RẠCH GIÁ QUÊ HƯƠNG TÔI - NGUYỄN GIA VIỆT-

RẠCH GIÁ QUÊ HƯƠNG TÔI 

 NGUYỄN GIA VIỆT

     Bờ biển Rạch Giá ôm vịnh Siam về phía tây, ít nhận được phù sa từ sông Mekong nên không thấy cây đước là vậy (đước là cây tiên phong trong quá trình giữ phù sa nhờ bộ rễ nôm vươn ra bải bùn xa, khi bùn ổn định tới phiên cây mắm làm nhiệm vụ, rồi tới cóc, sú vẹt..)
     Cây giá Excoecaria agallocha
 L. sống dựa nước lùi vào trong thích nghi với biên độ mặn thấp hơn)...

Rạch Giá hông có xa nghen bậu!

     Ở Miền Nam, từ Sài Gòn trổ xuống thì có lẽ Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên là nơi xa xôi nhứt. Nhưng nói xa là nói vậy, cũng không xa xôi gì mấy, với chiếc xe Honda bạn có thể tà tà mà về.

     Rạch Giá là rạch có nhiều cây giá. Cùng xứ biển, song Rạch Giá lại khác Cà Mau ở một cái là Rạch Giá không có đước với rễ chằng chịt từ trên cao mọc tua tủa cắm xuống bãi sình như ở Cà Mau.

     Cây "giá" cũng có ở xứ Giá Rai, Giá Râm bên Bạc Liêu. Nhưng ngày nay cây giá tuyệt tích, hỏi dân Rạch Giá cây giá là cây nào chắc ít ai biết

     Theo sách Gia Định thành thông chí, ngày xưa Rạch Giá còn có tên là Lạch Giá, có tên chữ thường gọi là Giá Khê. Ngoài ra, còn gọi là Giá Đà, Sái Phu.

     Chợ Rạch Giá là chợ Sái Phu. Chợ Rạch Giá phồn thạnh, đủ thứ hực hỡ, giàu sang:

"Chợ Sài Gòn cẩn đá

Chợ Rạch Giá cẩn xi mom

Giã em ở lại vuông tròn

Anh về xứ sở không còn ra vô"

     Rạch Giá là cái xứ bắt đầu từ một con rạch, có bà con cùng Rạch Miễu, Rạch Gốc, Rạch Vẹm, Rạch Hào, Rạch Chàng Hảng, Rạch Sỏi, Rạch Cái Thia, Rạch Dừa, Rạch Chanh, Rạch Kiến, Rạch Đỉa, Rạch Ông, Rạch Cát, Rạch Chiết, Rạch Choại....

     Còn nói là Lạch Giá thì hơi xa lạ, chữ lạch có nghĩa là một đường nước hẹp, chữ lạch không phổ biến ở Nam Kỳ, lạch có nhiều ở Miền Bắc như Lạch Tray, Lạch Bạn, Lạch Vạn...

"Lên non mới biết non cao

Lội sông mới biết lạch nào cạn sâu."

     Chợ Rạch Giá là một cái giồng lớn trên một cái đảo phồn thạnh nhờ lúa gạo và cá biển, nó cũng là một cảng biển. Năm 1896 bốn làng Vĩnh Lạc, Vĩnh Huề, Vân Tập, Thanh Lương nhập lại gọi là làng Vĩnh Thanh Vân.

     Dân Rạch Giá có nhiều sắc dân, đông nhứt người Viêt, sau là người Miên, người Tàu. Người Tàu bán buôn phát đạt ở chợ Rạch Giá.

     Người Rạch Giá có danh có thể kể ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, bà Đinh Thúy Yến vợ của thủ tướng VNCH Trần Thiện Khiêm.

      - Gilbert Trần Chánh Chiếu (1868-1919) là một nhơn vật lịch sử Nam Kỳ người làng Vân Tập Rạch Giá lừng lẫy.

     Ông là dân đại điền chủ, người Tây học trí thức nhưng biết thương cái hồn xứ sở, biết đau cái buồn dân tộc trong vòng cai trị của Tây.

     Trần Chánh Chiếu bỏ của làm báo, hoạt động văn hoá, chánh trị, công khai hô hào duy tân cứu nước, rồi cùng với bạn đồng sự lập "Nam Kỳ minh tân công nghệ xã" năm 1908, nhóm này có nhiều cơ sở kinh tài như Minh Tân khách sạn ở bến xe lửa Mỹ Tho.

     Trần Chánh Chiếu từng ở tù do Pháp bắt.

     Trần Chánh Chiếu cũng góp phần vào việc phổ biến chữ Quốc Ngữ. Bức tượng đồng tôn vinh Petrus Ký đặt trong công viên nằm trên đường Boulevard Norodom ( Đại Lộ Thống Nhứt) trước Dinh Độc Lập, gần nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn ngày 19 tháng 12 năm 1927 là do ông Trần Chánh Chiếu quyên góp khắp Nam Kỳ lục tỉnh để đúc.

     - Bà Đinh Thúy Yến là phu nhân của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm.

      Bà Thúy Yến là người Rạch Giá có tên ở quê là Cô Tư Nết.

     Cô Tư Nết là con một đại điền chủ ở Rạch Giá mang quốc tịch Pháp nên cô có tên là Annette Đinh Thúy Yến. Ông Trần Thiện Khiêm là con đại điền chủ ở quận Bình Phước Tân An ( Châu Thành), trong những năm đi lính đóng đồn ở Mông Thọ Rạch Giá nhà họ Đinh môn đăng hộ đối đã gả con gái cho ông Khiêm.

     Bà Thúy Yến đã mất ngày 17 tháng 11 năm 2004 tại Virginia, Huê Kỳ.

     Người Rạch Giá nổi tiếng nhứt ai cũng biết là nhạc sĩ Lam Phương.

     Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng là một người gốc Tàu Quảng Đông.

     Nhạc sĩ Lam Phương trong sự nghiệp viết nhạc của mình ông là toàn nhạc tình, duy nhứt Chiều Tây Đô có tên một xứ Miền Nam được Lam Phương viết 1984 tại Paris nước Pháp kể về tình cảnh của Cần Thơ sau 1975 trong tình cảm với bà người đẹp Cần Thơ Cẩm Hường.

     Bên người đẹp Cẩm Hường, Lam Phương viết nhạc dạt dào, những bài như "Bài tango cho em", "Chỉ có em", "Thiên đàng ái ân", "Mùa thu yêu đương", "Nửa đời yêu em", "Bé yêu", "Tình hồng Paris", "Tình đẹp như mơ"…ra đời.

     Cái tên Rạch Giá khá khó về âm vần khi lên nhạc nên hầu như không có nhạc sĩ nào viết được về xứ này.

     Lam Phương còn có "Thành phố buồn" cho Đà Lạt ,"Biển tình" cho Nha Trang

     Nhưng với Lam Phương, không riêng gì Rạch Giá, với Miền Nam Lục Tỉnh ông yêu tất cả, yêu hết thảy quê hương mình.

     Chúng ta tri ơn Lam Phương vì trước nhứt, bài học đầu tiên ông dạy chúng ta là phải biết yêu quê hương mình, sau là yêu thương cha mẹ mình.

     Miền Nam là một tình cảm sâu nặng trong lòng ông:

"..Đẹp biết bao tâm tình

Tình là tình nồng thắm

Buộc lòng mình vào núi sông

Tình mến quê hương"

     Bạn hiểu chữ "buộc lòng mình" như thế nào? Nó là máu thịt của một người con biết yêu quê nhà, có lòng tự trọng và ý thức chánh trị.

"Đây quê hương thân yêu Miền Nam

Nắng lên huy hoàng đẹp mùa vui sang ...."

     Bài hát hay nhứt, trọn vẹn nhứt, tha thiết nhứt, sáng lòng nhứt của Lam Phương với Miền Nam gửi vào sông núi ngàn đời sau phải kể "Chuyến đò vĩ tuyến", cùng với giọng ca Hoàng Oanh, bài hát này của Lam Phương tạc vào sách sử :

"Hò... hớ .... hò .... hơ!

Em và cùng anh xây một nhịp cầu

Để mai đây quân Nam về Thăng Long

Đem thanh bình sưởi ấm muôn lòng !"

     Nhiều người nói nhạc vàng có khi là của người bình dân nghe, nhưng nhạc Lam Phương thì ý và tình đều làm người ta phải suy nghĩ rất nhiều, dễ hiểu mà chân thành, sâu xa, thấy rất rõ ông dạy chúng ta mang thân trai thì phải nhắc tới câu "ý thức tình thương quê nhà" và "đền sông núi".

     Nói về nhạc sĩ tài hoa Lam Phương thì nói hoài cũng không hết chuyện

     Ông nhắn nhủ với tuổi trẻ Miền Nam:

"Ầu ơ ví dầu con cá nấu canh!

Bỏ tiêu cho ngọt, à ơi, bỏ hành cho thơm

Một mai ước mong sao thấy ngày con đi đến trường

Học ngoan khiến cho thầy khen bé con siêng năng

Luân đức con phải rèn trau

Để ngày sau lớn khôn

Ra giúp quê hương

Lúc con nên người

Là ngày mẹ hiền vui

Đây cả tâm tư mong sau này con nghe!"

      Cả đời người nhạc sĩ lúc nào cũng yêu quê hương, yêu người, yêu đời dù tình đời có lúc chua cay, dù lịch sử có lúc sang trang,quê nhà xa xôi dịu vợi.

     Nhạc sĩ Lam Phương đã rời xa người mộ điệu vào lúc 6:07pm ngày 22 tháng 12/2020 tại thành phố Fountain Valley, California.

"Ai ngờ chim trời vỗ cánh tung bay

Người đi để nhớ cho đời"

     Người Miền Nam luôn ghi nhớ tới ông, nhạc sĩ của quê mình, người Rạch Giá phải tự hào về đứa con của mình

     Mong có một ngày tại Rạch Giá sẽ có một đại lộ trang trọng được mang tên Lam Phương.

NGUYỄN GIA VIỆT