Nhớ Thầy Điện - Vương Ngọc Long

Nhớ Thầy Điện

Vương Ngọc Long

     Chưa có dịp để tìm hiểu hết tiểu sử của Thầy, chỉ vài dòng cóp nhặt đó đây ...

     Thầy là một trong số ít người học ngành Thú Y tại Pháp lúc thời Pháp thuộc, nghe mọi người kể thầy là cây đa cây đề trong việc xây dựng nên ngành thú y, ngành nông lâm súc ở Miền Nam. Lúc mình chưa ra đời thì thầy đã gầy dựng nên trường Nông Lâm Súc , tiền thân của trường Đại học Nông Lâm bây giờ.

     Trích lục từ một số thông tin..

     " Năm 1963, Giáo sư, Bác sĩ thú y Đặng Quan Điện, Giám đốc Nha học vụ Nông Lâm Súc (NLS), người khai sinh ra ngành trung học NLS tại miền Nam thời bấy giờ. Ông là người đổi tên trường quốc gia Nông Lâm Mục B’Lao thành trường Trung học NLS Bảo Lộc trực thuộc nha học vụ NLS."

     Do Chiến tranh, nên trường dời về Sài Gòn và trong lúc chờ đợi có trụ sở chính thức tại Sài Gòn, Trường phải mượn các giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm của Đại học Dược Khoa, Đại học Khoa học, Nha Khảo cứu Nông Nghiệp, Nha học vụ Nông Lâm Súc, Viện Quốc gia Vi trùng và Bệnh lý gia súc, Viện Pasteur Sài Gòn và Thảo Cầm Viên. Đến năm 1964 Trường có trụ sở tại số 14 và 45 Đại lộ Cường Để Quận Nhất Sài Gòn nay là đường Đinh Tiên Hoàng.

     "Ngay từ khi dời về Sài Gòn, giáo sư Đặng Quan Điện đã nhanh chóng tìm địa điểm xây dựng Trường tại Thủ Đức cạnh Trường Đại Học Khoa học và Đại học Sư Phạm tại Thủ Đức với diện tích 118 ha toạ lạc tại hai xã Tăng Nhơn Phú, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định và xã Đông Hoà - quận Dĩ An tỉnh Biên Hoà."

     (Như vậy, Thầy Điện là người xây dựng nên ý tưởng cho ngôi trường Nông Lâm bây giờ.)

     " Cơ sở Đại học Nông Lâm ngày nay tại Thủ Đức được thiết kế bởi kiến trúc sư tài hoa Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên La Mã, người đã thiết kế Dinh Thống Nhất và nhiều công trình kiến trúc tráng lệ tại Việt Nam. Toà nhà Phượng Vỹ Đại Sảnh – Flamboyant Hall, các khu cư xá sinh viên và câu lạc bộ sinh viên hoàn thành vào ngày 31.12.1973 . Mặt tiền của tòa nhà Phượng Vỹ thiết kế theo những đường nét của chữ Nông (Hán tự) với ý nghĩa luôn nhắc nhở chúng ta "Vụ Nông Vi Bản" (lấy nông nghiệp làm gốc). Khi bắt đầu được thành lập Trường có bốn thành viên sáng lập đóng góp nhiều công sức để Trường càng ngày thêm phát triển được gọi là Tứ trụ của Trường là bác sĩ Vũ Ngọc Tân, giáo sư Lê Văn Ký, giáo sư Đặng Quan Điện, và giáo sư Bùi Huy Thục. "

Những kỹ niệm với Thầy Điện

    Thầy là người thầy cực kỳ nghiêm khắc nhưng cũng hết sức bênh vực học trò. Ai được thầy nhận làm đề tài tốt nghiệp với Thầy thì luôn chuẩn bị tinh thần để được Thầy "dũa te tua, đến nơi đến chốn" (có cô sinh viên bị thầy la sợ quá nên xỉu luôn lúc báo cáo thử). Thầy có những đặc điểm cũng lạ là mình chưa thấy thầy bỏ áo trong quần bao giờ và rất thích ăn khế (Thầy luôn đem cơm theo ăn lúc trưa tại khoa và lúc nào sau bửa ăn là thầy tráng miệng với khế). Mình không là học trò ruột của thầy nhưng được làm đề tài với thầy và nhiều lần được thầy dặn dò riêng và là những bài học "khắc cốt ghi tâm".

     Nhớ chuyện thầy dặn dò lúc báo cáo tốt nghiệp giờ mới kể. Mình làm báo cáo đề tài bò sữa. Trước khi ra báo cáo, thầy dặn là ngồi hội đồng có Thầy Lưu Trọng Hiếu, thế nào Thầy Hiếu cũng hỏi "về sốt sữa (Milk fever) và hỏi sốt sữa mà tại sao không sốt" nên khi báo cáo đừng nói về sốt sữa mà phải chừa câu đó cho thầy Hiếu hỏi nhưng phải lo chuẩn bị cho kỹ. Và đúng vậy, khi báo cáo thầy Hiếu hỏi, mình trả lời ro ro...

Vương Ngọc Long

(Chôm tấm hình quý của Trung Tin Than)


Thầy Đặng Quan Điện


Ngồi: Thầy Đặng Quan Điện - Giám Đốc Nha Học Vụ NLS.

Đứng: 1: Thầy Lưu Trọng Hiếu - K1 CĐNLS;

2: Thầy Nguyễn Văn Hạnh - K2 CĐNLS

3: Anh Phan Ngọc Châu - K1 Quốc Gia Nông Lâm Mục B`Lao.

4: Thầy Nguyễn Tấn Phúc - K2 Quốc Gia Nông Lâm Mục B`Lao