Nhập Gia Tuỳ Tục ở Mỹ - Hàn Hoài Nguyên -

Hàn Hoài Nguyên
Chuyện vui hội nhập đời sống mới: Nhập Gia Tuỳ Tục ở Mỹ
Mở dòng…
Thú thật khi học đệ Thất và Lục tại Trung học Đặng Đức Tuấn tui sợ nhất môn Anh Văn. Vì các Sư Huynh (frère) và Cha Dòng (père) lên lớp kỹ lắm, nên có không thích, muốn hay không thì cũng phải học chứ không sẽ bị ăn roi điện và bị tra tấn khủng. Nhưng vì bị tra tấn hơi kỹ nên nhờ vậy bộ não cũng ghi đậm được vài gram ngữ vựng và văn phạm làm vốn khi qua Mỹ ì ạch làm lại cuộc đời mới. Khổ thật, mang tiếng học 6 năm Anh ngữ nhưng khi đến Mỹ, nói và nghe tiếng Anh như vịt nghe sấm. Nói chuyện tiếng Anh mỏi cả tay lẫn chân. Mỏi tay là chuyện thường vì hạn chế ngữ vựng nên diễn đạt chuyện gì phải múa máy lung tung, nhưng mỏi chân là năng khiếu phát triển tự nhiên và phải ứng biến vì nhu cầu. Vì khi muốn hỏi một câu mà người đối diện không hiểu thì phải chạy đi hỏi người khác. Thế mới thấy cái hay của tàn tích và cao siêu sau 6 năm luyện Anh ngữ. Nhưng nhờ trời thương rồi đâu cũng vào đấy cho đến một ngày.
Tui nhớ hoài một ngày…
Khoảng giữa những năm 1980, tui bắt đầu an cư và lạc nghiệp ở San Diego, nam California. Vài tháng sau khi bắt đầu đi làm, một ngày đẹp trời một trưởng nhóm người Mỹ mời dự "party” tại nhà hắn. Úi trời, lần đầu được mời dự party theo kiểu người Mỹ. Quan trọng lắm vì có cả vài bạn đồng nghiệp trong nhóm và luôn cả xếp lớn. Vì cái lu ngữ vựng khiêm tốn, hơn nữa tui tánh hay hà tiện lời nên rất kín đáo không muốn hỏi nhiều về buổi tiệc sợ lòi cái đuôi cù lần và cũng vì tự ái dân tộc quá lớn.
Thế là tui bắt đầu liên tưởng suy diễn đến nội dung một bài đọc trong một cuốn "English for Today”. Tui nhớ bài đọc có minh họa câu chuyện vài gia đình đến dự tiệc Giáng Sinh cuối năm. Có lẽ vì ám ảnh cái trịnh trọng của những nhân vật đã tham dự trong buổi tiệc hay "party” gì đó trong bài đọc nên cả tuần tui đầu tư tâm trí suy nghĩ để chuẩn bị lên quần áo và tinh thần trịnh trọng theo kiểu nhà quê lên tỉnh lần đầu.
Sáng thứ Bảy đó tui mất nguyên buổi sáng, chuẩn bị bộ đồ vía để đi dự "party”. Thêm nữa, đi tới lui trong phòng lẩm nhẩm một mình ôn lại những câu chào hỏi trong cuốn Một "English for Today”. Nhớ câu nào xào câu đó. Thằng bạn thuê phòng chung nhà khúc khích cười khi nó thấy tui đi tới lui lẩm bẩm một mình tưởng tui đang chuẩn bị diễn tuồng cho một vở kịch "Một Vì Sao Lạ" của đoàn Dạ Lý Hương bằng tiếng Anh.
Vì muốn tạo ấn tượng nên tui đủng đỉnh là người đến sớm nhất. John, người chủ tiệc chào tui trong bộ quần ngắn áo thun, rồi đảo mắt nhìn tui từ đầu đến chân làm như tui là người ở hành tinh khác rồi bỏ nhỏ một câu, "Coi bộ bạn có việc khác quan trọng sau khi tiệc này hả?” Tui bắt đầu thấy hớ nên cười trả lời gượng gạo đánh trống lãng. Trời tháng Mười ở San Diego lúc đó mát nhưng cái bộ áo trật đường rầy tui đang mặc làm tui thấy nóng nực lạ. Đang lúng túng tìm đường giải vây thì may thay, vài phút sau, John kéo tui tới bàn ping pong để giết thời gian. Thế là nhanh hơn chớp, tui lấy cớ cởi áo veston, và tháo luôn cái cravate. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười mỗi khi tưởng tượng lại cảnh HN chơi ping pong trong bộ áo chemise tay dài, quần tây ủi thẳng ly trong đôi giày da chói mặt trời. Chơi ping pong với quần áo giày dép lên khuôn kiểu này thì chỉ có đóng film, hoặc đo bàn hay lượm banh trường kỳ. Chỉ sau hơn 15 phút cố gắng chặt chém để trổ nghề tạo ấn tượng nên mồ hôi ướt cả áo trắng. Khổ thiệc, vì đầu óc bị phân tán suy nghĩ tìm cách thoát ly bộ áo quần và thêm phần thiếu chuẩn bị và đề phòng nên tui lượm banh nhiều hơn đánh.
Gần một giờ sau mọi người, luôn cả xếp lớn, đều đến đầy đủ trong áo thun, quần ngắn, và giày thể thao rất thoải mái, ngoại trừ tui. Thế là tui biết ý từ từ xếp lui chuyển từ người đánh bóng bàn sang cổ động viên một cách im lặng để không bị chú ý. Chưa bao giờ tui thấy tay và chân thừa thãi lạ lùng. Cũng may có một đồng nghiệp người Việt, anh Giao, nhập cư từ 1975 đã có kinh nghiệm nên hiểu và thông cảm cái lúng túng sử sách của tui.
Baì học Từ đó về sau..
Sau kinh nghiệm đau thương đó, tui sực nhớ câu "Nhập gia tuỳ tục” và tui thề bỏ đi cái vỏ bọc tự ái dân tộc. Có ai mời đình đám lớn nhỏ mặc kệ cứ thật thà hỏi trước. Đừng tự suy diễn. Trong lúc va chạm những nền văn hóa khác mình không quen, đôi khi những cái suy diễn hay gật đầu tréo cẳng ngỗng sẽ làm cho chúng ta lúng túng một cách không cần thiết.
Sau vài chục năm nhăn li trên trán, tui mới kiêm nghiệm thêm, chữ party, trong nếp sống của người Mỹ nói riêng có nhiều tình huống khác nhau khó mà dịch và hiểu cho chính xác trong tiếng Việt. Chỉ có những trải nghiệm cá nhân hay hướng dẫn của người đã từng trải mới giải thích được.
Người Mỹ rất thực tế và đơn giản trong sinh hoạt đời thường, họ không cười vì mình không biết. Họ sẽ giúp bạn hiểu những gì bạn không biết hay chưa biết đến. Điều chắc chắn họ sẽ cười nếu bạn nói là mình biết nhưng thực ra bạn chưa biết gì hết.