MÙA HÈ CỦA TÔI - Nguyễn Hữu Trí

MÙA HÈ CỦA TÔI.

Hè đến, cảnh quang trường thật hiu quạnh. Trời vào chiều gió ngông nghênh thổi tung những lá bàng khô khốc. Phượng nở đầy hoa rơi rụng đỏ cả sân trường. Không còn ai nhặt lên, hôn vội, nâng niu cùng thả hồn vào những mơ mộng. Cảnh vật như chìm đắm trong nỗi ưu tư với sự phụ họa của tiếng ve cất lên mỗi hè về.

Tôi bước đi từng bước chậm như sợ vỡ tan nền quá khứ. Gió mơn man bên tai khẻ gọi hồn ký ức. Kỷ niệm xưa bỗng chốc tràn về như thác lũ. Từng khuôn mặt thân quen của đồng nghiệp, học trò với bao tình huống vui có, buồn có hay hờn giận vu vơ. Và trong những hình ảnh thoáng lướt qua trong tâm trí tôi chợt nhận ra bóng một thầy giáo trẻ chập chững bước vào nghề…

Ngày ấy, tôi ra trường nhận công tác (tháng 11/1975). Nơi tôi đến là vùng hải đảo gồm một khu trung tâm và chín cồn (cù lao) lớn nhỏ với nhiều di tích chiến tranh còn sót lại. Đây, bãi tập kết vũ khí của đoàn tàu không số theo hải trình đường Hồ Chí Minh trên biển (cảng Khâu Băng). Kia, ngôi mộ chôn xác 21 người già, trẻ, gái, trai bị bom vùi năm 69 (Hồ Cỏ). Và nơi tôi tò mò dừng lại xem ngôi nhà 3 gian trên nền nhà cao kiều với đầy vết đạn lỗ chỗ, nền nhà bị cày xới ..xưa kia từng là tư gia của vị tướng quân khu 1 quân lực VNCH. Xã Thạnh Phong được mệnh danh là vùng đất tận cùng của tỉnh với bao tên gọi nghe vui tai: Nào là Cồn Chim, Cồn Bững, Cồn Mít, Cồn Lớn, Cồn Điệp, Cồn Rừng. Rồi thì Bồn Bồn, Hồ Cỏ, Giồng Dài, Khâu Băng...Hồi nẫm đã có hẳn một bài hát ngợi ca về chúng. Và chính quyền đã yêu cầu mỗi nơi như thế phải mọc lên một điểm trường. Thời chiến tranh trường lớp được dựng tạm rất sơ sài và thưa thớt. Thường thì trẻ em được dạy trong hầm trú ẩn tránh bom hay các vựa thóc lúc ban tối hay bất cứ đâu tùy theo thời tiết, mùa nàng, đạn pháo. Nay với phương châm "Nơi đâu khó, có thanh niên” chúng tôi buộc phải làm tất. Vào rừng đốn cây, xẻo lá, lội sình, ăn cơm vắt, uống nước sông ...là chuyện thường tình ở huyện. Phải mất nhiều ngày chủ nhật không được nghỉ ngơi để hoàn thành chỉ tiêu của xã.

Thật tình cờ trên cử ba người chúng tôi về chung một điểm trường. Mỗi người đến từ một vùng miền khác nhau Nam, Trung, Bắc (*). Cũng có vài bất đồng lúc đầu nhưng rồi cũng nhanh chóng qua đi. Thoạt đầu chúng tôi được nghỉ tạm nhà dân- nhà Bà Năm- song nhà lại có những ba cô gái tuổi vừa cặp kê vô cùng xinh đẹp nên để tránh điều dị nghị chúng tôi quyết định ra riêng sau nửa năm tá túc. Hơn một tháng vào rừng đốn cây, chặt lá...căn nhà lá 2 gian đã hình thành, đường hoàng tọa lạc trên đồi cát nỏng, đối diện trường và nghĩa trang liệt sĩ đầy những hàng dương. Phải nói công trình nhà tình nghĩa này không thể thiếu công sức đóng góp của đám học trò không hề nhỏ. Nhìn những giọt mồ hôi trên trán với vẻ mặt, quần áo lem luốc bùn của lũ học trò thấy thương làm sao!

Hè đến, chúng tôi không vội về nhà như những thầy cô khác mà ở lại phụ đạo cho các em sức học chưa khá khiến phụ huynh rất vui. Thầy trò ở quê thường cách nhau chỉ vài tuổi nên rất dễ hòa đồng. Chúng tôi cùng chia sẻ trong việc đuổi bắt chuột trên những cánh đồng sau mùa gặt, cùng tát đìa bắt tôm, cưỡi trâu vượt sông lớn, vào những sáng tinh sương ra ven biển cào bắt cua bằng cây xệp ghép hình đôi đũa ép chéo vào hông nhưng vui nhất là đêm đêm theo phụ huynh lên ghe tàu đi câu mực...thật mệt vì say sóng mà vui.

Một lần khác ( tháng 12/1977), chúng tôi được yêu cầu đi điều tra dân số. Vì Thạnh Phong (**) là nơi biển đảo sau thời gian dài chiến tranh nên việc quản lý dân cư có phần không chặt chẽ. Hơn một ngày rong rủi chúng tôi chỉ thấy đồng không mông quạnh, vườn không nhà trống, không một bóng người từ làng trên xóm dưới. Hỏi ra mới biết, mọi người vào mùa thu hoạch biển. Bơi qua vài cái xẻo, băng ngang mấy cồn cát chúng tôi kịp đến cảng với gia đình các ngư dân. Biển về đêm thật vắng lặng chỉ nghe tiếng sóng vỗ vào bờ cùng tiếng nói cười đứt quảng của phụ nữ, trẻ con lúc đợi thuyền. Chừng hai giờ sáng cả vùng biển nhộn nhịp hẳn lên, từ xa cả đoàn tàu lớn nhỏ hàng trăm chiếc tranh nhau đổ vào bờ. Mọi người túa ra kéo lưới lên bờ nhanh tay nhặt nhạnh. Chúng tôi cũng ập vào phụ một thể. Hàng nhiều chục con cua biển to lớn, xanh rì thoát khỏi lưới lẫn nhanh vào đám rau muống biển mọc dày trên bờ cát . Tôi nhanh chân đuổi theo bắt lại cho vào thúng lớn. Cuối buổi thu hoạch, chủ ghe cười nói :” Chúng tôi chỉ nhặt tôm, các thứ còn lại là của thầy giáo..” Tôi quá đổi ngạc nhiên và kịp cảm nhận được nguồn tôm cá sau ngày im tiếng súng của miền Nam là vô cùng phong phú cũng như tính hào sảng, tốt bụng của người dân nơi đây. Đêm nay nồi cháo của chúng tôi thật đậm đà hương vị với mực ống và cua.

Vào những tháng mùa gió chướng cuối năm âm lịch là dân đi thu hoạch nghêu từ các trại hợp tác xã nuôi nghêu ven biển. Học trò mang nghêu đến biếu thầy, mỗi em một bao cát chỉ xanh loại 20 kí mà lớp có từ 30-40 em. Chế biến kiểu gì cũng không ăn hết, cuối cùng chúng tôi dùng chúng (nghêu luộc) như món dessert cùng muối tiêu chanh hay xã ớt. Một thời gian sau vỏ nghêu ốp trắng xóa quanh sân nhà như một điểm nhấn trên tranh vẽ.

Nhiều năm trôi qua, bạn bè lần lượt ra đi theo mỗi cách khác nhau. Người vượt biển thành công, kẻ bị giam cầm thật oan uổng khi vừa đặt chân lên đất khách (***). Đám học trò xa quê lên tỉnh, huyện học. Tôi chuyển về một ngôi trường mới đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Trường do quỹ UNICEF tài trợ, nhiều phòng ốc. Mọi thứ rất tiện nghi, bàn ghế, bảng đen sáng bóng, hàng loạt cửa sổ lắp kính trong veo. Sân trường rộng rãi với những hàng cây, ghế đá...Nhưng sao trong tôi thấy chút lạc lỏng với môi trường xanh, sạch này. Những tà áo dài thướt tha của các cô gái, các đôi giày sáng bóng của các chàng trai không sao thân thuộc bằng chiếc áo bà ba đen hay các chiếc dép nhựa tổ ong dạo nào. Cả tiếng chuông reng cũng không rộn rã như tiếng trống trường giờ tan học. Gần mười năm bôn ba ở Thạnh Phong, Thạnh Phú, tôi có những 1001 chuyện yêu thương để kể và có lẽ kể đến suốt đời vẫn chưa hết được. Thôi thì chỉ còn biết nói "giấy ngắn, tình dài” vậy. Có điều địa danh trên luôn vẫn là nơi đầy yêu thương, ngọt ngào của tôi mỗi khi nhắc đến…

Phải mất một thời gian dài để tôi làm quen với cái mới và cất đi những hoài niệm cũ trong một ngăn nào đó của cái gọi là ký ức tuổi vào đời. Những thăng trầm trong chuổi ngày tháng trên bục giảng khi xưa cứ từng lúc trỗi dậy trong tôi cứ ngỡ như ngày hôm qua. Nhiều lần tôi tự hỏi không biết các bạn đồng môn thời ấy ra trường như thế nào, có may mắn, an yên đến tuổi về hưu? Riêng tôi đã không đi hết con đường giáo dục dù rất yêu thích nó. Với tôi những khó khăn, bất cập thậm chí có lúc bị hiểu lầm khi đó được ví như thi vị cuộc đời giúp tâm hồn bay bổng mỗi khi hồi tưởng lại. Tôi luôn hãnh diện vì đã có thời gian dù không dài đứng trên bục giảng, chia sẻ hết mình với đồng nghiệp, học trò đáng yêu. Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả và tất cả trong đó có mái trường sư phạm, những con người thân quen cùng mãnh đất đã từng đặt chân đến…

                                                                                                                NGUYỄN HỮU TRÍ

P/S : (*) Trần Quang Định, người Hà Nội, L11, K13./  Trương Quang Trung, người Quảng Ngãi, L11, k13./ Nguyễn Hữu Trí, người Sài Gòn, L12, K13.

(**) Xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre.

(***) Đặng Việt Hùng, L18, K12. định cư USA.

Nguyễn Hữu Đức, Hoàng Trọng Cường L12, K13 bị bắt giam 6 năm tù từ tháng 3/1976 tại Thạnh Phú & Bến Tre.