TÂY SƠN KHỞI NGHĨA - Lê Ngọc Phái -

TÂY SƠN KHỞI NGHĨA
Tham nhũng kiêu binh lấn bệ rồng
Anh hùng Bình Định diệt thù chung
Kết trời Nam - Bắc xây triều mới
Đuổi giặc Xiêm - Thanh đến ngõ cùng
Dẹp loạn quyền thần ba đế chế
Lập nền pháp trị một hoàng cung
Toàn dân thoát khỏi thời chinh chiến
Nguyễn Huệ lừng danh tướng Lạc Hồng.
LÊ NGỌC PHÁI
Chú thích:
Trương Phúc Loan là nguyên nhân chính khiến vương triều các Chúa Nguyễn sụp đổ.
Ông là cậu ruột của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nhờ vậy, ông được làm phụ chính thân cận với Chúa.
Ông đã dùng nhiều cách dẫn dụ chúa Nguyễn Khúc Khoát khi cuối đời vào con đường tửu sắc, bỏ bê việc nước hòng chiếm đoạt quyền lực sau này.
Tháng 7 năm 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát qua đời để lại di chiếu nhường ngôi cho công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân 33 tuổi (thân phụ của Nguyễn Ánh), do biết Phúc Luân là người thông minh, quyết đoán khó lấn quyền được nên Loan đã âm mưu bắt giam Nguyễn Phúc Luân, đồng thời giả chiếu chỉ đưa công tử thứ mười sáu là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi chúa xưng hiệu là Định Vương để dễ lấn át quyền hành. Sau khi lên ngôi, Định Vương phong cho Loan chức Quốc Phó, quản lý bộ Hộ.
Đại Nam thực lục viết: "Trương Phúc Loan cầm quyền, mọi sự đều tự tiện quyết định. Loan nhân đó, cũng không kiêng nể gì, hết bán quan, buôn tước lại ăn tiền hối lộ, đặt ra nhiều hình phạt rất phiền phức và thu thuế rất nặng nề, nhân dân lấy làm khốn khổ…”
Sử sách ghi sự vơ vét của Trương Phúc Loan rằng: "Vàng, bạc, châu, ngọc, lụa chất "thành núi". Ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa không đếm xuể. Có một năm vào mùa thu bị lụt lớn, hòm xiểng bị ngập, khi nước rút ông đem vàng ra phơi nắng, lấp lánh cả một sân"
Lê Quý Đôn xứ Đàng Ngoài trong Phủ biên tạp lục năm 1776 có nhận xét về thời kỳ cuối chúa Nguyễn là:
"… từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa – dây cương đều nạm vàng, nạm bạc, quần áo là lược, nệm hoa, chiếu mây, lấy phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau… Họ coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, hoang phí vô cùng…"
Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ con ông Hồ Phi Phúc chuyên làm nghề buôn bán ở Tây Sơn Bình Định vốn dòng dõi họ Hồ, hậu duệ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, có nhà thờ ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An (khi vào Bình Định đổi thành họ Nguyễn) nêu khẩu hiệu "lật đổ quyền thần Trương Phúc Loan " để chiêu nạp quân sĩ chống chúa Nguyễn.
Quân Tây Sơn phát triển nhanh nhờ có được sự ủng hộ rất lớn của dân chúng quanh vùng.
Bắt đầu từ 1776 thanh thế Tây Sơn lớn trông thấy.
Năm Đinh Dậu (1777) Nguyễn Huệ đem quân vào đánh bắt Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc Thuần và một số quan lại tháp tùng; chỉ có một mình Nguyễn Ánh vừa được 16 tuổi trốn thoát.
Năm sau (Mậu Tuất – 1778), Nguyễn Nhạc xưng đế lấy niên hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Huệ làm Long Nhương Tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế.
Tháng 4.1786 tướng Long Nhương đánh chiếm Thuận Hoá rồi ra Thăng Long với danh nghĩa "Diệt Trịnh phò Lê”.
Ngày 25.6 năm Bính Ngọ (1786) Nguyễn Huệ dẹp sạch quân Trịnh, sau đó đến yết kiến vua Lê Hiển Tông. Vua phong ông làm Uy Quốc công và gả công chúa Lê Ngọc Hân. Hoàn thành mọi việc, ông đem quân về Nam.
Sau đó, Nguyễn Nhạc xưng Trung ương Hoàng đế, phong cho Nguyễn Huệ là Bắc Bình vương ở Thuận Hóa , Nguyễn Lữ làm Đông Định vương ở Gia Định
+ Lê Ngọc Phái tham khảo từ tư liệu lịch sử
Hình ảnh:
Điện Tây Sơn nơi thờ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ trong Bảo Tàng Quang Trung ở Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định.
(Ảnh: Lê Ngọc Thế Phiệt 22.7.2019)