Quán Cơm Xã Hội Chợ Búng - Lư Thanh Sơn -

Quán Cơm Xã Hội Chợ Búng

Thanh Sơn

http://nlsbinhduong.com/images/stories/2017/DacSan/QuanComXaHoi.JPG

 

      Nói đến thời học trò áo nâu Xứ Búng mà không nhắc đến Quán Cơm Xã Hội tại chợ Búng, tôi nghĩ đó là một thiếu sót lớn. Tôi đã đọc bài viết của anh Hai Râu tựa đề "Chén Cơm Tình Nghĩa” nhắc về Quán Cơm Xã Hội trên Trang Nhà của bọn mình. Nay tôi xin chia sẻ với những người bạn áo nâu của tôi cũng với đề tài đó nhưng với góc nhìn và chút suy nghĩ khác của tôi.

 

    Bước vào Trường năm lớp 10 ban Mục Súc, bắt đầu vào niên khóa 1972-1973, tôi là dân thành phố đến từ Sài Gòn nên có nhiều điều xa lạ và bỡ ngỡ với tôi. Từ màu áo nâu khoác trên người đến các môn học chuyên môn về ngành mình chọn, ngôi trường và khung cảnh yên tịnh của vùng quê khác với sự ồn ào náo nhiệt tấp nập người và xe cộ của Sài Gòn, cho tôi thấy rõ ràng sự khác biệt của hai nơi chốn. Nhưng điểm nổi bật rõ nét nhất mà tôi phải làm quen ngay từ những ngày đầu đặt chân đến trường là tìm nơi giải quyết cho bao tử, đó là Quán Cơm Xã Hội tại chợ Búng.

 

    Như trong bài viết của anh Hai Râu, đúng là gạo lứt được Bộ Xã Hội cung cấp. Quán chỉ nấu và tính tiền thức ăn nên giá phải trả cho một phần cơm rất rẻ, thích hợp vô cùng cho giới học sinh hay bất cứ khách vãng lai hay cơ nhỡ nào muốn no bụng mà không phải tốn nhiều tiền cho một bữa ăn.

 

    Ngày đầu tiên bước chân vào quán cho tôi một vài nhận xét: quán cơm nằm đối diện chợ Búng sát bên con lạch nhỏ chạy dọc theo quốc lộ 13. Thực khách bước vào quán đúng giờ cơm trưa, khoảng 12 đến 1 giờ trưa, tự lấy dĩa và đến nồi lấy cơm cho mình. Cơm có thể lấy tùy theo sức ăn của mình, độ chừng 3 chén hay 4 chén nếu bạn mạnh ăn, để cơm trên bàn mình chọn tự cho mình hay cho nhóm, sau đó đến trả tiền mua đồ ăn. Thường thì giá chỉ vào khoảng 30 đồng thời gian năm 1972 - nếu tôi nhớ không lầm, các bạn áo nâu nào từng ăn cơm ở quán này nhớ phụ tôi. Thức ăn có 3 món: canh, xào và đồ mặn, thường lập đi lập lại, nhưng tôi nhớ thường xuyên là món cá Nục kho khóm và canh bí rợ hay rau muống và cà chua, hoặc su xào… cộng thêm ly trà đá. Đối với bọn tôi như vậy quả là thần tiên!

 

    Nếu bạn hỏi cảm giác của tôi khi thưởng thức bữa cơm Xã Hội đầu tiên trong đời như  thế nào?

    Xin thưa như vầy: "Buồn và không ngon miệng!”

    Thật vậy, làm sao ngon được, khi ở nhà bao năm nay chỉ ăn toàn cơm gạo trắng, nay ăn cơm gạo lứt, cái màu gạo và mùi nó làm sao đó! Làm sao vui được khi ngồi ăn không phải là bữa cơm gia đình có đông đủ ba mẹ, anh chị em thì ăn chỉ để mà ăn, ăn cho có ăn, cho no bụng để không bị đói vậy thôi. Khi ngồi ăn nhìn khung cảnh chung quanh, đám bạn áo nâu ồn ào vui vẻ cười nói huyên thuyên, tôi ngồi ăn nhìn dòng nước sông lặng lờ chảy mà cảm thấy lạc lõng, bơ vơ!

 

    Ngày tháng dần trôi, một niên học qua đi, Quán Cơm Xã Hội không còn là một nơi chốn lạ lùng với tôi nữa, mà là một chỗ quen thuộc vì ngày hai bữa tôi là một trong những khách thân quen của quán cơm này. Mùi gạo lứt không còn là mùi vị lạ nữa, cái không khí trong quán cơm không còn là không khí tẻ nhạt buồn bã như ngày đầu mà là nơi gặp gỡ của anh em, của bạn cùng lớp, cùng trường. Tuổi đi học ăn cơm Xã Hội là phải rồi, đâu phải con nhà giàu mà đòi ăn cơm phần nơi những quán ăn khác, tiết kiệm cho ba mẹ đồng nào hay đồng đó chớ!

 

    Quân trường có cơm nhà bàn hay phạm điếm thì đám áo nâu chúng tôi có quán cơm Xã Hội. Đời lính sau 3 tháng quân trường với cơm nhà bàn thì ra xông pha nơi trận mạc; chúng tôi đám học trò áo nâu sau 3 năm ăn cơm Xã Hội sẽ ra đâu, về đâu? Làm nên vương tướng gì chưa biết nhưng đó cũng là nhà bàn, là phạm điếm của chúng tôi!

 

    Thêm một nhận xét nữa là suốt 3 năm đó tôi chưa hề thấy bóng dáng một nữ sinh nào dù áo trắng hay áo nâu (trường Trịnh Hoài Đức hay NLS BD) bước chân vào quán cơm Xã Hội. Cũng không có bóng dáng của một Thầy Cô nào hoặc một bạn trai áo trắng (THĐ) nào bước chân vào quán. Có bạn nào đã từng ăn cơm Xã Hội có chung một nhận xét với tôi về điểm này không?

 

    Đến năm kế tiếp, tức niên khoá 1973-1974, vì ngày càng nhiều áo nâu đến ăn cơm, có nhiều bạn lấy cơm nhiều hơn sức ăn của mình vì thế đã bỏ phần cơm dư lại sau khi ăn xong. Tình trạng này cũng giống như ngày nay nơi hải ngoại khi đi ăn Buffet, nhiều thực khách khi lấy thức ăn thì cố lấy cho thật nhiều nhưng không ăn hết tạo sự lãng phí đáng trách. Việc này làm cho các bạn đến sau không có cơm ăn. Quán không thể nào gom cơm thừa dọn ra cho kẻ đến sau. Vì thế, vào một ngày đẹp trời khi đến quán, khách hàng áo nâu chúng tôi gặp ngay một sự thay đổi lớn: Cơm không được lấy tự do như trước nữa. Chị lớn, con bà chủ quán, đứng ra xới cơm cho từng đứa, mỗi dĩa chỉ độ chừng gần 3 chén. Dù bạn có sức ăn thêm cũng đành chịu thôi. Vừa xới cơm đưa cho chúng tôi chị vừa giải thích: "Phải làm như vầy để tránh tình trạng ăn chỉ hai phần mà cơm lấy tới ba, bốn phần, những người tới sau không có cơm ăn!” Tôi thấy quán cơm đi đến quyết định đó cũng đúng thôi, nguyên do cũng vì một số bạn vô ý thức mà ra.

 

      Ăn cơm Xã Hội bạn phải cố gắng đến đúng trong khoảng thời gian quán mở cửa, nếu đến trễ quá sẽ không còn cơm. Đó sẽ là vấn đề lớn với chúng tôi vì sang quán bán cơm phần gần đó mà ăn thì quá đắt. Chỉ còn cách tạt sang xe bánh mì ở chợ Búng mua một ổ mà gặm. Tiền có rẻ hơn đôi chút nhưng "cơm tay cầm” sao bằng 3 chén cơm gạo lứt?

 

     Một kỷ niệm nhỏ có liên quan giữa việc học với Quán Cơm Xã Hội là như thế này: Tôi không nhớ rõ hôm đó đang học với một Thầy nào đó; đến giờ nghỉ trưa chuông trường đã reo nhưng bài thì Thầy vẫn giảng. Lũ học trò nhấp nha nhấp nhỏm chỉ muốn dọt lẹ mà sao Thầy vẫn chưa chịu ngưng cho lớp ra về. Hai phút, rồi năm phút trôi qua, lời Thầy giảng đâu còn lọt vào tai đứa nào nữa. Làm sao lãnh hội vào giờ phút này cho đặng! Thế là một đứa… rồi hai đứa đập bàn đập ghế. Thấy ồn ào Thầy hỏi chuyện gì? Tôi vẫn nhớ bạn Thanh la lớn lên, "Hết cơm rồi!” Thầy hỏi, "Cơm gì?” Bạn lại gào tiếp "Cơm Xã Hội!” Trời đất! Thay mặt anh em nó nói lên đúng quá đi chớ mà sao Thầy vẫn phớt lờ kéo thêm vài phút nữa mới cho lớp tan hàng. Cả bọn nhào ra phóng lên xe trực chỉ Quán Cơm Xã Hội, tên nào không có xe cũng phải cố kiếm cho được một đứa bạn có xế nổ mà dông lẹ đến quán. Lý do vì sao như tôi đã giải thích ở trên, hôm đó ăn cơm mà không vui vì Thầy giam lớp cho ra trễ; cả bọn cứ lằm bằm rủa xả ông Thầy không thương học trò! Phần các bạn có gia đình tại Bình Dương thì không sao, về nhà ăn bữa cơm gia đình cho dù có trễ vẫn còn đó… nhưng đám dân tứ xứ tụi tôi thì thua!

 

     Thêm một điểm đặc biệt về Quán Cơm Xã Hội nữa là quán cơm bán đủ 7 ngày trong tuần chứ không phải chỉ có 5 ngày đi học thôi đâu. Vì vậy các bạn ở xa về học dưới mái trường này như Ưng Hồng Thu, Sơn Ngọc Thái, Lê Hồng Điều (lớp MS2 Khoá 5 tụi tôi), an tâm theo đuổi việc học mà không quá lo lắng lắm về chuyện ăn!

 

     Hơn bốn mươi năm trôi qua từ ngày xa mái trường, xa quê hương, đôi lúc nhớ về những kỷ niệm thời đi học với tấm áo nâu thì Quán Cơm Xã Hội tại chợ Búng, Bình Dương là nơi chốn có nhiều gắn bó với đám húi cua bọn tôi là thế! Có phải không anh Hai Râu(1) và các bạn áo nâu của tôi?

 

   Kết thúc bài viết này xin mượn vài dòng của bản nhạc "Trường Cũ Tình Xưa" của cố Nhạc Sĩ Thanh Sơn để gởi cho tất cả các bạn áo nâu ngày xưa:

 

"Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ

Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ

Bên hiên hàng giờ tìm những bạn xưa

May ra có còn đôi đứa

Vẫn yên vui sống đời học trò.

Bâng khuâng đợi chờ người sao chẳng đến?

Hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm

Cây dương đầu trường còn khắc hàng tên

Hoa leo phủ phàng đan kín

Tiếng ve kêu nghe gợi buồn thêm.

Bạn cũ xa rồi...”

 

Sơn Râu

Trích Đặc San NLSBD