Trổ bông kết trái - Quang Tuyến -

Nonglamsuc Ninh-Thuan

                          Trổ bông kết trái
                                                                                                                                                                                              Quang Tuyến

     Khi vừa bước vô phòng, bạn tôi la lên:
    - Thôi chết rồi! Tất cả đồ mua lúc chiều mất hết trơn rồi. Có ai mới vô đây ăn cắp...
Tôi vội lên tiếng:
    - Mày để ở đâu mà mất?
    - Để ngay đầu giường đây này. Trước khi ra đón xe lửa tao đã cẩn thận lấy mền gối để lên trên che lại cho chắc ăn mà tại sao lại mất được? Mày coi xem đồ mày có mất không vậy?
Tôi vội chạy đến hộc tủ nhỏ nơi đầu giường, mở ra xem, tôi bỗng giật mình:
    - Đồ tao cũng mất luôn, như vậy có ai vô phòng lấy rồi!
Người bạn thứ ba, tên Hiếu, đang nằm ngủ, giật mình thức dậy và bước xuống giường khi nghe hai chúng tôi nói với nhau như vậy. Anh ta cúi xuống gầm giường lục lọi một hồi và lên tiếng:
    - Đồ của tao cũng mất nữa! Tao nằm ở đây mà ai dám vô lấy hết đồ của tụi mình vậy?
    - Làm sao tụi tao biết được khi ra ngoài đón xe lửa đến, chỉ có mày ngủ ở đây mà không biết gì sao?
    - Tao ngủ say nên có biết gì đâu! Lúc tụi mày sửa soạn đón xe lửa thì tao biết, rồi lại ngủ luôn cho đến giờ. Hồi nãy đi, tụi mày có khóa cửa không vậy?
    - Thường thì có bao giờ khóa cửa đâu! Đêm khuya ai mà vô đây ăn trộm? Hơn nữa, mày còn ngủ trong phòng mà! Chẳng lẽ trộm vô mà mày không biết à?
    - Tao có biết gì đâu? Xui thật! Mới mua được hàng mà đã mất rồi...Vậy bây giờ mình phải làm sao?
    - Mình phải đi tìm chứ sao. Ra đón xe lửa chỉ có nửa tiếng thôi mà bị mất thì kẻ trộm chưa đi đâu xa!
    - Ừ, bây giờ mỗi đứa đi một hướng để tìm. Nếu thấy ăn trộm thì la lớn lên để chạy đến giúp...
Ba người chúng tôi, mỗi người cầm một cây đèn, loại đèn tránh gió không tắt được, nó dùng làm tín hiệu để đón xe lửa vào ga ban đêm, gồm có bốn mặt vuông với bốn màu khác nhau: trắng, vàng, xanh, đỏ. Tôi nói nhỏ với Thu, người cùng đón xe lửa với tôi lúc nãy:
    - Tao nghi quá. Khó có thể nào người ngoài ga biết rõ tụi mình mới mua đồ lúc chiều, để ở chỗ nào, giờ nào ra đón xe lửa... để mà lẻn vô lấy trộm! Tao với mày đều ra ngoài đón xe lửa, chỉ có Hiếu còn ở lại trong phòng. Thì người biết rõ những điều ấy để lấy trộm phải là người quen biết, chứ không thể nào người ngoài xa lạ được! Bây giờ mình đến những bụi cây gần ga đây để tìm trước khi đi xa hơn, vì có nửa tiếng thì nó không thể nào chôn giấu dưới đất được, cũng không thể nào giấu ở xa đây quá... Đúng không?
    - Tao cũng nghĩ vậy. Có thể Hiếu sẽ là người tìm thấy trước nếu nó muốn trả lại cho mình vì bị lộ quá sớm, chưa kịp tẩu tán...
    Nói xong, chúng tôi đi tìm mỗi người một hướng. Vài phút sau thì Hiếu la lớn lên:
   - Tìm thấy rồi, tụi mày đến đây coi! Ở gốc cây này nè!
    Chúng tôi vội chạy đến, tôi kín đáo nhìn Hiếu và nói:
   - May quá, người lấy trộm vội giấu ở đây chứ không đi đâu xa, lại tìm được ngay, không phải mất nhiều thời gian! Hiếu nghĩ sao?
    - Tao cũng nghĩ vậy.
    Nhìn nét mặt Hiếu có vẻ lo sợ và hơi tái lại, tôi nói:
    - Hình như tất cả đồ tụi mình đều có ở đây cả, vậy đồ của ai người đó lấy...
Khi cầm món đồ của mình tôi thấy Hiếu càng tỏ vẻ lúng túng hơn bình thường nên nói:
     - Hiếu nói thật đi, chẳng lẽ trộm vô mà Hiếu không biết sao? Làm sao trộm biết giờ giấc xe lửa đến để vô lấy? Biết cả chỗ mình để và chỉ lấy đồ mình mới mua lúc chiều mà thôi?
Hiếu bỗng rươm rướm nước mắt nói:
     - Tụi mày tha lỗi cho tao đi, tao vì quá cần tiền nên làm bậy lấy trộm đồ...Thông cảm cho tao và đừng báo cáo lên ga cũng như cho ai biết nghe.
     - Tại sao mày có thể làm như vậy được trong khi ai cũng nghèo khổ như mày, mỗi tháng chỉ mua được vài món đồ thôi! Mày biết mà...
     - Tao sắp lấy vợ, muốn làm đám cưới nhưng không có tiền. Người yêu tao thì mơ ước có đám cưới đàng hoàng, dù đơn sơ cũng được. Tao thì không có đồng nào, công nhân như tụi mình làm sao có tiền?
     - Gia đình mày không giúp đỡ chút nào cho đám cưới sao?
Hiền òa lên khóc và nói:
     - Về phòng rồi tao kể cho tụi mày nghe. Thú thật khi làm điều này, tao xấu hổ lắm. Tao đã phải cưỡng lại với lòng tham thúc đẩy tao hàng ngày để có chút tiền làm đám cưới...Rốt cuộc tao đã chịu thua, đã để điều xấu thắng cuộc...vì tao muốn giữ lời hứa với em, với tình yêu nàng dành cho và với tự ái của một người nghèo thân trai...Không có tiền để có một đám cưới nho nhỏ.
     Vừa bước vào phòng, ngồi ở bàn ăn, Hiếu nói tiếp:
     - Tao tủi thân lắm mày ạ. Đáng lẽ đám cưới phải xảy ra cả năm nay rồi. Tao cứ khất lần khất mòn với nàng mãi. Mỗi lần gặp nhau là mỗi lần nàng khóc, nàng muốn chung sống với tao để thoát ra khỏi cảnh ở đợ đau khổ, cực nhọc...
     Nói xong, Hiếu lại oà lên khóc nức nở. Lâu nay sống và làm việc chung với Hiếu, tôi chưa bao giờ thấy Hiếu than thở hoặc tâm sự điều gì, lúc nào cũng hiền lành, ít nói, siêng năng và tận tụy với công việc. Với mọi người xung quanh, không có ai ghét, nhưng cũng không có ai thân thiết vì không hòa đồng nhiều, chỉ âm thầm lặng lẽ với cuộc sống hàng ngày như người thích cô đơn một mình, ai nói gì cũng cười...
      Chờ Hiếu bớt khóc và lắng dịu đôi chút, tôi hỏi:
      - Hai người quen nhau lâu chưa? Chẳng lẽ cả hai không có chút đỉnh tiền để làm đám cưới đơn sơ được sao?
      - Tao và nàng đều mồ côi cha lẫn mẹ. Nàng ở với Bà Ngoại nhưng cũng rất nghèo đến nỗi không có đủ cơm gạo để ăn. Bà ngoại nàng lại hay đau yếu vì tuổi già nên đời sống rất chật vật túng thiếu. Ông ngoại đã mất vài năm nay vì bệnh không có tiền chạy chữa. Nàng phải ở đợ cho người hàng xóm, công việc rất nặng nhọc với ruộng rẫy, chăm lo cho bầy heo vài chục con, rồi dọn dẹp, nấu ăn...từ sáng sớm cho đến tối. Nàng chỉ có chút thì giờ mỗi tối để ghé thăm và nấu cho ngoại chút cháo, ít đồ ăn cho ngày hôm sau trước khi về lại nhà chủ ngủ đêm để chuẩn bị cho sáng sớm hôm sau thức dậy với bao công việc hàng ngày như cũ. Đời sống sau năm 1975 như tụi mày đã biết, đói khổ và nghèo nàn nên có mấy ai giúp đỡ cho nhau được đâu? Trên giấy tờ thì người chủ nhận nàng làm con nuôi, nhưng thực chất chỉ là người ở đợ không hơn không kém. Vì nếu không nhận là con nuôi thì nàng đâu có được ở đợ để kiếm miếng ăn.
      Trước khi vô làm ở ga này, tao đã từng làm ở Ban Cầu Cống cho nghành xe lửa này. Cực lắm mày ạ, phải dầm sương dãi nắng từ 7 giờ sáng cho đến chiều tối mới được nghỉ. Ăn uống thì thiếu thốn và độn nhiều khoai sắn, bo bo thì làm sao có sức? Tao phải cố gắng chịu đựng chứ không muốn trở lại công việc ở đợ để chăn bò như trước đây. Cứ nghĩ đến là tao sợ lắm. Bò ăn không đủ no thì tao phải nhịn đói, mà cỏ cho bò ăn thì đâu có nhiều vì đất đai cằn cổi, không đủ mưa...Cả người và thú vật đều đói chẳng chừa ai...Bò chỉ đi ăn ở bên bờ đường hoặc bờ sông chứ không ở bờ ruộng được...Người ta sợ bò ăn lúa và làm hư bờ ruộng nên cấm không được đến, nếu không họ sẽ bắt bò của mình hoặc giết nó...Tao đâu dám, chủ sẽ giết tao sao?
      Vì cùng hoàn cảnh và là hàng xóm nên tao và nàng có sự thông cảm với nhau. Từ chỗ quen nhau để tâm sự dẫn đến tình yêu như bây giờ. Tao may mắn được ông anh của thằng bạn, thường bắn bi với nhau, làm đơn xin cho tao vào ngành cầu đường. Dù cực khổ và không được no đủ, nhưng ít nhất không phải lo sợ như chăn bò nữa, lại được ngủ yên, có chỗ ở qua ngày. Ngày tao đi làm ở cầu đường, nàng khóc như mưa vì phải xa tao, lại sợ tao thay lòng đổi dạ. Tao phải hứa với nàng đủ điều để nàng yên tâm, trong đó có lời hứa sẽ cưới nàng một ngày gần đây. Nàng mong chờ từng ngày từng tháng lời hứa ấy với mỗi lần tao về thăm nàng. Tao muốn cưới nàng chứ vì tao cũng yêu nàng với mối tình đầu như nàng vậy, nhưng nàng muốn đám cưới xong là theo tao để sống chung, để nàng có cơ hội thoát ra cảnh ở đợ...Nàng cũng muốn có đám cưới đơn sơ để có hình ảnh làm kỷ niệm cũng như có chút vốn làm ăn buôn bán, dù là bán rong ngoài đường hay ngoài chợ...
     Ngày tao được may mắn chuyển qua ga xe lửa làm cũng là lúc tao muốn thực hiện ý định và ước mơ của cả hai đứa. Tao cố gắng dành dụm từng tháng lương, từng món đồ mỗi lần được mua hàng tháng...Tao cũng không muốn thân thiết với bất cứ ai vì sợ mình sẽ tiêu xài cho bằng mọi người, nếu không người khác sẽ nói mình lợi dụng hoặc keo kiệt...thì làm sao có dư tiền để làm đám cưới? Thú thật với tụi mày, công nhân như mình không có dư bao nhiêu cả, nếu không muốn nói là thiếu hụt hoặc tạm đủ là mừng rồi! Bởi vậy lòng tham đã hối thúc tao làm việc tồi bại với tụi mày. Tao đã đánh mất nhân cách, mất tình bạn bè, mất lương tâm chỉ vì muốn cưới nàng, vì tình yêu, vì muốn có người vợ bên cuộc đời mình như bao nhiêu người đàn ông khác...
      Nói xong, Hiếu nắm lấy tay tôi và Thu xin lỗi:
      - Tụi mày bỏ qua cho tao nghe. Đừng làm lớn chuyện hoặc báo cáo lên trên thì tao sẽ mất việc, lúc đó cuộc đời tao chẳng biết sẽ ra sao nữa. Tao sẽ mất vợ, mất việc, mất tương lai, mất tất cả...
      - Tại sao khi phát giác mất, Hiếu không thú nhận ngay mà phải chờ đến khi tìm được đồ mới nói? Thu hỏi.
      - Tao thật sự không biết phải làm sao lúc đó? Đây là lần đầu tao lấy trộm của người khác nên run lắm, tính toán quá liều lĩnh và sơ sót sai lầm ngay từ ban đầu...Tha cho tao đi, tao năn nỉ tụi mày mà...
      - Thôi được rồi! Nếu hoàn cảnh của Hiếu mới kể là sự thật thì tôi sẽ tha thứ, bằng không tôi sẽ không bỏ qua đâu! Thu nói.
      - Sự thật mà! Tin tao đi. Nếu cần bằng chứng thì tao sẽ đưa người yêu tao đến đây để xác nhận hoàn cảnh của tụi tao như đã kể.
      - Nói vậy thôi, chúng tao thông cảm rồi. Thôi mình đi ngủ đi.
      - Cám ơn tụi mày nhiều. Tao đã học được bài học này để luôn là người tốt...
Nói xong, chúng tôi vô giường ngủ lại dù trời đã gần sáng. Tôi và Thu chắc sẽ ngủ ngon như bình thường nhưng có lẽ Hiếu thì không.
     Sáng sau khi thức dậy. Hiếu đã chuẩn bị và chờ chúng tôi với ly café trên bàn cùng với gói thuốc lá. Vừa vô ghế ngồi, Hiếu lập lại lời xin lỗi và cám ơn chúng tôi như là điều vấn vương còn dằn vặt chàng cả đêm qua. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một văn hào nào đó, Hermann Hesse thì phải, mà tôi đã được đọc trước đây khá lâu, kể về câu chuyện ông nhà giàu và người ăn trộm. Câu chuyện có ý nghĩa rất sâu xa nên tôi muốn kể cho họ nghe và đồng cảm với những gì vừa mới xảy ra.
     Có ông nhà giàu sống chỉ có một mình, lúc nào cũng cảnh giác chuyện ăn trộm vì đã xảy ra những nhà hàng xóm xung quanh đó. Đêm nọ, ông nghe có tiếng động ở dưới nhà, lắng nghe một chút, ông biết trộm đang vào nhà ông khi cạy cửa. Lúc đó, trong đầu óc ông đột nhiên có sự mâu thuẫn hiện ra và giằng co rất mãnh liệt: Một nửa muốn bắt ăn trộm và nửa kia lại không muốn.
      Nếu bắt ăn trộm hoặc báo cho cảnh sát bắt nó thì nó sẽ bị tù tội. Biết đâu hoàn cảnh đói khổ, bệnh tật, nguy nan nào đó mà nó hoặc vợ con, cha mẹ... đang gặp phải, làm nó phải đi ăn trộm thì sao? Trời sinh ra mỗi người có một hoàn cảnh một số mệnh giàu nghèo, đói khổ khác nhau. Ai cũng muốn giàu có chứ không ai muốn nghèo đói bao giờ, như vậy có thể bất đắc dĩ nó phải ăn trộm để sinh tồn theo bản năng con người thì có đáng tội không? Mà ăn trộm, nó có sung sướng gì đâu khi phải rình mò, phải lo sợ, phải thức khuya để canh chừng chủ nhà, có khi bị bắt và phải tù tội nữa...Trước mối nguy hiểm đến tính mạng, ta có quyền tự vệ để chống trả lại. Vậy trước cái nghèo đói, bệnh tật...cần phải ăn trộm thì sao? Có được tha thứ không?
     Nhưng nếu không bắt người ăn trộm, thì ông sẽ mất đồ, mất tiền, là của cải thuộc về ông, do công sức ông làm ra. Không những mất một lần, mà còn tiếp những lần khác nữa vì người ăn trộm sẽ nghĩ chủ nhà không biết. Hoặc biết mà không bắt được mình!
Nếu bắt người ăn trộm rồi tha nó, nó sẽ ăn trộm nữa vì biết chủ nhà có lòng tốt! Dù có bắt nó thề hứa...hoặc nó sẽ nói cho người khác ăn trộm thay nó rồi chia chác nhau mà hưởng.
     Đang phân vân chưa biết phải làm gì giữa hai ý nghĩ mâu thuẫn ấy, ông chợt nảy ra một cách để giải quyết tương đối hoàn hảo trước khi quá muộn, ông đoán kẻ trộm đang lục lội, tìm kiếm đồ đạc của ông và sắp lấy đi rồi: ông vội bước ra khỏi giường, mang đôi dép vào và bước đi những bước thật mạnh để vang lên tiếng động thật lớn, rồi ông mở cửa cũng như gây tiếng ồn bằng cách va chạm vào bàn ghế để kẻ trộm biết ông đã thức, sắp bước xuống cầu thang. Thế là kẻ trộm đã vội vã chạy ra khỏi nhà mà chưa kịp lấy được gì của ông. Từ đó kẻ trộm không thấy đến nhà ông nữa...Có lẽ nó đã vui mừng khi thoát được trong gang tấc vì may mắn, mặc dù chẳng lấy được gì!
     Nghe xong, Thu nói với tôi:
     - Hay là hai đứa mình tặng luôn tất cả số đồ này để mừng đám cưới vợ chồng Hiếu nữa, được không?
     Hiếu bật đứng dậy, rươm rướm nước mắt nói:
     - Tao không thể nào ngờ tụi mày tốt với tao quá. Tối qua tao có ngủ được đâu vì hối hận và mắc cỡ với tụi mày, nên sáng nay sẽ xin lỗi tụi mày thêm lần nữa, tao chỉ mong tụi mày bỏ qua thôi, chứ đâu có ngờ lại như thế này! Thú thật, tao rất túng thiếu nhưng nhận quà tụi mày như thế này làm sao ngượng và áy náy lắm. Hay là thôi đi, tha thứ và đến dự đám cưới vợ chồng tao là đủ rồi, đó cũng là món quà to lớn nhất cho vợ chồng tao ngày đặc biệt ấy! Vì tao vẫn còn có việc làm, còn tình bạn với tụi mày và còn có đám cưới như vợ tao mơ ước.
     - Tao hiểu hoàn cảnh mày rồi. Đời người được một lần hạnh phúc khi lấy được người mình yêu là tuyệt vời nhất, mày cứ nhận quà tụi tao như lời chúc hạnh phúc và là kỷ niệm tình bạn bè với nhau. Khi nào đám cưới?
     - Tao dự định khoảng hai tháng nữa vì người yêu tao muốn càng sớm càng tốt. Tao sẽ bàn tính với nàng khi về thăm nhà tuần tới. Tao nghĩ nàng sẽ mừng lắm!
     - Chúc vợ chồng mày đạt được mơ ước. Những gì xảy ra coi như không có gì, tụi mình vẫn là bạn với nhau như bấy lâu nay.
     Không biết Thu thì sao chứ tôi mừng lắm, mừng vì câu chuyện xảy ra đã làm tôi hiểu được sự thật cuộc đời của Hiếu. Rồi nghĩ đến bản thân mình, nếu tôi có cùng hoàn cảnh như Hiếu thì tôi có làm khác hơn không? Có khi còn tệ hơn nữa thì sao nhỉ? Khó có thể nói trước những gì sẽ xảy ra đến với mỗi người có cùng hoàn cảnh như nhau để phán xét đúng và sai, tốt và xấu...
     Thời gian ngắn sau đó, trước khi Hiếu làm đám cưới, tôi đi vượt biên và mất liên lạc với tất cả bạn bè đồng nghiệp. Thời gian cứ thế trôi qua cho đến khi tôi có ý định về thăm quê nhà năm 2010, 30 năm sau ngày xa xứ, thời gian đủ dài để nhớ lại kỷ niệm đã xa khi mình về già. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ là câu chuyện về Hiếu nên tôi tò mò muốn biết cuộc sống vợ chồng Hiếu sau này ra sao? Tôi tin rằng sẽ khá hơn, sẽ tốt hơn quá khứ mồ côi năm nào vì sự cần cù của họ.
     Trở lại nhà ga cũ năm nào, tất cả đã thay đổi hoàn toàn, khác với những gì trong ký ức tôi, không nhận được một chút gì quen thuộc từ phố xá, con đường, nhà cửa, con người, quang cảnh...Những bạn đồng nghiệp cùng ngành nghề đều đã về hưu nên không mấy hy vọng biết được về Hiếu như dự định.
    Rất tình cờ, khi đến ga Tháp Chàm để nhìn sự thay đổi như thế nào, tôi gặp được một thanh niên làm ở ga, cậu ta khoảng ba mươi tuổi, rất hoạt bát và vui vẻ cho tôi biết có thể Hiếu là bố vợ của người bạn cậu ta, nhà ở chợ Tháp Chàm gần đây. Cậu ta mời tôi ngồi ở phòng đợi và điện thoại cho người bạn đến để gặp tôi.
     Không phải chờ lâu, khoảng 15 phút sau, một cặp vợ chồng trẻ đi xe gắn máy đến ga. Vì chưa quen biết nên tôi tự giới thiệu tên mình và hỏi về người tên Hiếu mà tôi muốn tìm. Sau vài câu trao đổi, chúng đoán là đúng người, nên họ mời tôi ghé nhà thăm vì Hiếu đang bệnh và mệt mỏi do tuổi già.
     Tôi như lạc vào nơi xa lạ vì thành phố và ngôi chợ cũng như đường xá đã khác hơn trước. Dừng trước cửa tiệm buôn bán vật liệu xây cất và đồ gia dụng ở con phố lớn ngay trước cổng chợ, tôi ngạc nhiên vì vẻ to lớn của ngôi nhà và sự sầm uất của kẻ mua người bán, cả khu vực nhộn nhịp với tiếng còi và ồn ào của xe cộ chạy qua lại làm tôi cứ trố mắt nhìn ngỡ ngàng vì không ngờ nơi đây thay đổi nhiều quá, không là 30 năm về trước, không là Tháp Chàm trong ký ức tôi, đã khác, đã đổi thay, đã là nơi xa lạ với chính mình khi nhớ lại.
     Cặp vợ chồng trẻ dẫn tôi lên lầu, vào căn phòng nơi Hiếu nằm trên giường, dáng vẻ hơi ốm yếu xanh xao. Họ nói tên tôi và hỏi Hiếu còn nhớ không? Im lặng một chút, Hiếu nhìn tôi và từ từ ngồi dậy, đôi mắt tròn xoe và bắt đầu rươm rướm nước mắt, đưa đôi bàn tay ra cho tôi nắm.
Cầm tay Hiếu, tôi vội ngồi xuống giường nói:
    - Hiếu cảm thấy người thế nào? Có mệt mỏi lắm không? Còn nhớ tôi là ai không?
    - Nhớ chứ, Bảo nhà ga đây mà! Làm sao quên được dù đã hơn 30 năm rồi, thời gian qua mau quá. Bảo giờ ở đâu? Cuộc sống ra sao? Có vợ con đi chung không? Sao biết tôi ở đây mà đến?
    - Tình cờ thôi, tưởng rằng chẳng bao giờ gặp được Hiếu nữa dù đã cố gắng đi tìm mấy ngày nay. Lứa tuổi tụi mình hầu như ai cũng về hưu hay thay đổi chỗ ở chỗ làm hết rồi. May sao lúc đến ga Tháp Chàm, gặp được cậu thanh niên trẻ nên hỏi thăm thử xem, không ngờ cậu ta nghe tên Hiếu, đã từng làm ở ga xe lửa, nên cậu ta đoán Hiếu là bố vợ của người bạn. Vì thế vợ chồng con gái Hiếu đến gặp và đưa tôi về đây này. Đúng là duyên số phải không Hiếu? Tôi cũng đã sắp đến tuổi về hưu rồi, về đây thăm quê hương khoảng bốn tuần rồi đi, vợ có về chung chuyến này nhưng thăm người bạn học cũ, tôi thì thăm bạn bè cũ của mình. Vợ con Hiếu ra sao?
    - Chỉ còn đứa con gái mới thấy lúc nãy thôi Bảo à, vợ và con trai tôi đã mất cách đây hơn hai năm vì tai nạn xe hơi khi đi chợ mua sắm hàng ngày. Từ đó trở đi, con người tôi suy sụp và bệnh tật nên con gái dọn về đây buôn bán tiếp tục thay tôi cũng như chăm sóc hàng ngày. Tôi không ngờ Bảo tìm được nhà đến và thăm tôi làm tôi mừng quá, thế Bảo có tìm gặp lại bạn bè cũ những ai chưa?
    - Chưa gặp được ai vì có lẽ tôi về bất ngờ cũng như mất liên lạc lâu quá rồi. Khi về già, tự nhiên mình muốn tìm lại kỷ niệm của tuổi trẻ xa xưa, nhất là người xa quê hương như tôi. Trong đó, Hiếu là một kỷ niệm khó quên vì câu chuyện xảy ra đêm đó và vì nghe được hoàn cảnh khá ly kỳ của Hiếu nên tôi muốn biết bây giờ Hiếu ra sao? Rất tiếc khi gặp lại thì vợ Hiếu không còn nữa, xin chia buồn với bạn, cuộc đời mỗi người là một số mệnh và là một sự ngạc nhiên, chẳng ai biết trước... đúng không?
    - Bảo nói đúng. Ngày xưa khi mồ côi cha mẹ, tôi buồn và tủi thân lắm vì mình kém may mắn, rồi cuộc đời nghèo khổ đeo đẳng tôi mãi, tưởng như không bao giờ dứt làm tôi càng đau khổ, oán hận hơn. Trong khi đó, có những điều may mắn mang đến nhưng tôi nào có nhận ra để cám ơn những gì mình có được, chẳng hạn như sức khoẻ, tình yêu, công ăn việc làm, bạn bè v.v...Rồi vì muốn cưới vợ, tôi đã liều lĩnh lấy trộm đồ đạc của hai bạn như đã xảy ra. Nhờ câu chuyện ông nhà giàu và người ăn trộm bạn kể tôi nghe và nhờ sự thương cảm của cả hai bạn đã giúp tôi trong hoàn cảnh ấy đã làm tôi thức tỉnh và tôi đã có những ước mơ tốt đẹp cho cuộc đời mình sau này...
    - Rất tiếc, tôi đã không giữ lời hứa với vợ chồng Hiếu được là đến dự tiệc ngày cưới. Hiếu có buồn không?
    - Tôi hiểu chứ, không sao cả. Món quà quý giá nhất là sự tha thứ và món đồ bạn tặng là những gì tôi nhận ngày cưới rồi. Sau đám cưới, vợ chồng tôi có chút vốn để buôn bán, không còn đi ở đợ nữa, và chúng tôi từ từ tạo được sự nghiệp như ngày hôm nay. Nhưng điều quan trọng hơn cả là vợ chồng tôi đã chia xẻ sự may mắn ấy cho mọi người nghèo, mồ côi khác với nhà hàng bình dân gần đây. Nó đã phục vụ mọi người được hơn mười năm nay rồi. Vợ và con trai tôi trông coi nhà hàng ấy và tai nạn xe hơi khi đi chợ mua sắm vật dụng. Đó là ý trời, tôi không buồn gì cả, chỉ tiếc là mình đã mất người vợ thân yêu và đứa con trai cũng như thiếu người trông coi nhà hàng. Bù lại, đứa con gái và chồng nó tình nguyện làm công việc ấy và trông coi cửa tiệm này, cũng như chăm sóc tôi chút đỉnh khi bệnh hoạn.
    - Nhà hàng đó hoạt động như thế nào? Tài chánh và công nhân ra sao?
    - Con tôi giờ chỉ trông coi tổng quát thôi, mọi việc đã có người làm hết, một số người là tình nguyện, vì họ là người đã được giúp đỡ trước đây, một số là làm công nhưng nhận lương rất thấp, số còn lại là học sinh làm tự nguyện sau giờ học hoặc cuối tuần. Bữa ăn gồm có trưa và tối, mỗi phần ăn chỉ lấy giá tượng trưng là 2000 đồng Việt Nam, cơm thì được ăn no, bao nhiêu cũng được. Ai không có tiền để trả thì miễn phí. Mọi chi phí do các người bảo trợ đóng góp, còn thiếu bao nhiêu thì tôi bao hết. Tôi vui lắm anh Bảo à, vì có rất nhiều người tiếp tay với công việc của tôi. Nhìn nét mặt vui mừng của mọi người sau khi ăn xong làm tôi nhớ đến món quà của Bảo ngày xưa tặng tôi nhân ngày cưới, nó là hạt mầm để tôi gieo gặt cho đến ngày hôm nay vẫn chưa hết trái, vẫn còn trỗ bông ngày càng nhiều hơn dưới ánh nắng của tình người rực rỡ.
     Tôi và Hiếu đã nói chuyện với nhau nhiều lắm, cả quá khứ lẩn hiện tại, tưởng như chẳng bao giờ dứt. Tôi nhận ra Hiếu là một con người rất tốt, rất tình cảm mà tôi cần phải học hỏi vì cho đến giờ phút này, tôi chưa làm được nhiều điều tốt như Hiếu. Tôi vẫn còn gò bó trong vỏ ốc của cá nhân mình, chưa gieo hạt giống như Hiếu đã và đang làm, thì làm sao trổ bông để hái trái?
Xin cám ơn Hiếu, cám ơn những gì bạn đã làm để tôi có bài học cho chính mình cần phải noi theo, phải làm. Tự nhiên tôi bật cười với ý nghĩ của mình trước khi gặp Hiếu. Tưởng mình cho Hiếu một bài học năm xưa, nhưng Hiếu lại cho tôi bài học lớn hơn rất nhiều, bằng chính cuộc đời và hành động của Hiếu. Tôi chỉ là học trò và Hiếu là người thầy của tôi!
Hè 2018