TÌNH GIÀ
Ông cụ quay sang nhìn vợ đi bên
cạnh, mỉm cười:
- Bà này, mỗi buổi sáng tụi mình dậy sớm tập thể dục, nghe chim hót, ngắm mặt
trời lên, lại có bà đi bên cạnh. Tôi nghĩ đây là là quãng đời đẹp nhất của
mình. Bà có nghĩ thế không?
Bà già cười móm sọm, không nói câu nào, chỉ gật gật cái đầu bạc phơ.
Ngày nào họ cũng đi với nhau như thế. Ai cũng ngưỡng mộ. Bọn trẻ thì ước ao,
"Không biết khi đến già mình có được như họ không?” Đám già thì ghen tỵ. Người
thì còn vợ mất chồng. Người thì còn chồng mất vợ. Vả lại khi về già người ta
thường hay sanh tật. Nhiều cặp vợ chồng già cứ bẳng gắt nhau hoài vì những
chuyện không đâu. Nói to cũng cự. Nói không nghe cũng cự. Mấy ai mà được mặn
nồng như hai ông bà già này.
Năm nay ông cụ xấp xỉ bảy mươi nhưng trông vẫn còn mạnh khỏe. Bà cụ có vẻ yếu
hơn. Tay chống gậy, chân đi khập khiểng. Khuôn mặt bà tuy già nhưng trông rất
phúc hậu.
Ông kéo chiếc ghế cho bà ngồi xuống bên cạnh. Trước mặt ông là nồi cháo đang
sôi. Chốc chốc ông lại lấy chiếc đũa bếp khấy nhẹ cho cháo không bị dính vào
đáy nồi. Nhiều lần bà bảo hãy để cho bà nấu, nhưng ông nhất định không nghe,
ông thường cười bảo:
- Bao nhiêu năm bà đã nấu cháo cho tôi, rồi đến cho các con tôi. Bây giờ, tôi
có nấu cho bà ăn tới cuối đời cũng không bù đắp được.
Bà nhìn ông, đôi mắt nhạt màu vì thời gian đã rơm rớm:
- Cuộc đời tôi chả có gì để nuối tiếc. Bây giờ về già được hủ hỉ bên ông. Tôi
nghĩ, không còn mơ ước nào hơn.
Ông nhìn bà lòng ngập tràn yêu mến. Đúng là khi già, người ta rất cần có người
để bầu bạn sớm hôm. Có lần vui miệng bà nói:
- Ông còn trẻ hơn tôi. Nhất định phải sống lâu hơn tôi mới được. Tôi sợ nhất là
một sáng nào đó, thức dậy không thấy ông chắc tôi không sống nổi.
Câu nói làm ông giật mình. Như đem ông về với thực tại. Ông gượng cười đánh
trống lãng:
- Thôi mình ăn cháo đi, kẻo nguội.
Dạo này ông đã bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Không phải ông muốn giữ gìn sức khỏe để
sống lâu hơn bà. Ông chỉ muốn lúc nào cũng khỏe mạnh để có thể chăm sóc cho bà.
Ông cũng sợ phải sống một mình, nhưng ông sợ cho bà nhiều hơn. Những nỗi niềm
ấy, ông không nói cho bà biết. Tánh ông xưa nay vẫn vậy. Yêu vợ hơn cả tính
mạng của mình. Nhưng vẫn cứ lặng lẽ, một mình mình biết, một mình mình hay.
Sáng nay khi thức giấc, bà không thấy ông trên giường. Ông thức từ khi nào? Ông
đi tập thể dục một mình sao? Nhìn ra đầu ngõ bà thấy ông đi vào, tay xách cái
túi nhỏ, chắc là đi mua đồ ăn sáng. Nhưng sao gương mặt ông nặng trĩu ưu tư thế
này? Nhưng vừa gặp bà, ông liền mỉm cười niềm nở:
- Bà lại đang nghĩ gì thế?
- Tôi chỉ nghĩ không biết ông đi đâu thôi.
Ông cười:
- Tôi đi mua cho bà ít đồ ăn sáng. Ngày nào cũng ăn cháo, thét rồi cũng ngán.
- Nhưng sao dạo này ông cứ dậy sớm mà không chịu đánh thức tôi dậy?
Ông hơi giật mình, rồi lấp liếm:
- Tôi thấy bà ngủ ngon, nên không nỡ đánh thức bà dậy.
- Lần sau ông cứ đánh thức tôi dậy. Già rồi ngủ nghê làm gì cho lắm!
Ông đưa tay nắm lấy tay bà, giả lả:
- Thôi mình ăn sáng đi.
Nhưng từ ngày đó, ông vẫn không đánh thức bà dậy. Khi nào thức dậy, bà cũng
thấy chỉ có một mình trên giường. Lúc đầu bà có chút hốt hoảng, nhưng sau đó bà
quen dần. Bà biết ông không đi đâu xa, chỉ ngồi uống trà một mình ở đầu sân hay
đi mua đồ ăn sáng cho bà, nên cũng bớt lo. Bà chỉ thắc mắc có mỗi một điều là,
nhiều khi bắt gặp ông ngồi một mình, nét mặt ông có vẻ trầm ngâm, có khi buồn
bã đến lạ lùng. Có một cái gì đó làm bà cảm thấy bất an.
- Ông lại suy nghĩ đâu đâu rồi. Nồi cháo trào hết ra ngoài kìa!
Ông giật mình, vội dở nắp nồi cháo, chống chế:
- Hôm nay anh cho nước hơi nhiều, có trào chút đỉnh cũng không sao.
Bà cầm chiếc áo khoác lên người ông, giọng bà vẫn dịu dàng như mọi khi:
- Sắp đến Tết, trời đã chuyển lạnh đấy! Dạo này, sao tôi thấy hình như ông hơi
gầy thì phải.
Ông đưa mắt nhìn bà mỉm cười:
- Già mà mập thì cũng đâu có tốt.
- Nhưng tại sao nhiều lúc tôi thấy ông cứ lơ lơ, lửng lửng thế nào ấy!
- Tôi có lơ lửng gì đâu ngoài việc nghĩ đến bà.
Mấy tháng sau, người ta không còn nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của cặp vợ
chồng già thường hay dắt tay nhau đi dạo ở công viên nữa. Thỉnh thoảng chỉ thấy
có mỗi mình cụ bà ra đây. Bà ngồi một mình trên ghế đá, đôi mắt u buồn nhìn về
xa xăm như để tìm lại kỹ niệm một thời hay một hồi ức xa xưa nào đó.
Sáng nào bà cũng nấu cháo. Bà luôn múc hai bát, đặt ngay ngắn trên trên bàn,
sau đó vừa ăn một mình vừa khóc. Nước mắt chan hòa trên bát cháo.
Một năm sau, đúng vào ngày ông mất, bà cũng ra đi. Khi con cái thu dọn đồ đạc
của ba mẹ, chúng phát hiện một lá thư ông viết cho bà trước khi mất.
Mình à!
Tôi muốn được sống lâu hơn để đánh thức Mình dậy mỗi sáng. Trong thâm tâm, lúc
nào tôi cũng muốn bù đắp lại cho Mình cái tuổi thanh xuân mà tôi và gia đình
tôi đã lấy đi của Mình. Thời còn đi học, tôi đã thề với lòng mình như vậy.
Nhưng ông trời vốn không chiều lòng người. Cái ngày mà tôi biết mình bị bệnh
ung thư, tôi đâm ra lo sợ. Không phải tôi sợ chết, mà tôi sợ nếu bổng nhiên một
sáng nào đó Mình thức dậy mà không thấy tôi bên cạnh, chắc Mình sẽ không chịu
đựng nổi. Tôi không đánh thức mình dậy là muốn tập cho Mình quen đi. Để sau này
lỡ có chuyện gì . . . . . Không biết dạo này Mình đã quen được chưa? Nhưng dù
sao, khi thức dậy mà không thấy tôi, Mình cũng không được khóc đấy nhé!
Top of Form