” Khi thì trong trại giam chật chội, mỗi người chỉ được đôi gang tay trên nền xi măng của căn nhà giam, khi thì ở góc rừng âm u vùng biên giới. Không phải chỉ 10 ngày như thông báo, kéo dài từ nhiều ngày sang nhiều tháng, rồi lại nhiều năm, gần ba năm đồng khổ nhận bản án không thời hạn đã làm chúng tôi thân thiết nhau hơn.
 
Cố nhớ lại, tôi không hình dung được nụ cười thoải mái hay giây phút tỏ bày xúc động nơi anh. Lại càng ít thấy anh trầm tư ngắm nghía đất trời, ngay cả âu sầu thở than như phần đông người cùng hoàn cảnh. Hình như anh chấp nhận số phận với sự an nhiên tự tại. Anh có nét mặt của người hiền lành, trầm lặng, ít thố lộ, ít nói về mình cũng như ít tham chuyện của người khác nên anh thường dễ bị ngộ nhận thiếu thân thiện.  Tuy không thật xông xáo nhưng anh sẵn sàng dang tay ra giúp nếu được nhờ.
 
Với khả năm chuyên môn, sau khi được cho về, anh được thu nhận làm việc tại Chi Cục Thú Y Sài Gòn, Cô học trò NLS BD có nhiều năm tháng làm việc chung với anh nhận xét, "Thầy Tuyến hiền lắm. Nếu ai cần giúp gì Thầy sẵn lòng giúp. Thầy không bon chen nên dù chuyên môn rất giỏi nhưng chỉ là một chuyên viên kỹ thuật bình thường.”
 
Quả vậy, chợ đời của thời thay ngôi đổi chủ, thời của những bất trắc, tai ương, thời của những người cơ hội, khéo xoay xở; riêng anh luôn cam phận của người bên thua cuộc, lại không quen phô trương, không biết bon chen nên anh tìm được một chỗ dung thân, để sống còn, để khỏi phải đi kinh mới đã là một kỳ công rồi.  
 
Cô em cho biết, "Thầy tốt lắm, chữa bệnh gia súc ở các nơi đôi khi được biếu ít tiền hay quà, Thầy đều chia sớt cho tụi em. Thầy ham nghiên cứu, ham đọc sách lắm! Lúc nào cũng có quyển sách chuyên khoa ngoại ngữ bên mình. Rảnh chút xíu, Thầy trầm mình với những trang sách, trong khi đó phần đông lo bon chen, hoặc tán dóc, hoặc thở than.”
 
Vâng, anh Tuyến rất hiếu học, việc anh học tự điển vẫn được vài bạn nhắc nhớ. Số là lúc ở trại tù ở Suối Máu, vết thương ở gót chân của tôi bị làm độc càng ngày càng nặng. Sợ bị tật, bị cưa, tôi nài nỉ và được anh bộ đội y tá viên của trại tốt bụng giúp. Anh lén chuyển thư của tôi cho cô em ở Biên Hòa. Đoán biết ngày được về còn xa mút cà tha nên ngoài xin gởi thuốc trụ sinh, thức ăn, tôi xin thêm quyển tự điển Anh Việt bỏ túi để "nhai” nó. Quyển ấy được xẻ hai,  anh, tôi mỗi người một nửa. Sau xẻ ba khi Lư Quang Dũng yêu cầu. Gầm đầu vào những trang giấy vô hồn ấy chỉ mục đích duy nhất mong vơi đôi chút nhớ nhung gia đình, bớt lo buồn cho tương lai mờ mịt của mình. Có lẽ điều này giúp anh Tuyến nhiều hơn cả; trong ba chúng tôi, anh cần mẫn, miệt mài nhất.
 
Chú em dân NLS BD, người đã cùng khổ trong nhóm, chú có một số năm tiếp xúc liên lạc thường xuyên với anh Tuyến vào những năm 80-90, đã nhắc anh trong sự quý trọng đặc biệt, "Anh Tuyến được đào tạo bài bản, giỏi ngoại ngữ, thích nghiên cứu, nên chuyên môn rất giỏi. Có lẽ cái dở của anh Tuyến là không chịu khoe tài dù chút ít, cho nên không được trọng dụng, bị ém tài, ngay cả bị nhiều người đánh giá thấp nhiều mặt. Vì sự ít giao tế, kiệm lời, ít giải bày ngay cả khi bị hiểu sai nên càng dễ gây ngộ nhận.” 
 
Ngay cả anh em ruột thịt đôi lúc cũng vấp vài điều buồn phiền, nhưng những năm tháng mắc cạn ấy, chúng tôi sống trọn tình, quý thương, lo cho nhau hết mực. Duy chỉ một lần duy nhất, có điều nho nhỏ không vui, nhưng anh không ỷ mình lớn tuổi hơn đã phân bày, đã nói lời phải với nhau. Khá lâu sau, anh được về trước tụi tôi đôi tháng; khi hay tin tôi về, hình như tôi là người duy nhất trong nhóm đã được anh lặn lội tìm thăm. Dịp nầy anh nhắc lại chuyện cũ dù đã lâu, đã quên với cả sự hối tiếc. Nhắc đến sự kiện này tôi chỉ muốn nêu tính tình cao quý hơn người của anh. Thường người đời vì quá thương mình, ít khi dành phần lỗi để nói lời phải với nhau. Tính tình cao đẹp, quý hiếm ấy làm tôi càng thương mến, càng cảm phục anh nhiều hơn.
 
Dòng sống đã đẩy tôi trôi xa, sau lần được anh tìm thăm năm 1978, tôi chưa bao giờ gặp lại anh; chúng tôi lạc nhau. Thỉnh thoảng gặp, hay chuyện trò với vài bạn chung ở quãng đời cũ, chúng tôi vẫn nhắc nhớ nhiều về anh. Đôi lần tôi cậy nhờ chú em trong nhóm bạn chung tìm kiếm anh nhưng không được. Hình như một quãng dài không ai biết tin tức về anh hay có lẽ tôi không nhờ đúng người. Mãi đến gần đây, tôi biết tin anh, nhìn được vài hình ảnh của anh xuất hiện đó đây.
 
Trong một chuyến về thăm quê nhà, cô em NLSBD được nhắc trên gặp anh Tuyến, chợt nhớ khi tiếp xúc với tôi thường nghe tôi nhắc về anh Tuyến, cô gọi tôi rồi đưa cho anh nói chuyện. Sau tiếng vài tiếng "hello," bỗng ngưng bặt. Tôi gọi lại nhưng không được, khi gọi được mới được biết ngay lúc ấy điện thoại hết pin, lúc ấy anh đã đi rồi.
 
Cứ tưởng ngày dài, tháng rộng vẫn chờ ta, tôi nhẫn nha yên tâm với tin tức về cuộc sống của anh tạm ổn thỏa, dù không mấy thuận lợi như những người khéo xoay xở, đắc thời. Trong tâm vẫn nghĩ sẽ có một ngày đẹp trời, tôi sẽ về thăm chốn cũ, sẽ tìm thăm anh, nhưng nay thì ngày về thêm xa xăm, việc tìm thăm anh không còn cần thiết nữa.
 
Anh Tuyến ơi! Gõ những dòng này tôi nghe thật nhớ anh, nhớ những năm tháng mịt mù, vô vọng của bọn mình. Nếu những gì phải trải qua, muộn phiền hay đau khổ thì xem như anh, tôi và nhiều người cùng thế hệ chúng ta, khi ghé lại cuộc đời này, trong xui xẻo, bọn mình đã chọn lầm nơi, lầm chỗ, tai hại hơn đã đáp lầm chuyến xe đời, bị cuốn trôi vào hành trình đời người khá nhiều gập ghềnh. Và hôm nay, chốn này, trên sân ga, ở bến đời lao xao bộn bề, lắm muộn phiền, tấp nập người đến, kẻ rời; tôi và những người có duyên may được biết anh, lâu dài hay ngắn ngủi, xin đốt nén hương lòng, vẫy tay tiễn đưa anh. Tôi không chắc có "Cõi Miên Viễn” để anh sớm tìm về, nhưng tôi tin và nguyện cầu ở một "Cõi Khác” anh sẽ tìm cho mình cõi tịnh độ đời đời, yên bình hơn. 
 
vtd
(Trích Đặc San NLSBD)
 
Thầy Tuyến được quý cô cậu học trò đưa đến Bệnh Viện 115 cấp cứu vào ngày 15-01-2017
Từ trái: Chị Trần Thị Tuyết - NLS Định Tường, Thầy Nguyễn Văn Tuyến, Chị Ngọc Huệ - NLS Tây Ninh, Anh Nguyễn Hữu Trí - NLS Bình Dương