TRÒ CHƠI TRẺ CON - Bùi Tho -


Chuyện Của Mình
*Bùi Tho

Tôi cố vặn óc để viết ra đây, như để nhắc lại ký ức tuổi trẻ của mình, như muốn kể lại cho con cháu mình những trò chơi xưa cũ, để chia sẻ với chúng , để chúng thương cha ông của chúng ngày xưa đâu có được như bây giờ.
Tôi muốn viết ra đây,với một ước mơ nho nhỏ của tuổi già là biết đâu đó trên đất nước này còn có nơi lưu giữ hoặc bảo tồn trò chơi này các cháu nhỏ của ta đang chơi nó với tất cả những hăng say như lớp tuổi nhỏ chúng tôi thưở nào vì nó mang tính chất nhân bản, khai phóng và có tính giáo dục cao và biết đâu đó sẽ được tổ chức UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể !

TRÒ CHƠI TRẺ CON

       Blao từ cuộc sống với đất rộng người thưa, những đúa trẻ con được buông lỏng quản lý vì cha mẹ tất bật cả ngày vì sinh kế, không có một dạy dỗ nào khác ngoài chỉ bảo của cha mẹ, tuổi trẻ thời ấy cũng đã biết lo toan, nào ẳm em, cơm nước. Nó đã thể hiện trong một trò chơi ngày nào mà bây giờ không còn thấy đó là trò chơi vợ chồng , quen biết vài bạn ở địa phương khác cũng nói ở đó cũng có những trò chơi đại loại như thế.


1 -Trò Vợ Chồng
Anh em trong nhà hay thêm bạn chơi hàng xóm, quyết định chọn một người lớn là con trai làm chồng, làm cha, chọn một cô con gái là mẹ, còn lại ở dưới là con cái. Vợ chồng có nhiệm vụ làm nhà là lấy cây que, lá làm một cái nhà nhỏ như bàn tay đó là nhà mình, làm bàn ăn , làm bếp, đào giếng,..lượm lặt các lon hộp làm nồi, chảo, nắp keng làm chén, đũa thì cọng cây khô. Cũng có chương trình sinh hoạt hẳn hòi như cha mẹ sáng đi làm, con cái đi học, đi học về nấu cơm, mời cha mẹ ăn cơm,.. rồi học bài, đi ngủ. nằm ngay trên đám lá chuối khô hay tấm bao bố gần đó..giả vờ ngáy khò khò.
Nghĩ lại thấy sao ngây ngô, thánh thiện quá, có cái lạ là tại sao không thể hiện một quyền lực nào mà cuộc hơi thường rất nghiêm túc, làm cha thì nóng nảy, nghiêm trang , làm mẹ thì dịu dàng, làm con thì riu ríu nghe lời, khi đi học về thì khoanh tay chào cha mẹ, mẹ sai đi kiếm củi nấu cơm thì dạ, chạy vội ra đồng…
Nhớ lại bọn trẻ chúng tôi ngày ấy nào có biết trường học là gì, mà hình như cả Blao chưa có trường học nào, sau này tôi mới biêt đối với nhưng gia đình khá giả thì được gửi lên Đà lạt học, còn lại chỉ có mấy lớp vỡ lòng do nhà thờ và chùa mở, hoặc lớp tư do ông Quản sau khi mãn lính về dạy…ba tôi thì có chút ít chữ nghĩa nhờ học sơ học yếu lược, mẹ tôi thì không có chữ nào, có dạy dỗ chúng tôi về lễ nghĩa đâu ? Chúng tôi chỉ học lóm, nghe người lớn nói chuyện mà hình thành.

2-Trò xe hơi

Thời ây ở đường lộ đã có xe hơi chạy,chúng tôi cũng làm xe hơi, đơn giản là dùng vỏ cá hộp Sumaco,lấy đinh đục 4 lỗ thành hộp, dùng tre xuyên qua 4 lỗ trên làm trục bánh, còn bánh thì dung củ khoai lang cắt khúc ghim vào 4 đầu trục bánh, di chuyển thì dung dây chuối cột vào đầu xe kéo đi, khá lắm thì có sợi bố hay sợi chỉ. Khi chạy cũng ù ù như máy nổ, cũng tin tin bấm còi, do hơi do miệng của người lái…
Nhớ cái chuyện cuộc chơi đua xe hơi, mà thấy thương cho tuổi thơ ngây ngày ấy, mỗi người là một cái xe, máy nổ và còi là âm thanh phát ra từ miệng với ù ù là chạy lúc to lúc nhỏ là chạy nhanh chạy chậm. Còn tin, tin là tiếng còi khi qua mặt hay cảnh báo cho người đi đường.
Bộ máy là hai cánh tay nắm lại để trước ngực quay tới là chạy tới, quay lui là chạy lui. Còn bánh xe là 2 chân mình, như thế là khi xe vận hành phải phù hợp với âm thanh phát ra từ miệng, tay quay và chân chạy. Chúng tôi thường tổ chức đua xe , mà mức đến từ gôn này đến gôn kia . "Gôn” là khung thành của sân đá banh của đồn lính Pháp, sau nhà thờ.
Trong cuộc đua có thể xì lốp vì vấp đá hay đạp gai, có thể hết xăng vì hụt hơi không chạy nổi nữa….
( Sân banh này sau 1955 làm trại tạm cư, cho đồng bào di cư vào nam, nay là khu giao diểm 2 con đường Nguyễn thị Minh Khai và Bế văn Đàn phường Blao – Bảo Lộc )
Cao hơn nữa khi dược đi học thì có thêm trò chơi mới, như đánh trỗng, đánh thẻ, ô quan…Các trò chơi này ngoài kỷ năng chơi còn có thêm hiểu biết về toán học, trong đó chủ yếu là phép cộng, trừ... tinh thần tập thể và cá tính chiến thuật chiến lược nữa.
*** Còn nữa***